Sôi động và thu hút trước một dự thảo nhiều điểm mới

Sôi động và thu hút trước một dự thảo nhiều điểm mới

(GD&TĐ) - Một sự kiện có tính thời sự và tập trung sự chú ý của dư luận trong tuần qua: Ngày 11/3/2013,  Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ra lấy ý kiến góp ý công khai toàn xã hội. Ngày 19-3, Bộ cũng đã tổ chức một hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo này. Hầu hết đại biểu đều đồng tình với việc phải xây dựng một nghị định xử phạt hành chính mới, bổ sung nhiều hành vi phát sinh trong thực tế. Và cũng còn không ít những ý kiến đưa ra để bàn định, nhằm giúp Bộ hoàn thiện dự thảo trước khi ra văn bản chính thức. 

Giờ học thân thiện
Giờ học thân thiện

Cái mới bao giờ cũng có sức thu hút, đó là lẽ đương nhiên, huống gì đây lại là cái mới liên quan tới luật định, ở một lĩnh vực được coi là “Quốc sách hàng đầu”. Tuy nhiên, sức thu hút của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục lần này còn ở những điểm mới và hướng tới giải quyết tận gốc những điểm nổi cộm, còn tồn đọng chưa được giải quyết triệt để ở chốn học đường.  

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đặc biệt coi trọng chất lượng dạy và học và coi đó là xương sống của giáo dục. Trong quá trình vận hành cho một “xương sống” vững chắc, dẻo dai ấy,  nhiều bài học, kinh nghiệm quý được rút ra, đồng thời một vấn đề được coi là “gốc rễ” của mọi vấn đề, đó là đạo đức nghề nghiệp. Giải quyết tốt vấn đề đạo đức trong giáo dục sẽ nâng cao được chất lượng đào tạo.

Dự thảo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định số 49/2005/NĐ - CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 40/2011/NĐ - CP ngày 8/6/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP lần này được đánh giá cao về tính sát thực, bao quát, không ngoài mục đích đảm bảo một môi trường giáo dục mẫu mực. Song song với việc đưa ra mức xử phạt hành chính bằng tiền với những sai phạm trong lĩnh vực giáo dục, Dự thảo cũng đưa ra nhiều hình thức xử phạt bổ sung khác để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, để Dự thảo trở thành một văn bản quy phạm pháp luật đi vào thực tế, mang lại hiệu quả tốt cho giáo dục, rất cần sự tham gia đóng góp ý kiến không chỉ của những người làm giáo dục mà của cả xã hội. Nhiều ý kiến đồng tình với những điểm mới lần này; có những điểm lần đầu tiên được đưa vào Dự thảo và tăng mức xử phạt, nhất là với những hành vi vi phạm ở mức độ gia tăng, phổ biến trong thời gian gần đây,  như cơ sở sử dụng giáo viên không đạt chuẩn, dạy thêm trái phép, xúc phạm danh dự và thân thể với giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục…

Luồng ý kiến tranh luận trong và ngoài ngành tập trung ở việc, làm thế nào văn bản luật được cụ thể hóa, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, mức xử phạt như thế nào cho hợp lý và tính nghiêm minh, khả thi của các biện pháp khắc phục. Tại TP Đà Nẵng, một cán bộ quản lý giáo dục đã thốt lên rằng: Chúng tôi hi vọng sẽ sớm có một Nghị định mới ra đời với sự quy định rõ hơn trách nhiệm của từng tổ chức, đơn vị hành chính, cơ quan chức năng, cá nhân chịu trách nhiệm về xử lý khi có vi phạm. Từ đó, sự giải quyết những tồn đọng lâu nay trong ngành Giáo dục không còn là câu chuyện dài kỳ, nhiều giáo viên phát biểu rằng: Việc đưa ra những chế tài cụ thể để bảo vệ thân thể, nhân phẩm người thầy giáo là rất cần thiết. “Tôi rất tâm đắc khi Dự thảo đưa ra mức phạt lên tới 20 triệu đồng khi có hành vi đánh giáo viên. Tất nhiên kèm theo đó Có thể còn truy cứu trách nhiệm hình sự nữa”. một giáo viên tại TP Đồng Hới - (Quảng Bình).

Hi vọng từ  sự tập hợp các ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc của toàn xã hội vào Dự thảo, sẽ sớm ra đời một Nghị định quy định về xử phạt hành chính mang tính tối ưu, để môi trường giáo dục thật sự “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” như kỳ vọng của những thế hệ tâm huyết với sự nghiệp trồng người. 

Hồng Thúy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ