Sinh con nhờ... kỹ thuật “bắt”

GD&TĐ - Áp dụng kỹ thuật “bắt” tinh trùng sau khi mắc bệnh quai bị, hay nuôi phôi ngày 5 mang lại cơ hội có thai sau chuyển phôi cao… đang là những kỹ thuật hiện đại được áp dụng trong điều trị, giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện giấc mơ được làm cha mẹ.

BS Lê Thị Thu Hiền (bìa phải) chụp ảnh cùng một gia đình tại ngày hội Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2018
BS Lê Thị Thu Hiền (bìa phải) chụp ảnh cùng một gia đình tại ngày hội Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2018

Hạnh phúc được làm cha mẹ

Tham dự ngày hội của các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, anh Lý Chí Thanh (31 tuổi, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi liên tục khoe với mọi người hình ảnh cô con gái xinh xắn mới chào đời chưa đầy tháng tuổi. Anh Thanh cho biết, đây là trái ngọt sau 6 năm hai vợ chồng đi khắp nơi để chạy chữa vô sinh.

Lập gia đình vào năm 2013, khi vợ mới 18 tuổi, nhưng suốt 2 năm không hề dùng các biện pháp kế hoạch, vợ anh vẫn chưa có tin vui. Gia đình nội ngoại hai bên sốt ruột, giục vợ chồng anh đi bốc thuốc, hễ ai mách thầy lang mát tay nào là tìm đến lấy thuốc, nhưng vẫn không có kết quả. Từ giữa năm 2016, vợ chồng anh tìm đến nhiều bệnh viện để thăm khám, bác sĩ kết luận tinh dịch của anh không có tinh trùng do biến chứng quai bị.

Anh Thanh kể, bản thân mắc quai bị năm 14 tuổi và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu, sau đó tinh hoàn cũng đau và sưng to. Khi hết bệnh, anh thấy cơ thể trở lại như bình thường, duy chỉ có một bên tinh hoàn cứ teo nhỏ dần nhưng không hề nghĩ mình có thể bị vô sinh. Trường hợp của anh khá đặc biệt nên các bác sĩ bệnh viện đã phải chọc hút, lấy mô tinh hoàn đến ba lần, nhưng không thu được tinh trùng nào. Lần thứ tư, bác sĩ phải dùng kính hiển vi, vạch từng lớp trong tinh hoàn (bằng kỹ thuật Micro TESE), may mắn “bắt” được một số tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Không riêng trường hợp anh Thanh, nhiều nam giới khác khi đến bệnh viện khám cũng bị teo tinh hoàn do biến chứng quai bị. So với các phương pháp “bắt” tinh trùng truyền thống, thì việc áp dụng Micro TESE sẽ giúp bệnh nhân không phải cắt mô tinh hoàn. Trong đó, trường hợp gia đình anh Đào Phú Khánh thành công nhờ kỹ thuật Micro TESE đang mang thai 3, hay gia đình chị Dương Phương Linh có thể sinh ra đứa con khoẻ mạnh nhờ thụ tinh trong ống nghiệm dù mắc Thelassemia. Bên cạnh đó, trường hợp gia đình anh Kiều Tiến Cử thất bại nhiều lần, hơn 10 năm theo đuổi đến năm 2017 có hai bé gái.

Hai bé sinh đôi trong ngày hội Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2018

Hai bé sinh đôi trong ngày hội Tuần lễ Vàng ươm mầm hạnh phúc 2018

Thành công nhờ kỹ thuật hiện đại

Tại Hội thảo tổng kết “Tuần Lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2018” - một chương trình thường niên của Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức hằng năm, nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị vô sinh, hiếm muộn, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các cặp vợ chồng trong quá trình điều trị tại bệnh viện, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những thành công áp dụng các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Một trong những kỹ thuật mới đó là sử dụng kỹ thuật Micro TESE, đã mở rộng chân trời điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô tinh có thể có con của chính mình - điều mà trước đây không thể thực hiện được. ThS.BS Đinh Hữu Việt cho biết, kỹ thuật Micro TESE là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Tinh trùng thu được từ Micro TESE sẽ được dùng làm thụ tinh trong ống nghiệm và cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng trong tinh dịch.

Cùng đó, kỹ thuật nuôi phôi ngày 5 cho hiệu quả vượt trội, kết hợp sàng lọc di truyền tiền làm tổ giúp loại bỏ nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh, tăng cơ hội có con khỏe mạnh cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Theo ThS Nguyễn Minh Đức, hiện nay, các trung tâm hỗ trợ sinh sản đang thực hiện đồng thời kỹ thuật nuôi phôi ngày 2, 3, 4, 5 và 6. Song hiện tại, bệnh viện đang có xu hướng nuôi phôi ngày 5, tức phôi nang vì nhận thấy hiệu quả vượt trội của nó so với việc nuôi phôi ngày 2 hoặc 3. Kỹ thuật nuôi phôi ngày 5 mang lại cơ hội có thai sau chuyển phôi cao, ít bị sảy thai do phôi được chọn lọc kỹ hơn. Chuyển phôi ngày 5 cũng giúp hạn chế khả năng đa thai, vì mỗi lần chuyển phôi ngày 5, bác sĩ sẽ chỉ chuyển 1 - 2 phôi.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng phôi chuyển và sàng lọc trước sinh là vô cùng quan trọng. Nói về vấn đề này, ThS Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết,

Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Trong thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ được ứng dụng để chẩn đoán các bất thường nhiễm sắc thể, hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể trong đó có Thalassemia. Kỹ thuật này đã được bệnh viện áp dụng thành công cho trường hợp mắc Thalassemia (cả bố và mẹ) thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ