ICTnews đã phản ánh tình trạng một số điểm bày bán công khai các loại SIM trên vỉa hè các tuyến phố của Đà Nẵng như: Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ, Tôn Đức Thắng…
Sau đó, Thanh tra Sở Thông tin &Truyền thông Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra dẹp bỏ đồng thời yêu cầu các nhà mạng cần siết chặt hơn nữa việc đăng ký thông tin cá nhân và cung cấp SIM ra thị trường.
MobiFone cho biết cũng đã “trảm” 5 đại lý làm sai quy định về đăng ký thông tin thuê bao và chấm dứt hợp đồng đối với những đại lý này. Trước sự quyết liệt của cơ quan chức năng và MobiFone 3 các điểm này đã tạm lắng dịu lại.
Tuy nhiên, vài ngày gần đây, các điểm bán SIM lưu động này lại bùng phát dữ dội. Nếu như trước đây, đường Nguyễn Tri Phương chỉ có 6 điểm bán SIM rác thì nay tăng lên 13 điểm nối tiếp nhau. Một số điểm không trưng bày SIM lên bàn, nhưng người bán thì đứng ngay tại các gốc cây có gắn phướn quảng cáo “Bán SIM sinh viên, 30K”.
Hầu hết SIM rác được bày bán của nhiều nhà mạng, nhưng nhiều nhất là của MobiFone và người mua không phải đăng ký thông tin cá nhân vẫn sử dụng bình thường.
SIM sinh viên của các nhà mạng này có giá bán 30 ngàn đồng, tài khoản ban đầu có 0 đồng những mỗi tháng được cộng 35 MB tài khoản truy cập Internet. Loại SIM thường 10 số có giá dao động từ 55.000 – 75.000 đồng, tài khoản sẽ có 30.000 đồng và khuyến mãi 100% giá trị 3 lần nạp thẻ đầu tiên.
Theo tìm hiểu, sở dĩ các điểm bán SIM rác ngày càng nở rộ bởi kiếm lời khá dễ dàng. Một người bán SIM rác trên đường Nguyễn Tri Phương cho biết: “Mỗi SIM sinh viên nhập vào có giá 25.000 đồng, SIM thường là 40.000 đồng nhưng khi bán thì giá dao động từ 30.000 - 75.000 đồng.
Với giá bán chênh lệch từ 5.000 - 15.000 đồng/SIM trung bình mỗi ngày các điểm bán nếu bán được 15 SIM cũng lãi gần 100.000 đồng. Nguồn SIM đều lấy từ Hà Nội do một số cò cung cấp”.
Ông Nguyễn Chương Đức - Chánh thanh tra Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết: “Cơ quan chức năng tại các địa phương, trong đó có Đà Nẵng rất khó để dẹp bỏ dứt điểm tình trạng buôn bán SIM rác này.
Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì ở TP Đà Nẵng. Thực tế cho thấy, thanh tra tại các địa phương chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không thể giải quyết được tận gốc”.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu về thuê bao do các Tổng công ty, Tập đoàn nắm giữ và quản lý. Các địa phương chỉ có thể thanh tra quản lý thông tin thuê bao trên cơ sở các doanh nghiệp cung cấp bằng văn bản chứ không có quyền truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp. Vì vậy, rất khó khăn để xử lý tận gốc”.
Thêm vào đó, nguồn nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương trong việc dẹp bỏ triệt để vấn nạn chiếm vỉa hè bày bán SIM rác.
Ông Đức cho hay: “Biên chế cho thanh tra Sở chỉ có 4 người, vì vậy không thể dàn trải khắp các ngõ ngách của TP để xử lý các cá nhân buôn bán SIM rác. Trong khi đó, đối với những cá nhân sau khi bị xử lý chổ này thì họ lại tìm chổ khác để tiếp tục kinh doanh”.
Với những lý giải trên, ông Đức cho rằng để dẹp bỏ triệt để vấn nạn buôn bán SIM rác cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp cao nhất (Bộ TT&TT – PV).
Bộ TT&TT cần phối hợp với Bộ Công an tiến hành thanh kiểm tra trực tiếp các doanh nghiệp viễn thông bằng cách trực tiếp truy nhập vào cơ sở dữ liệu của các nhà mạng.
Qua đó, phát hiện và cắt bỏ những thuê bao sử dụng không đúng thông tin hoặc SIM chưa sử dụng mà đã tích hợp thông tin sẵn… Có như vậy, vấn nạn buôn bán SIM rác mới có hồi kết thúc.
Còn ông Võ Văn Thanh - Giám đốc chi nhánh MobiFone Đà Nẵng 1 - cũng bức xúc chia sẻ: “Chúng tôi rất đau đầu về tình trạng này. Sau khi cơ quan truyền thông phản ánh, chúng tôi cũng nhận được công văn của Sở TT&TT yêu cầu siết chặt hơn nữa việc đăng ký thông tin cá nhân và cung cấp SIM ra thị trường.
Theo yêu cầu của Sở TT&TT, MobiFone đã cử nhân viên tìm hiểu nguồn gốc các SIM được bán. Bên cạnh đó, MobiFone cũng yêu cầu các đại lý rà soát về điều kiện pháp lý, mặt bằng, kiểm tra việc treo biển điểm đăng ký thông tin, công cụ, việc niêm yết và thực hiện quy trình thủ tục đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước tại toàn bộ điểm bán có chức năng đăng ký thông tin trên toàn địa bàn; đồng thời yêu cầu đại lý không được bán sim trả trước kích hoạt sẵn; nếu bị phát hiện MobiFone kiên quyết xử lý nghiêm”.
“MobiFone chỉ giám sát, quản lý họat động của hệ thống đại lý của mình. Đối với các điểm bán lưu động này, chúng tôi không thể kiểm tra, xử phạt, vì vậy đề nghị cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa để dẹp bỏ các điểm bán lưu động này” - Ông Thanh đề nghị.