Xung quanh vấn đề này phóng viên báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội.
Sau hơn hai tuần hoạt động chính thức, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của buýt nhanh Hà Nội?
- Theo thống kê, lượng hành khách sử dụng phương tiện này tăng liên tục kể từ ngày chính thức hoạt động (31-12-2016). Trung bình mỗi ngày buýt nhanh vận chuyển được gần 3.500 lượt xe, với 130.000 lượt khách.
Chất lượng phục vụ của buýt nhanh được người dân đánh giá cao. Nhân viên, lái xe văn minh, thân thiện, giờ giấc vào các điểm chờ, bến đảm bảo.
Tuy nhiên, buýt nhanh Hà Nội còn một số điểm hạn chế, như phương tiện cá nhân lấn làn, ùn tắc ở các điểm quay đầu xe; việc tiếp cận nhà chờ của hành khách còn lúng túng, hay nhiều người không đi theo hướng dẫn mà băng cắt qua đường rất nguy hiểm.
Nhiều hành khách phàn nàn hiện tại một số nhà chờ buýt nhanh còn mất vệ sinh, nhếch nhác, cơ sở vật chất chưa tương xứng; hành khách lúng túng khi tìm đường ra vào nhà chờ, bản thân lái xe cũng chưa quen với hệ thống cửa tự động tại nhà chờ, ông có thể nói gì về thực tế này?
- Sau một thời gian thực hiện buýt nhanh, chúng tôi cũng nhận được thông tin phản ánh tình trạng mất vệ sinh tại một số nhà chờ. Sở dĩ có tình trạng đó là do đây là địa điểm công cộng, lượng người tham gia giao thông lớn, các công ty vệ sinh cũng có bố trí nhân lực để thu dọn xong có những lúc, những thời điểm công việc tiến hành chưa kịp thời, dẫn đến hiện tượng mất vệ sinh.
Để khắc phục tình trạng mất vệ sinh, hiện chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và đã có những yêu cầu cụ thể với các công ty vệ sinh môi trường.
Về việc hành khách còn khó khăn trong việc tìm lối ra, vào nhà chờ buýt nhanh có thể là do lần đầu sử dụng chưa quen với hệ thống, tuy vậy để thuận lợi hơn cho hành khách, thời gian tới chúng tôi sẽ bố trí thêm các quầy cung cấp thông tin đồng thời bố trí nhân viên hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó mục tiêu mà chúng tôi hướng tới là sẽ xem nhà chờ buýt nhanh như một sân ga với đầy đủ các tiện ích như các điểm bán hàng lưu động, quầy đồ ăn…
Về buýt nhanh, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng đường Hà Nội đã quá nhỏ, thường xuyên tắc đường giờ lại ưu tiên một làn đường riêng cho buýt nhanh khiến tình trạng tắc đường trở nên trầm trọng. Ông có bình luận gì về điều này?
- Quan điểm phát triển giao thông Hà Nội mà lãnh đạo thành phố xác định là ưu tiên cho phát triển giao thông công cộng. Khi ưu tiên phát triển giao thông công cộng, các phương tiện giao thông khác có thể gặp khó khăn.
Tuy nhiên để tìm lời giải cho bài toán giao thông Hà Nội, các nhà quản lý buộc phải lựa chọn bằng cách tổ chức lại giao thông với xương sống là giao thông công cộng, và người dân cũng buộc phải thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông.
Có thể ban đầu người dân phản ứng do khó khăn đi lại là điều dễ hiểu, nhưng tôi tin dần dần họ sẽ hiểu và ủng hộ. Nếu vì sợ người dân phản ứng mà không làm gì cả, cứ để giao thông Hà Nội phát triển tự nhiên, đến một lúc nào đó giao thông Hà Nội sẽ “chết”, người dân sẽ không thể di chuyển được trong nội đô.
Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra, ở các nước trên thế giới đều chọn tuyến đường lớn để phát triển buýt nhanh. Tại sao Hà Nội lại áp dụng vào tuyến Yên Nghĩa- Kim Mã chật hẹp, phương tiện lưu thông lớn?
- Trên thế giới, việc chọn hành lang để tổ chức giao thông công cộng không dựa trên tiêu chí nhiều hay ít làn đường, rộng hay hẹp mà là chọn hành lang có mật độ, áp lực giao thông cao.
Ở các nước phát triển, áp lực giao thông không cao, cơ sở hạ tầng tốt, trật tự nên buýt nhanh rất hiệu quả. Ngược lại, Hà Nội không có đoạn đường nội đô nào rộng rãi, cơ sở vật chất được như nước ngoài nên việc xây dựng BRT phải nghiên cứu rất kỹ.
Hành lang giao thông Yên Nghĩa - Lê Văn Lương trước kia rộng và thông thoáng. Những năm gần đây, việc phát triển đô thị ồ ạt khiến tuyến đường này trở nên chật hẹp.
Còn về việc tại sao chọn tuyến Yên Nghĩa - Kim Mã để xây dựng tuyến buýt nhanh, chúng tôi giải quyết vấn đề giao thông ở hành lang này. Rõ ràng, tuyến đường có áp lực giao thông rất lớn, “điểm nóng” của ùn tắc giao thông.
Với những hạn chế đang tồn tại của buýt nhanh, thời gian tới Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội sẽ có biện pháp gì để giải quyết?
- Để giao thông Hà Nội phát triển bền vững, mục tiêu lâu dài nhất là đường sắt đô thị, nhưng đường sắt đô thị là loại hình ưu việt, cần nhiều kinh phí, thời gian.
Nhưng với điều kiện Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nên phải mở rộng buýt nhanh, (buýt nhanh là loại phương tiện giao giữa đường sắt trên cao và buýt thường).
Bên cạnh đó, để buýt nhanh vận hành tốt thời gian tới chúng tôi vẫn phải tiến hành theo dõi hành lang buýt nhanh xem có những biến động gì để xử lý nhanh, kịp thời.
Đồng thời lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông sẽ hoạt động thường xuyên để điều hành, hướng dẫn nhắc nhở phân làn giao thông và tiến tới xử phạt nghiêm sai phạm.
Ngoài ra Trung tâm cũng vừa đề xuất thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về thí điểm lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường buýt nhanh.
Theo đó, dải phân cách cứng sẽ được thiết kế bằng kết cấu nhẹ tại một số vị trí từ nhà chờ đến nút giao thông liền kề để hạn chế lấn làn, tăng khả năng qua nút nhanh hơn cho BRT. Việc lắp thí điểm sẽ được thực hiện ở một số vị trí nút giao từ vành đai 3 trở vào nội thành.
Với những người đang phản đối buýt nhanh, ông có thể nói gì?
- Người dân có thể xem bức tranh giao thông Láng Hạ- Lê Văn Lương trước và sau khi có buýt nhanh để thấy giao thông được hình thành nền nếp tốt hơn, lượng người đang sử dụng buýt nhanh tăng hàng ngày. Người dân hãy trải nghiệm một lần trên buýt nhanh để thấy có sự khác biệt, thấy được lợi ích và hiện đại của buýt nhanh.
Xin cảm ơn ông!