Nhận diện thủ đoạn
Mới đi vào hoạt động từ tháng 11-2015 nhưng thống kê sơ bộ đến thời điểm này, hầu như tháng nào tại Trung tâm thương mại Aeon, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng trộm cắp. “Có những vụ việc đối tượng trộm cắp bị bắt quả tang, song có những vụ nạn nhân không trình báo và đây chính là điều kiện để kẻ gian có thể nối dài hành vi phạm tội, chỉ huy CAP Long Biên nhìn nhận.
Mỗi vụ trộm tài sản ở Trung tâm thương mại Aeon là một kiểu thủ đoạn khác nhau của kẻ gian. Phổ biến nhất là đối tượng trà trộn trong đám đông, tăm tia người đi mua sắm sơ hở để lấy trộm tài sản giá trị. Đây là cách được Nguyễn Duy Tiến (SN 1979), trú tại tổ 11 phường Phúc Đồng, quận Long Biên áp dụng. Mà điều này thực tế không quá khó, bởi ước tính ngày cao điểm, có đến 2 vạn lượt khách tham quan, mua sắm tại Trung tâm thương mại Aeon. Trong ngày 21-1, Tiến đã móc được chiếc điện thoại iPhone 5s của 1 cô gái trẻ đến từ quận Hà Đông.
Một dạng trộm cắp khá phổ biến khác là nhắm vào hàng hóa bày bán ở trung tâm thương mại, đặc biệt những sản phẩm không được gắn, đính mã từ an ninh. Khoảng cuối tháng 4 vừa qua, CAP Long Biên phối hợp cùng nhân viên an ninh ở Trung tâm thương mại Aeon, bắt quả tang Vũ Thị Hiền (SN 1951), HKTT tại phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, đang giở trò đạo chích. Lực lượng chức năng xác định người đàn bà này đã lận vào người gần 60 sản phẩm đồng giá, trong lúc đang tìm cách lẩn ra ngoài thì bị tóm.
Cao thủ hơn Vũ Thị Hiền là Nguyễn Thị Phương Anh (SN 1984), trú ở phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Cuối tháng 3-2016, Phương Anh mò đến Trung tâm thương mại Aeon với chủ đích trộm cắp. Sau khi mua mấy cái bánh mỳ và được đóng gói trong túi nilon thể hiện “đã thanh toán tiền” từ quầy bán, Phương Anh… ăn hết bánh mỳ, rồi mò sang khu vực bán rượu bia, bánh kẹo, khoắng số hàng tổng trị giá 14 triệu đồng, cho vào túi nilon. Tuy nhiên, chưa kịp thoát ra ngoài, cô ta đã bị bắt giữ.
Cũng chung thủ đoạn này, tháng 11-2015, CAQ Cầu Giấy, Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Trần Thị Hải (SN 1983) HKTT tại Bắc Giang để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, vào tối 11-11, Trần Thị Hải vào siêu thị Big C Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy để mua hàng. Khi lên đến tầng 2 của siêu thị, Hải thấy có nhiều loại quần áo có giá trị khác nhau nên đã nảy sinh ý định tráo đổi tem mác gắn trên sản phẩm có giá trị thấp vào sản phẩm có giá cao để đem ra thanh toán hòng chiếm đoạt tài sản.
Hải đẩy xe chở hàng đến quầy bán quần áo nam lấy tem mác chiếc áo khoác có giá trị 189.900 đồng rồi gắn vào chiếc áo có giá 399.000 đồng và bỏ vào giỏ xe hàng ra thanh toán. Do lượng khách quá đông nên nhân viên thanh toán không phát hiện được hành vi của đối tượng.
Thấy sự việc quá dễ dàng, Hải tiếp tục đẩy xe hàng vào khu vực quần áo nữ đổi tem mác giá trị cao thành giá trị thấp với tổng số 17 sản phẩm. Trong lúc đang thực hiện hành vi, đối tượng đã bị nhân viên bảo vệ của siêu thị Big C cùng lực lượng công an phát hiện và bí mật ghi lại hình ảnh. Đến 21h30 cùng ngày, Hải đem toàn bộ số quần áo đã tráo đổi tem mác ra quầy thu ngân và được nhân viên siêu thị thanh toán với giá trị hơn 3 triệu đồng. Khi Hải vừa nhận lại sản phẩm thì lực lượng bảo vệ và công an ập vào bắt giữ. Theo báo giá của siêu thị, tổng giá trị 18 sản phẩm mà Hải đã tráo đổi tem mác có giá trị thực là hơn 6 triệu đồng.
Tăng cường giám sát, tự bảo vệ tài sản
Cũng trên địa bàn quận Long Biên, một địa điểm khác từng nhiều lần bị kẻ gian ghé thăm là Trung tâm thương mại Savico. Trung tá Trần Tiến Dũng - Phó trưởng CAP Gia Thụy, phụ trách địa bàn đúc kết một số thủ đoạn, loại đối tượng từng gây án ở trung tâm này. Đó đa phần là đối tượng nữ, hoạt động chuyên nghiệp, lưu động.
Khi gây án, kẻ gian mặc quần áo rộng rồi lén nhét hàng hóa vào túi quần, áo, thậm chí vào cả những vị trí nhạy cảm. Liều lĩnh hơn, có đối tượng đeo bám, tìm cách trộm ví tiền, tài sản giá trị của khách mua hàng. “Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại thiếu cảnh giác, hoặc thuê nhân viên an ninh chưa có kinh nghiệm, hoặc quá phụ thuộc vào hệ thống camera giám sát.
Trước sự gia tăng của các tội phạm tại khu vực trung tâm thương mại, siêu thị, tháng 4-2014, Đảng ủy Ban giám đốc CATP đã ban hành kế hoạch 79, kế thừa và mở rộng Kế hoạch 142 đã ban hành trước đó vào năm 2011. Theo đó các tổ công tác tiếp tục điều tra khảo sát các tuyến, địa bàn, bổ sung danh sách các tuyến, địa bàn công cộng trọng điểm về tội phạm hình sự, vi phạm hình sự, vi phạm pháp luật để bố trí lực lượng trinh sát tuần tra mật phục, tập trung vào các bến xe, nhà ga, sân bay, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí.
Các tổ công tác đã tổ chức điều tra, lên danh sách, nắm di biến động, thời gian, quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn của các ổ nhóm tội phạm đang có biểu hiện hoạt động tại các địa bàn công cộng. Qua đó đã phát hiện một số ổ nhóm nhiều đối tượng tỉnh ngoài cấu kết với đối tượng ở Hà Nội để đi trộm cắp tài sản tại các siêu thị, bệnh viện, đền chùa, lễ hội, khu vui chơi công cộng. Hơn 2 năm qua, các tổ công tác đã tăng cường mật phục trinh sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Chính nhờ thế, nhiều siêu trộm đã qua mặt được cửa từ, camera giám sát nhưng lại không thoát được con mắt nhà nghề của lực lượng công an.
“Đấu tranh phòng chống trộm tại siêu thị, chợ, trung tâm thương mại không đơn giản vì tội phạm không từ bất cứ một thủ đoạn nào để gây án” - chỉ huy Phòng CSHS nhìn nhận. Do đó để phòng chống trộm hiệu quả tại chợ, trung tâm thương mại, siêu thị theo chỉ huy phòng CSHS CATP Hà Nội thì trước tiên, chính đơn vị quản lý những nơi này phải tăng cường hệ thống giám sát, bảo vệ hàng hóa của mình.
Cùng với đó, mỗi người dân khi đi đến chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, ngoài việc bảo vệ tài sản của bản thân khi thấy những biểu hiện khả nghi cần báo ngay với lực lượng bảo vệ siêu thị, trung tâm thương mại để có biện pháp giải quyết. “Về phía lực lượng công an, sẽ tăng cường mật phục, hóa trang kiểm tra giám sát tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để ngăn chặn tình trạng trộm cắp” - chỉ huy Phòng CSHS khẳng định.