Say xỉn lái xe: Mức phạt thế nào cho đủ tính răn đe?

GD&TĐ - Mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều về tác hại cũng như có những chế tài cụ thể nhằm hạn chế tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia, tuy nhiên nhiều vụ việc đau lòng vẫn liên tiếp xảy ra. Dư luận đặt câu hỏi, liệu Luật đã đủ tính răn đe và tác động đủ mạnh tới hệ ý thức còn quá kém của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông hiện nay?

Kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế (Ảnh: ĐSPL)
Kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế (Ảnh: ĐSPL)

Hậu quả thương tâm từ lái xe khi say xỉn

Vụ việc gần nhất, diễn ra vào đêm 21/10, nữ tài xế Nguyễn Thị Nga (46 tuổi), chủ một nhà hàng ở quận 3 (Tp HCM), lái xe trong tình trạng say xỉn, với nồng độ cồn 0,94 mg/1 lít khí thở, gây tai nạn liên hoàn. Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, 7 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu. Đến sáng 22/10, 5 người bị thương nhẹ đã được xuất viện, 2 nạn nhân còn lại đang trong tình trạng nguy kịch.

Vụ tai nạn được nhận định có tính chất "đặc biệt nghiêm trọng". Theo quy định của Luật hiện hành, bên cạnh mức phạt hành chính, mức án mà nữ tài xế say xỉn phải đối mặt là từ 3 đến 10 năm tù.

Theo Luật sư Phạm Quang Xá (Công ty Luật TNHH “XTVN” - Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội):

Về xử phạt hành chính: Tại Điểm b Khoản 8 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Như vậy, bà Nguyễn Thị Nga đã vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, điều khiển xe ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở.

Việc bà Nga tham gia giao thông đường bộ, gây tai nạn khiến 1 người tử vong, nhiều người bị thương và nhiều phương tiện xe bị hư hỏng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, bà Nga có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 3 đến 10 năm tù. Tuy nhiên, hình phạt tù cần căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng cũng như tình tiết giảm nhẹ mà người này có thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra mức phạt tù tương ứng.

Ngoài trách nhiệm hình sự nêu trên, bà Nga còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về dân sự cho các gia đình người bị hại theo quy định Điều 591 (Bộ luật Dân sự 2015). Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế như chi phí khắc phục hậu quả như: Điều trị, mai táng phí, thiệt hại về vật chất, tinh thần.

Cần hình sự hoá hành vi điều khiển xe khi say xỉn

Luật sư Phạn Quang Xá cho rằng: Với số lượng lớn và ngày càng gia tăng về số vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu, gây nhiều tổn thất nặng nề cho các gia đình và xã hội, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này. Không thể nhẹ tay, nương tay với những hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong người có nồng độ cồn cao, dễ gây tâm lý "nhờn luật".

Luật sư Phạm Quang Xá cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mức hình phạt rất nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn cao. Mỗi nước có một chế tài riêng nhưng nhìn chung đều rất nghiêm khắc, từ phạt tiền, truy tố, phạt tù, cấm lái xe suốt đời,..

"Có thể nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc chế tài xử phạt hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia, có nồng độ cồn trong máu cao của một số nước tiên tiến (Mỹ, Anh, Đức, ...) để quản lý và xử lý nghiêm hành vi này. Có thể tịch thu bằng lái vĩnh viễn, cấm điều khiển xe suốt đời đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng." - Luật sư Phạm Quang Xá đề xuất.

Với hành vi lái xe mà trong người có nồng độ cồn, mức phạt hành chính theo quy định hiện hành là quá nhẹ so với hậu quả có thể xảy ra. Cần phải hình sự hoá với hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn cao.

Chế tài xử phạt cho hành vi này của Việt Nam hiện còn quá nhẹ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong khi thực tế cho thấy, việc lái xe sau khi đã dùng rượu bia, có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường cho chính người điều khiển phương tiện và mọi người xung quanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ