Say nghề chẳng kể khó khăn

GD&TĐ - Những lời tâm huyết của chị, một giáo viên dạy môn phụ - môn Công nghệ đầy tự hào, mạnh mẽ khiến tôi thực sự xúc động. Xúc động bởi sự say nghề, yêu nghề thật quá đỗi chân thành.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy (thứ 2 từ phải sang) đang trò chuyện cùng các em học sinh thân yêu
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy (thứ 2 từ phải sang) đang trò chuyện cùng các em học sinh thân yêu

Tôi không có nhiều ấn tượng trong lần đầu gặp chị. Khi ấy, trong đoàn nhà giáo hơn 100 người - Những gương mặt xuất sắc nhất của cả nước về Hà Nội dự lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 2008 - 2013 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức, chị lẫn trong đoàn người, nhỏ bé, giản dị và gương mặt có vẻ gì đó hơi khắc khổ.

Thế nhưng, là đại diện duy nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đợt ấy, Nguyễn Thị Thúy - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du - lại là người mạnh dạn phát biểu trong buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 

Bao toan lo bỏ ngoài lớp học

Chị kể: Nói về 24 năm làm nghề giáo, khó khăn lắm nhưng niềm vui cũng nhiều. Thôi làm công nhân trên công trường, quyết tâm đèn sách đỗ vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1992. 

Vượt qua những vất vả đời sinh viên nghèo, ra trường may mắn có cơ hội làm công việc thiết kế tại Công ty May Đồng Nai nhưng ngày đầu tiên đến ra mắt nhiệm sở chị đã cảm thấy ngay môi trường đó không phù hợp với mình. 

Cũng cân nhắc, suy nghĩ đắn đo ghê lắm, sau quyết tâm thực hiện ước mơ thưở nhỏ, lại vừa sở hữu một tấm bằng “kĩ sư giáo dục”, thế là chị quay về Bà Rịa - Vũng Tàu nộp đơn xin đi dạy học. Trường THPT Nguyễn Du gắn bó với chị từ đó đến giờ.

Những năm đầu mới ra trường, cuộc sống khó khăn vô cùng. Hai vợ chồng giáo viên sống trong khu tập thể nhỏ của trường 11 năm. Mới đây thôi anh chị mới “lên đời” mua được căn nhà cấp 4 nhỏ. Giá trị căn nhà không lớn, nhưng đến một phần ba số tiền là nhờ bố mẹ giúp.

Việc chị quyết tâm đi học cao học cũng khiến mọi người bất ngờ, lo lắng. “Nghĩ cũng liều, mình nộp đơn thi cao học lúc tuổi đã 36, công việc đã ổn định rồi. Nhớ lại ngày đó, cũng đâu đã xa xôi, các học viên chi tiêu theo tháng, mình chỉ dám tiêu theo tuần. Để đỡ tốn, mình xin ở ghép chung giường với các em sinh viên, thường nghỉ trưa ngay tại lớp học cho tiện. Giờ nhìn lại, không hiểu mình đã vượt qua bằng cách nào?” - Chị tâm sự.

Yêu nghề, nên mọi toan lo của cuộc sống thường nhật luôn bị chị “bỏ lại” ngoài lớp học. Hỏi lại: Có bao giờ chị nghĩ cần cố gắng đến thế với một môn phụ như Công nghệ? Chị cười: Còn gì hạnh phúc hơn nếu giờ học của một môn phụ lại được học sinh chờ đón.

 Điều đó khiến tôi thấy cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa. Mỗi buổi đến trường, nhìn thấy gương mặt của học sinh tôi lại thấy mình như sống cùng lứa tuổi 15 - 17 học trò, trẻ trung, tràn đầy năng lực. Đó chẳng phải là sự đền đáp quá xứng đáng rồi sao?

Thật buồn nếu tôi không còn cố gắng nữa!

Nếu hỏi: Lý do gì khiến một giáo viên môn Công nghệ như chị lại được lựa chọn đại diện cho giáo viên toàn tỉnh, chị luôn khiêm tốn trả lời: Tỉnh chị và toàn ngành có phân biệt môn chính - phụ đâu em!

Thế nhưng, khi lướt qua bảng thành tích của chị mới thấy thực sự khâm phục. Một giáo viên nữ, cuộc sống gia đình vẫn bao nỗi toan lo với khởi đầu nghiên cứu khoa học, tiếng Anh, Tin học là con số 0 tròn trĩnh, nên những gì chị đã làm được không thể thiếu nền tảng từ sự tâm huyết, đam mê, nỗ lực.

Chị Thúy tâm sự: Mình ở vùng quê, tiếp cận với Ngoại ngữ, Tin học rất khó khăn. Hồi đó đâu có trung tâm Ngoại ngữ, phải tự mình mày mò tự học, rồi học chính các đồng nghiệp cùng trường, thậm chí học cùng cả học sinh. 

Có một thời gian, cứ trống tiết mình lại vào "học nhờ" ở bất kỳ lớp nào để hy vọng nâng cao vốn tiếng Anh. Rồi cũng như thế khi làm luận văn thạc sĩ về phương tiện dạy học, chị chưa biết nhiều về công nghệ thông tin. 

Lại hành trình học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, sự trợ giúp của "ông xã", cuối cùng luận văn với đề tài "Nghiên cứu các điều kiện dạy học môn Công nghệ trong các trường THPT khu vực miền Đông Nam Bộ và thiết kế một số phương tiện dạy học môn Công nghệ" của chị đã hoàn thành.

Không nói đến 3 lần đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2 lần là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, từng nhận được Bằng khen của Thủ tướng, chỉ trong 4 năm liên tiếp gần đây, năm nào chị Thúy cũng có sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải cấp tỉnh. 

Có thể điểm mặt các đề tài: “Thực trạng điều kiện phương tiện dạy học môn Công nghệ THPT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thiết kế một số phương tiện dạy học môn Công nghệ” năm 2009; "Bài giảng tương tác kết hợp phương pháp dạy học tích cực nâng cao hiệu quả dạy - học môn Công nghệ" năm 2011; Ứng dụng VBA thiết kế PowerPoint Games phần động cơ đốt trong - CN11 nâng cao hứng thú và kết quả học tập cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu " năm 2012; "Dạy học theo dự án các bài thực hành chương III - Công nghệ 10 nhằm nâng cao khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn của học Trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" năm 2013.

Cách đây không lâu, đề tài "Ứng dụng Visual Basic thiết kế bài giảng powerpoint interactieve nâng cao hứng thú và kết quả học tập cho học sinh", cũng là thành phẩm chị bỏ nhiều tâm huyết, đã giành giải cuộc thi sáng tạo kĩ thuật toàn quốc.

Trong câu chuyện gần đây nhất với chị, vào ngày 7/3, tôi được thông báo chị đang dẫn học sinh của trường, trong nhóm học sinh toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc. 

Chị cho biết: Năm nay, học sinh của trường dự thi với đề tài "Lời nhắc tự động tại nhà vệ sinh, nâng cao ý thức giữ vệ sinh tại trường học". Chị tự hào tiết lộ, ý tưởng đề tài ý nghĩa này hoàn toàn do học sinh sáng tạo. 

Vui cùng niềm vui của chị, tôi thầm mong đợi kết quả xứng đáng sẽ đến với chị và các học sinh thân yêu sau những quãng đường dài nỗ lực không mệt mỏi.

Với tôi, việc tự tìm kiếm, khám phá những công nghệ mới, phương tiện hỗ trợ dạy học hiện đại, cách thức dạy học mới là một thú vui, một thói quen. Tôi muốn sẽ mang lại cho học sinh niềm vui, sự mới mẻ qua mỗi bài học. Không chỉ thế, với đồng nghiệp, tôi cũng mong muốn những thông tin về công nghệ dạy học mới, kiến thức mới về phương tiện dạy học hiện đại sẽ hấp dẫn họ.                               Quả thực, tôi không biết mình sẽ thế nào nếu ngừng nỗ lực, cố gắng trau dồi kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ