Theo tờ Ibtimes, Federica Bertocchini, nhà khoa học ở Đại học Cantabria, Tây Ban Nha, kiêm người nuôi ong nghiệp dư, phát hiện khả năng ăn rác thải nhựa đáng kinh ngạc của sâu sáp khi đang chăm sóc tổ ong.
Bertocchini bỏ những con sâu vào túi nhựa siêu thị làm từ polyethylene khi nhặt chúng ra từ tổ ong. Chưa đầy một tiếng sau, chiếc túi bị thủng lỗ chỗ.
Cùng nghiên cứu với các nhà khoa học ở Đại học Cambridge, Anh, Bertocchini phát hiện sâu sáp không chỉ cắn thủng túi nylon mà chúng thực sự đang ăn nhựa và phân hủy nhựa thành một hợp chất khác.
Paolo Bombelli, nhà nghiên cứu Paolo Bombelli ở Đại học Cambridge, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: "Có một sự biến đổi hóa học ở polymer. Điều này cho chúng tôi biết đây không đơn thuần là hành vi nhai máy móc của sâu bướm".
100 con sâu nhai hết 92 mg nhựa trong khoảng 12 giờ, những chiếc túi siêu nhẹ chỉ còn lại những mảnh vụn. Chúng phân tách nhựa thành ethylene glycol, một chất chống đông.
Bombelli nói: "Đây là một phát hiện tuyệt vời bởi chúng tôi thực sự hy vọng xác định được loại enzyme đó. Nếu làm được, sau đó chúng tôi có thể chiết xuất enzyme ở những tổ chức sinh vật khác như men hay vi khuẩn E. coli, và sử dụng chúng ở quy mô công nghiệp".
Sâu sáp là loài côn trùng duy nhất được biết đến có khả năng phân hủy polyethylene theo cách này.
Nhóm nghiên cứu cần tiến hành thêm vài bước trước khi dùng sâu bướm để xử lý hàng núi rác thải nhựa ở các bãi rác mỗi năm.