Sau 4 năm đi xuất khẩu lao động, vừa về vợ nhất quyết đòi ly hôn vì lý do không ai ngờ

Sau 4 năm đi xuất khẩu lao động sang liên bang Nga, cô Duyên trở về quê nhà trong bộ dạng béo trắng, lộng lẫy như một quý bà nơi phồn hoa đô thị.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau khi mọi người đã về hết, căn nhà ngói ba gian của vợ chồng Duyên trở lại vẻ yên tĩnh vốn có. Hai đứa con lên giường ngủ ngon lành, Tú sắp xếp đồ đạc cho vợ, rồi giục Duyên đi ngủ sớm cho lại sức.

Đã lâu lắm rồi, Tú mới có cảm giác háo hức được gần gũi vợ như đêm nay. Nằm trong màn, trái tim anh đập mạnh, khi thì dồn dập, lúc lại hối thúc như trống hội ngày mùa.

Tiếng kim đồng hồ lách cách trên tường chỉ con số 12, mỗi giây trôi qua đối với người chồng dài bằng cả dải ngân hà.

Trái với tâm trạng mong được ôm ấp vợ sau bao năm sống xa cách của chồng, Duyên lại thờ ơ, giục chồng ngủ trước. Mặc dù quá buồn ngủ vì mệt mỏi sau một ngày lao động chân tay vất vả ngoài đồng, Tú cố “chống” mắt, đợi vợ vào "động phòng".

Phút giây chờ đợi rồi cũng đến, Duyên lên giường nằm, mang theo một mùi hương nước hoa đắt tiền. Mọi giác quan của người chồng đều hướng tới cô vợ trẻ mới ngoài 30 tuổi nằm bên cạnh. Mùi da thịt thân quen, pha lẫn mùi nước hoa đắt tiền làm cho người chồng có cảm giác xa lạ với vợ.

Ngày trước, hai vợ chồng hay cùng nhau ra đồng làm việc, tình nghĩa gắn bó keo sơn, thậm chí có thể cảm nhận được mùi mồ hôi cơ thể của nhau.

“Nay mùi hương cơ thể xưa của vợ đã biến bay đâu mất, thay vào đó là mùi nước hoa thơm xực mũi, khiến ta có cảm giác vừa ngại ngùng, vừa xa lạ”. Tú tự độc thoại với chính mình. Vợ chồng trao đổi với nhau vài câu nhát ngừng, Tú quàng tay lên người Duyên. Ngay lập tức, Duyên lấy tay gạt nhẹ ra.

Hành động chối từ tình cảm của vợ làm Tú không vui, anh mơ hồ cảm thấy có một điều gì đó bất an xảy ra giữa quan hệ vợ chồng. Dẫu vậy, anh vẫn tiếp tục động chạm vào người vợ nhưng không được như ý muốn.

Duyên lấy lý do trong người mệt mỏi vì đi máy bay một chuyến đường dài nên không thể chiều chồng được. Tin lời vợ nói, Tú quay sang ngủ một mạch đến sáng. Nghe tiếng gà gáy đánh thức, Tú vùng dậy nhìn sang không thấy vợ nằm bên. Anh nông dân chân chỉ hạt bột làm vệ sinh cá nhân, sang phòng bên đánh thức con cái dậy đi học, thì thấy vợ mình nằm ở đó.

Những ngày sau đó, chuyện tình cảm vợ chồng của Tú không có gì tiến triển tốt đẹp. Duyên không còn là người đàn bà quê mùa năm xưa, cô đi xe máy ra khỏi nhà từ sáng đến chiều tối mới trở về. Chồng hỏi, cô lên giọng dạy đời, khinh khỉnh nói đi làm ăn, không muốn làm việc chân lấm, tay bùn của người nông dân nữa.

Từ ngày Duyên đi Tây về, kinh tế gia đình cô được cải thiện rõ rệt, trong nhà có nhiều đồ đạc đắt tiền, con cái có quần áo đẹp. Sống trong cảnh giàu sang nhưng mặt Tú lúc nào cũng buồn rười rượi vì sự thay đổi của vợ.

Anh đã nghe nhiều lời đồn thổi, nói vợ anh có bồ trên thành phố. Bỏ ngoài tai những lời nói không hay về vợ, Tú vẫn chăm chỉ làm công việc của một anh nông dân chính hiệu. Việc nhà, việc đồng áng làm tối mặt, tối mũi, Tú không còn thời gian để tìm hiểu xem vợ anh đi đâu, làm gì trong ngày?

Cho đến một ngày, anh đứng tim khi vợ đưa tờ đơn ly hôn ra trước mặt bàn, yêu cầu anh ký vào đó để giải thoát cho hai người khỏi cuộc hôn nhân không còn tình yêu.

Nước mắt đàn ông

Mặc dù không muốn ly hôn, nhưng Tú vẫn phải chấp nhận thương đau vì Duyên quyết định đơn phương ly hôn lên TAND huyện H.H. Thẩm phán đã mời hai vợ chồng lên hòa giải 3 lần, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Duyên vẫn cứ khăng khăng đòi ly hôn chồng, trong khi đó Tú ngồi bên cạnh nghe vợ nói mà lòng nặng trĩu, đau đớn như xát muối vào lòng. Anh cố nuốt nước mắt vào trong, kìm nén không để cho giọt lệ ứa ra từ đôi mắt thâm quầng, sâu thẳm vì mất ngủ và suy nhược thần kinh trong một thời gian dài.

Còn Duyên, mặt hoa, da phấn, ăn diện quần áo hàng hiệu, tâm trạng yêu đời trái ngược hẳn với chồng.

Khi thẩm phán hỏi lý do vì sao ly hôn, cô nói không còn yêu chồng nữa, mục đích hôn nhân không đạt được nên muốn ly hôn. Vị thẩm phán truy hỏi tại sao không còn yêu chồng, cô nói giọng ráo hoảnh: “Vì tôi không thể chịu được mùi hôi của anh ấy”. Lời nói của vợ làm Tú uất nghẹn đến tận cổ. Dù là người đàn ông hiền lành như củ khoai cũng không thể cầm lòng hơn được nữa.

Anh không nói điều gì, chỉ lẳng lặng ra ngoài hút điếu thuốc, mắt nhìn xa xăm vào hư vô, gần cuối đời của mình sao trớ trêu lấy phải người vợ ác tâm, khẩu xà như vậy. Điếu thuốc dài nhanh chóng cụt lủn trên môi, Tú quay lại phòng thẩm phán, đầu óc anh trống rỗng, đồng ý ly hôn vợ trong một tâm trạng thảnh thơi như vừa cày xong thửa ruộng.

Phiên tòa ly hôn diễn ra chóng vánh, không ai nói với nhau một lời xúc phạm nhau. Chỉ có ánh mắt thể hiện ai là người được, mất trong phiên tòa đẫm nước mắt này.

Trước công đường, người vợ vẫn khăng khăng đưa ra lý do ly hôn vì không thể chịu được mùi hôi cơ thể của chồng. Vị thẩm phán đặt câu hỏi truy vấn: “Thế trước kia sống với nhau cô chấp nhận được mùi hôi của chồng, sao bây giờ lại bảo không chịu nổi?”. Mặt người đàn bà chợt xuống sắc.

Duyên nói: Trước kia khác, bây giờ khác. Tôi đi Tây, sạch sẽ quen rồi, không thể ở bẩn được”. Dù có giấu giếm một cách tinh vi nhưng lý do chính dẫn đến chuyện Duyên đòi ly hôn với chồng là cô đã có người đàn ông khác (cùng đi xuất khẩu lao động với cô) đã được làm rõ tại Tòa.

Theo nguồn tin của người chồng cung cấp, sau khi sang trời Âu lao động, người đàn bà tuổi gần 30 thiếu thốn tình cảm đã ngả vào lòng một người đàn ông đồng hương. Hai người chung sống với nhau như vợ chồng, thề non hẹn biển, hết hạn hợp đồng trở về Việt Nam sẽ lấy nhau.

Màn kịch đã hạ màn, một bi kịch tình yêu thời kinh tế thị trường. Nếu Duyên nói thẳng với chồng lý do cô muốn ly hôn một cách thành thật, thì không có gì đáng nói. Đằng này, cô lại vô tình, vô nghĩa lấy mùi hôi cơ thể của chồng làm lý do để ly hôn, thì không thể chấp nhận được. Ngẫm câu: “Đàn bà dễ có mấy tay”, mà thấy chạnh lòng.

Theo Đời sống&Pháp luật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.