Khởi nguồn từ những nguyên liệu khô cứng và tạo thành sản phẩm cụ thể ứng dụng vào đời sống nhưng vẫn có thể làm nên một triển lãm sắp đặt vừa nghệ thuật vừa khơi gợi niềm đam mê: Sáng tạo là không chùn bước. Đấy là câu chuyện độc đáo của “Sáng tạo tại Italy - Năng lực cho những điều không thể” được kể tại Bảo tàng Hà Nội đến 18/6.
Thiết kế ấn tượng
“Có những lúc, việc thuyết trình một dự án của chúng tôi được chào đón với câu trả lời: “Nó không thể thực hiện được”. Trong trường hợp này chúng tôi hy vọng sẽ đi đúng hướng để làm một cái gì đó nguyên bản bởi vì chúng tôi đã học được rằng, bình luận này thường có nghĩa là: “Chúng tôi chưa bao giờ làm cái đó” - Lời chia sẻ không chùn bước trong sáng tạo từ ông Carlo Urbinati, Giám đốc điều hành Foscarini (Venice) tại phần thông tin triển lãm.
Nằm trên tầng 3, ở vị trí có phần khuất và chỉ “chiếm” không gian khá nhỏ nhưng triển lãm “Sáng tạo tại Italy” vẫn là điểm được du khách quan tâm tìm kiếm và dừng chân. Những ngày qua, ngoài khách vãng lai còn có nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm như: Học viện Tư pháp, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia...
Sự thu hút này không nằm ở màu sắc bắt mắt hay sự đồ sộ, cồng kềnh vì tông chính được triển lãm sử dụng là trắng - đen, khoảng tối - sáng tạo tạo ra cảm giác khá trầm lặng.
Thế nhưng, không gian ấy lại đủ sức mời gọi bởi được thiết kế thông minh, chuyên nghiệp mà đầy tính nghệ thuật của Studio Mario Trimarchi. Khi đó, mỗi hiện vật xuất hiện đều có lý do của mình và thường được bắt đầu từ những hình dạng nguyên liệu ban đầu đến thành phẩm. Chúng được sắp đặt mang đầy tính ngẫu hứng có khi đến giản đơn mà vẫn quyến rũ.
Chẳng hạn, dù là chiếc loa Anakonda nhưng người xem lại có thể mường tượng trước mắt về một con rắn đang cuộn tròn thân hình và ngẩng cao đầu. Trong khi, bên thiết bị khử ô nhiễm nước lại là tạo hình giống như chú trăn lớn đang chờ đợi được thi hành nhiệm vụ ở biển khơi.
Hay khi ngó vào tấm lưới mắt cáo sẽ bắt gặp đủ loại lưỡi hái đơn to nhỏ sắc lẹm treo lủng lẳng. Thú vị là mỗi chiếc đều mang một cái tên gợi nhắc đến thế giới thần thoại, cổ tích như: Drago Nero (Rồng đen), “Serpente” (Rắn), “Due Mondi” (Hai thế giới), “Pavone” (Con công - có bộ râu dễ dàng hạ thấp thân cây; “Người mẫu Egitio” (mô hình ai cập); “Spiga di Grano” (Bắp ngô) - là thương hiệu lâu đời nhất đầu tiên được đăng ký, năm 1924)…
Ở hiện vật trang thiết bị lặn đầu tiên, người xem được nhớ đến Pinocchio – cậu bé người gỗ khi chiếc mặt nạ có cùng tên gọi. Còn lúc qua chỗ trưng bày hiện vật về chủ đề “Sự tái tạo của gỗ”, người xem bắt gặp những “dải gỗ” mềm mại buông từ trên cao xuống, trông xa tưởng như dải lụa.
Ngoài ra, những sắp đặt rất tự nhiên như: Ba cây đèn mạt có kích cỡ không đồng đều, xếp hình tam giác; một gói mì Ý được đặt bên cạnh những chiếc khuôn có đủ hình thù; ba tấm vải bóng nhỏ xinh trong đó một tấm kéo chóp tạo hình ngôi nhà trùm xuống; một chiếc ghế cắt đôi… cũng dễ dàng đem đến cảm giác thích thú…
Một vài hiện vật còn có cả video giới thiệu về công nghệ hay ứng dụng cho những sáng tạo mới như Graphene - một thiết bị khử ô nhiễm nước, tạo nên bởi cấu trúc nano ba chiều từ graphene; mẫu vải Coex - bộ đồ an toàn chống cháy nổ của phi công F1 được mặc dưới áo liền quần…
“Tôi đã ngạc nhiên và đứng ngắm khá lâu trước chiếc loa gấp linh hoạt, có thể uốn lượn. Nếu nhìn từ xa thì chỉ có thể nghĩ đó là con rắn…”, anh Minh (Nam Định), sinh viên ngành kỹ thuật bày tỏ cảm xúc lạ lẫm của mình.
'Dải gỗ' mềm mại như dải lụa trưng bày ở triển lãm 'Sáng tạo của Italy'. Ảnh: Bình Thanh. |
Thôi thúc trí tưởng tượng
“Triển lãm “Sáng tạo” là cơ hội đặc biệt cho người yêu thích sáng tạo, nhất là sinh viên ngành kiến trúc, thiết kế, cơ khí chế tạo máy… Ở đây, các hiện vật tượng trưng cho sự sáng tạo, sự không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới trong việc thay thế vật liệu - theo một cách nói khác là tìm cách biến điều không thể thành có thể” - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro.
Khi khai mạc triển lãm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro đã không quá vì tự tin cho rằng, “Sáng tạo tại Italy” sẽ thu hút sự tò mò của công chúng Việt Nam.
Bởi, 31 nhóm hiện vật do Giulio Iacchetti và Francesca Picchi, những nhà thiết kế đoạt giải Compasso d' Oro Odo Fioravanti, giám tuyển thể hiện sự sáng tạo và đổi mới; sự không ngừng tìm kiếm những giải pháp mới trong việc thay thế vật liệu ở các ngành công nghiệp của Ý.
Từ đó, ngài Đại sứ đặc biệt “khuyến cáo”, cùng với việc thưởng lãm các hiện vật như những tác phẩm nghệ thuật thì cần phải hiểu chúng bằng việc dành thời gian đọc thông tin được ban tổ chức chia sẻ rất cụ thể, chi tiết.
Lời “khuyến cáo” ấy cũng là cách tạo sự tò mò, “bán tín bán nghi” cho công chúng để người chuyên tâm “thử xem”… Ban đầu có thể còn hơi khó chịu vì bảng chú thích khá dày chữ nhỏ, đọc lâu và cách diễn đạt khi chuyển ngữ sang tiếng Việt không phải đoạn nào cũng thuận nghĩa. Nhưng, cái kết sau cùng được nhận dư vị khoan khoái cũng đáng.
Khi đó dừng chân ngắm kỹ, đọc kỹ về mỗi nhóm hiện vật, trí tưởng tượng của mỗi người được thôi thúc cùng hòa vào không gian sáng tạo do những chủ nhân không hẳn cứ phải là nhà khoa học hay nghệ sĩ mà có thể là thợ thủ công, người thích câu cá, vận động viên leo núi… sở hữu.
Và bài học bổ ích được đưa ra: Có thể, xuất phát điểm hay nghề nghiệp khác nhau nhưng họ đều có chung một yếu tố quyết định cho việc không ngừng sáng kiến, sáng tạo là đam mê tìm tòi, khám phá.
Điển hình như câu chuyện của anh em nhà Cressi, Egidio và Nanni, ban đầu chỉ là những người đam mê câu cá và biển để rồi sau đó trở thành chủ nhân của bộ trang thiết bị lặn đầu tiên dưới nước.
Từ việc thiết kế sản phẩm lặn thủ công đầu tiên (trước thế chiến thứ 2) họ đã phát minh ra mặt nạ sản xuất nạ thấu kính đơn có tên là Sirena và mặt nạ Pinocchio Cressi Sub từ năm 1953 đến giờ. Với mong muốn khám phá biển, anh em nhà Cressi đã sáng tạo tài tình như thế.
Còn với gia đình Nonino ở Friuli lại là câu chuyện về tinh thần thủ công gắn với việc phát huy thế mạnh bản địa để chưng cất nên loại rượu Grapa từ năm 1897. Vì thế, nó là sản phẩm tượng trưng cho tinh thần nông dân và cư dân miền núi phía Bắc Ý.
Trong quá trình sản xuất, cải tiến, gia đình Nonino luôn trực tiếp thỏa thuận về việc mua nguyên liệu thô (bã đậu có nguồn gốc từ cây nho Friuli lâu đời). Việc thu hồi và tái chế này đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc bảo tồn các giống bản địa.
Đến Nonino di Precoto, Grapa trở thành một loại rượu điển hình của Italy trong nhiều thập kỷ và đã được trao giải thưởng thế giới 2019, giải thưởng nhà máy chưng cất tốt nhất Wine Enthusiast_Wine Star Awards tại San Francisco.
Nổi tiếng lâu đời trong thế giới xây dựng công trình với Crea nhưng mới đây gia đình Piccinelli lại bước vào thế giới của thiết kế công nghiệp. Khi đó, Crea xây dựng các sản phẩm hoàn toàn từ xi măng bằng tay…
Trong 3 hiện vật được giới thiệu tại triển lãm thì có 2 hiện vật đáng chú ý: “Thần đèn Aplomb” thiết kế Lucidi & Pevere do Crea thực hiện cho Foscarini, 2010 và “La trama e I’ordito” (Sợi ngang và sợi dọc) thiết kế LPWK-Desall-Luca Galbusera được thực hiện bởi Crea cho Alessi, 2014.
Trong đó, “La trama e I’ordito” có kết cấu lặp lại kiểu tết và quy trình dệt, đạt giải thưởng quốc tế Concrete in Design còn “Thần đèn Aplomb” tại Compass d’Oro nhận giải đề cử đặc biệt.
Bên cạnh đó còn có những cá nhân đam mê sáng tạo từ chính thực tế trải nghiệm của bản thân, thậm chí do bị tai nạn mà “xắn tay”. Chẳng hạn, nhà leo núi Vitale Bramante được biết đến với việc phát minh ra đế giày Carrarmato (xe tăng) đảm bảo độ kép giãn hiệu quả. Phát minh này được bắt đầu sau một tai nạn leo núi của chính Bramante…
Với nhà thiết kế Ettore Sottsass, trong khi mải thách thức các quy ước duy lý với những đồ vật có màu sắc rực rỡ thì việc hợp tác với Alpi đã thu hút ông quan tâm đến hoa văn của những thớ gỗ. Từ đó, ông bắt đầu phát minh lại và làm nổi bật đặc điểm của chúng để tạo thành sản phẩm mới Alpi Sottsass Red, ALPkord - được sử dụng lần đầu tiên trong bộ sưu tập Memphis giới thiệu năm 1980.
Lệch pha chăng?
Chìa khóa mở thế giới là hình ảnh, từ nhóm hiện vật 'Làm trường học'. Ảnh: Bình Thanh. |
Thế nhưng, có cảm giác, nhóm hiện vật “Làm trường học” khoác trên mình màu sắc xanh, đỏ rực rỡ, lệch pha và không ăn nhập với tông trầm của triển lãm “Sáng tạo tại Italy”. Đã thế, chúng còn được đặt ở trung tâm, chiếm khoảng không gian khá rộng và có cả những tấm màu đỏ để ai cũng có thể thảnh thơi ngồi ngắm nhìn.
Thực ra, sự lệch pha đó là dụng ý của người sắp đặt khi muốn tạo điểm nhấn về thị giác để sau những khoảng chăm chú khám phá các nhóm hiện vật trước cần nhiều sự tĩnh lặng, chú tâm thì có thể bước vào không gian tươi tắn, ồn ào hơn.
Ở góc nhìn của người làm chuyên môn, đó có thể là những gợi ý cho việc xây dựng các bài học sinh động, gắn liền việc kích thích sáng tạo của học sinh với môn Toán (qua tháp hồng, cầu thang nâu), Địa lý (bản đồ câu đố) và cả việc phát triển ngôn ngữ từ giấy nhám chữ với quan điểm phóng khoáng: Viết chữ trên giấy nhám sẽ hướng dẫn trẻ lần theo nét chữ, hình dạng mang phong cách và hướng của các em.
Còn với góc nhìn của người yêu nghệ thuật thì đó là những phút giây được ngồi xuống và trở về với ngôi trường tuổi thơ một thuở lấp lánh sắc màu. Đó là cột tháp màu hồng xếp bằng 10 khối gỗ nhỏ dần phải chăng là 10 điều ước mơ mộng của cô bé, cậu bé neo vào nơi đó.
Một tấm bản đồ đủ sắc màu đánh dấu những vùng đất ai đó từng muốn đến thăm… Và cả những khối hình gợi nhớ bao ngày đánh vật với môn Toán không dễ thương chút nào…
Đấy là với người tham quan còn với người sáng tạo như Maria Montessori – tác giả của các hiện vật này thì bà đang hiện thực hóa quan điểm: Chìa khóa mở thế giới là hình ảnh. Với sự cộng tác của người bạn Maria Maraini Guerrieri Gonzaga, Maria Montessori đã thiết kế và thực hiện nó với ý tưởng thu hút sự chú ý của trẻ và hỗ trợ theo cách trí óc của các em hoạt động bằng cách kết hợp sự khéo léo thủ công với quá trình nhận thức.
Từ việc coi môi trường xung quanh trẻ như nơi để tự học, bà đã thúc đẩy cuộc cách mạng sư phạm phi thường trong đó công nhận việc giúp trẻ tự làm và từ đó thực hiện con đường tự học. Và những tài liệu giáo dục đầu tiên bằng hình ảnh đã được Maria Montessori sản xuất cách đây hơn một thế kỷ, từ những năm 1990.