Những dị tật trên đều có thể hạn chế hoặc phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp nếu như người mẹ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình trước, trong thời gian mang thai cũng như thực hiện việc sàng lọc trước sinh tại cơ sở y tế.
Những đứa trẻ kém may
Những ngày qua, thông tin về hai bé sơ sinh dính liền nhau người Hà Giang thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Hai bé sinh ngày 13/7 tại Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên bằng phương pháp mổ do thai đôi, ngôi đầu, ối vỡ sớm và có dấu hiệu suy thai. Trong khi mổ các bác sĩ phát hiện 2 bé dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, 2 thai có trọng lượng 4.900gr.
Qua thăm khám sơ bộ, các bộ phận tim phổi thận của hai cháu vẫn tách rời. Để đánh giá kỹ tình trạng sức khỏe, 2 bé được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên các bác sĩ Bệnh viện Vị Xuyên phải quyên góp và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để gia đình có kinh phí chuyển viện. Hiện các bác sĩ vẫn tiếp tục chiến dịch ủng hộ để 2 bé có cơ hội được tách rời khi sức khỏe cho phép.
Trước đó, tại Gia Lai, một sản phụ cũng bất ngờ khi bác sĩ thông báo con mình sinh ra bị đa dị tật do chứng bệnh hiếm gặp Treacher chollins. Điều đáng nói ở chỗ, trước đó mẹ bé có đi siêu âm 2 lần và cả hai lần bác sĩ đều không phát hiện bất thường về hình thể. Liên quan đến phòng khám trên, lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai đã có văn bản kết luận phòng khám Thảo Nguyên (phường Tây Sơn, TP Pleiku) nơi siêu âm cho sản phụ có thai nhi mắc đa dị tật chưa đảm bảo chuyên môn về siêu âm, chẩn đoán hình thái học thai nhi, siêu âm sàng lọc các dị tật cho thai nhi. Thanh tra Sở Y tế tỉnh này đang tổ chức kiểm tra, xem xét về chuyên môn, năng lực của phòng khám Thảo Nguyên để đề xuất hướng xử lý.
Thực hiện các đợt kiểm tra cần thiết
Hiểu biết về các loại dị tật bẩm sinh sẽ giúp mẹ bầu chủ động trong việc phòng ngừa dị tật cho bé, đồng thời cũng an tâm và bình tĩnh hơn khi đối diện với những nguy cơ cảnh báo dị tật được phát hiện trong những lần thăm khám tiền sản suốt thai kỳ và cả sau khi sinh bé. Năm 2015, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Từ Dũ (TPHCM) đã tiến hành phẫu thuật tim cho em bé vừa chào đời. Trước đó, ở tuần thứ 25, bé được phát hiện bị tim bẩm sinh, nếu không phẫu thuật sẽ khó qua khỏi. Vì vậy, ngay khi ra khỏi bụng mẹ ở tuần 37, các bác sĩ tiến hành hồi sức, phẫu thuật, đặt máy tạo nhịp để nâng nhịp tim từ 38 lên 136 lần/phút. Bé đã được cứu sống ngoạn mục.
Tương tự, một ca mổ đặc biệt tại Bệnh viện E (Hà Nội) để đón em bé chào đời và phẫu thuật tim khi em được 10 giờ tuổi. Qua khám sàng lọc, bé được phát hiện mắc bệnh tim ở tuần thứ 28.
Theo GS. TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, em bé bị teo van động mạch phổi vách liên thất nguyên vẹn. Đây là một bệnh tim bẩm sinh vô cùng nặng, đòi hỏi cần phải can thiệp ngay sau khi sinh bằng thuốc, hoặc bằng can thiệp tim mạch, hoặc phẫu thuật tim, nếu không bé có thể tử vong trong vài giờ đầu hoặc vài ngày đầu sau sinh; đặc biệt là tử vong hết sức đột ngột.
GS Thành cho biết: Dị tật tim bẩm sinh trong bào thai gần như không có biểu hiện, thai vẫn phát triển bình thường, trừ trường hợp suy tim nặng gây phù thai nên phần lớn mọi người và cả bác sĩ siêu âm thường chủ quan. Bởi vậy, một lưu ý với chị em là cần chú ý đến các lần khám thai, siêu âm cũng như xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra bất thường của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ; nhằm có hướng điều trị kịp thời nếu chẳng may phát hiện sự phát triển bất thường của thai nhi.