Sáng kiến ấn tượng của những nhà giáo tâm huyết

GD&TĐ - Nhiều thầy cô đã để lại ấn tượng mạnh đối với hội đồng chuyên môn cũng như các nhà giáo cùng tham gia giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm học 2017 - 2018, trong đó nổi bật là sáng kiến của 6 thầy cô tiêu biểu.

Sáng kiến ấn tượng của những nhà giáo tâm huyết

Sáng kiến ấn tượng của những nhà giáo tâm huyết ảnh 1

"Ngày hội trứng" cho học sinh mầm non

Với sáng kiến “ngày hội trứng”, cô Trần Thị Thanh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cát Linh đã gây ấn tượng mạnh đối với Hội đồng chuyên môn tại ngày xét giải thưởng nhà giáo tâm huyết dành cho khối Mầm non.

Từ nguyên liệu đơn giản, gần gũi hàng ngày, cô Tú cùng đồng nghiệp đã mạnh dạn tổ chức “Ngày hội trứng” thu hút gần 500 học sinh và phụ huynh Mầm non Cát Linh tham gia.

Trong ngày hội, các bé từ 24 tháng đến 5 tuổi được trải nghiệm các công việc với quả trứng theo một quy trình liên hoàn.

Các bé 24-36 tháng tuổi sẽ tham gia hoạt động bóc trứng. Trứng sau khi được bóc sẽ được các bé tự vận chuyển lên khối lớp 3-5 tuổi.

Các bé khối lớp 3-5 tuổi sẽ thực hiện làm món ăn và trang trí món ăn từ trứng; thí nghiệm (trứng hoa văn, trứng cao su...) và tạo hình với trứng (trứng lăn nhũ, vẽ lên vỏ trứng, khảm trứng...).

Tất cả các hoạt động này sẽ giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng thực hành trong cuộc sống, tham gia hoạt động tập thể một cách có trách nhiệm và gắn kết giữa các thành viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai - người truyền đam mê Vật lý cho nhiều em học sinh.

Thổi sức sống cho các ý tưởng đồ dùng tự chế

Để lại ấn tượng đặc biệt cho Hội đồng chuyên môn trong ngày xét giải Nhà giáo Hà Nội tâm huyết dành cho khối THCS, cô Nguyễn Thị Mai - giáo viên trường THCS Cầu Giấy và thầy Đàm Bạch Long - giáo viên trường THCS Thụy Phương được đánh giá cao bởi những đồ dùng tự chế dành cho HS.

Mong muốn học sinh sẽ có những trải nghiệm thú vị đối với môn Vật lý, cô Mai và thầy Long đã bỏ công sức nghiên cứu và thiết kế hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản, bộ thí nghiệm nghiên cứu lực điện từ, bộ thí nghiệm chưng cất nước... để phục vụ các bài học cụ thể.

Nguyên liệu sản xuất đều được tận dụng từ những đồ dùng cũ, đồ phế liệu và có sẵn trong gia đình.

Bên cạnh đó, thông qua các phương pháp dạy học mới, cô cũng tạo cơ hội cho học sinh tự chế tạo ra các sản phẩm để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các em.

Một loạt sản phẩm như: Kính tiềm vọng, ròng rọc vận chuyển nước từ tầng 2 lên tầng 3 của trường; nhạc cụ cùng các buổi biểu diễn âm nhạc; các sản phẩm trong dự án tác dụng của dòng điện... của học sinh đã cho thấy sự thành công của cô trong hành trình truyền lửa đam mê cho các em.

Chương trình "Văn vui vẻ" của cô giáo trường Chu Văn An

Thực trạng học sinh không hứng thú, không thích học môn Văn ngày càng nhiều, đặt ra thách thức, trăn trở cho những giáo viên dạy Văn.

Mang theo trăn trở ấy, cô Phạm Thị Thu Hà, giáo viên trường THCS Chu Văn An (Quận Tây Hồ) đã "lôi kéo" học sinh dừng quay lưng lại với môn Văn bằng việc xây dựng chương trình "Văn vui vẻ" theo format chương trình cùng tên của kênh VTV7 Đài truyền hình Việt Nam phù hợp với điều kiện và mặt bằng học sinh tại đơn vị công tác.

Đồng thời, cô cũng là người khuyến khích và tập huấn cho học sinh tham gia chương trình này. Trái ngọt nhận được là học sinh của cô đã cởi mở hơn khi học Văn.

"Học sinh cởi mở và thấy môn Văn đáng yêu hơn - với tôi, đó là hạnh phúc. Tôi không dám nhận mình là người có công khiến học trò của tôi trở nên yêu thích môn Văn. Tôi chỉ là người kích hoạt niềm đam mê của các em đối với môn Văn, từ đó, các em có nền tảng, tâm thế thoải mái nhất để tiếp nhận kiến thức của môn học này", cô Hà bộc bạch.

/Uploaded/cuong/2018-10-27/17072721400317881990crop1400318171890p_ZWWD.jpg

Nỗ lực không mệt mỏi với "Văn hóa đọc"

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú cũng thuyết phục Hội đồng chuyên môn bởi sáng kiến "văn hoá đọc".

"Tôi mong các em yêu Văn bằng một tình cảm tự nhiên, chân thành nhất, yêu bởi vì yêu. Với tôi, cái đích cuối cùng của việc dạy Văn - đó là dạy làm người", cô Kim Anh chia sẻ.

Với suy nghĩ ấy, cô Kim Anh đã thành lập nhóm "Văn hóa đọc" và thường xuyên tổ chức cho học sinh cùng phụ huynh tham gia các chuyến hành trình dài về nguồn khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Thông qua các chuyến hành trình, học sinh được hòa mình vào thực tế để cảm nhận, thấu hiểu và tự nghiệm ra nhiều điều. Những bài thơ, bài văn cảm động do chính học sinh của cô sáng tác sau mỗi chuyến hành trình là một thành quả cho hành trình nỗ lực không biết mệt mỏi của cô.

Thầy dạy Toán kiêm "chuyên gia tâm lý"

Gây ấn tượng bất ngờ đối với Hội đồng chuyên môn trong ngày xét giải dành cho khối THPT, thầy Phạm Thế Mạnh - giáo viên trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy được đánh giá cao bởi ý tưởng và mô hình lớp học Toán khơi gợi cảm xúc tích cực.

Là giáo viên dạy Toán nhưng thầy Mạnh lại cho thấy cả vai trò “chuyên gia tâm lý” của các em học sinh.

Thầy Mạnh chia sẻ: Một khi đã lên lớp, giáo viên cần bỏ lại chuyện cá nhân cũng như những cảm xúc riêng tư sang một bên và chỉ chú tâm vào lớp học.

Khởi đầu lớp học, giáo viên cần quan sát, lắng nghe để xét đoán cảm xúc của các học trò, qua đó mới đưa ra cách thức giảng dạy phù hợp trong tiết học ngày hôm đó.

Nếu học sinh đang ủ rũ, giáo viên nên có những hoạt động khởi đầu tiết học sôi nổi để kích thích những cảm xúc tích cực từ HS và từ đó thu nhận kiến thức dễ dàng hơn.

Những dự án khoa học sáng tạo của cô giáo Sinh học

Là tác giả của nhiều dự án, cô Dương Thu Hà - giáo viên dạy Sinh học trường THPT Lê Lợi và cũng là giáo viên online tại hocmai.vn, đã thực sự thuyết phục Hội đồng chuyên môn bởi tính giáo dục, tính nhân văn trong các dự án.

Năm học 2017 - 2018, cô Hà xây dựng thí điểm mô hình lớp học trải nghiệm thực tế với các chuyến đi học tập thực tế theo mô-đun học tích hợp kiến thức với trải nghiệm thực tế.

Trong đó có chuyên đề dạy học qua trải nghiệm "Học sinh Thủ đô trồng hoa Tulip gắn với hoạt động từ thiện". Số tiền lãi thu được 4,75 triệu đồng một lớp trong một tháng đã được học sinh của cô trực tiếp đi từ thiện tại Thanh Sơn (Phú Thọ).

Bên cạnh đó, cô Hà và nhóm học sinh còn phối hợp với các thầy cô giáo làng trẻ Hòa Bình tiến hành dự án cộng đồng: "Thiết kế thiết bị PSE giúp trẻ mắc Hội chứng Down học đọc thông qua các chủ đề kỹ năng sống thiết yếu".

Cô Hà chia sẻ, bản thân cô muốn hướng các em hiểu được giá trị của sự chia sẻ, đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bởi vậy, thay vì để các em xin tiền bố mẹ, cô Hà đã tổ chức dự án trồng hoa tulip để làm từ thiện.

Các em được trực tiếp đưa tới mô hình vườn trồng hoa Tulip, nhận 1-2 cây hoa và tự tay trồng, chăm sóc cho tới khi có thành phẩm. Các em sẽ là người có trách nhiệm bán các thành phẩm này để tạo quỹ từ thiện.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Qua mỗi đợt bình xét Giải thưởng, Ban tổ chức mong muốn tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy sự sáng tạo, đam mê, trách nhiệm trong của các nhà giáo; từ đó góp phần vào thành công chung của ngành giáo dục Thủ đô.

Năm nay, cơ cấu giải thưởng cũng tăng hơn so với năm đầu tổ chức. Chúng tôi hy vọng sẽ góp thêm động lực để các nhà giáo cố gắng, nỗ lực hơn nữa cho sự nghiệp trồng người. Dự kiến, năm nay sẽ có 40 giải giành được 10 triệu cùng cúp và giấy chứng nhận; 40 giải giành được 5 triệu, cúp và giấy chứng nhận và 47 giải cùng cúp và giấy chứng nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ