(GD&TĐ) - Khoảng chục năm trở lại đây, cùng với đà đô thị hóa đã, đang diễn ra mạnh mẽ ở các huyện ngoại thành Hà Nội, thì trào lưu bỏ ruộng hoang hóa cũng đang là thực trạng buồn...
Bỏ ruộng làm kinh doanh
Nhiều hộ nông dân chuyển qua xây nhà trọ cho thuê, kinh doanh buôn bán và kiếm được đồng tiền có vẻ nhàn hạ hơn, nhiều hơn và vì thế, họ không còn mặn mà với công việc đồng áng nên số diện tích đất ruộng bị bỏ hoang ngày càng có dấu hiệu gia tăng ở hầu hết các huyện...
Thật phí phạm khi nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang như thế này |
Vụ đông xuân năm nay, khi đi ra ngoại thành, đáng lẽ vào thời điểm này, lúa đã lên xanh, nhưng qua quan sát xen lẫn với những ruộng đất được canh tác là không ít các khoảng đất màu mỡ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Trước đây, công việc đồng áng được người dân coi trọng, còn bây giờ họ cho rằng “tiền giống, tiền công, tiền thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... tăng cao; thời tiết lại thay đổi thất thường; chuột và sâu bọ phá hại gần như mất trắng nên thà bỏ hoang còn hơn là vất vả gieo trồng để cuối cùng cũng không thu được gì”. Mặt khác, ngày công lao động đi buôn bán, đi làm thuê làm mướn… cũng cao hơn làm ruộng, lại nhận “tiền tươi” nên sau khi “hạch toán kinh tế” nhiều người đã bỏ ruộng hoang.
Ở các huyện ven đô như Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì…, nơi có dịch vụ cho thuê nhà trọ phát triển mạnh mẽ thì số người dân “chán” ruộng ngày một nhiều là điều hiển nhiên. Nhiều hộ chỉ với chục phòng trọ, mỗi tháng cũng có thu nhập lên tới cả 5-7 triệu đồng, trong khi làm nửa mẫu ruộng, vất vả cả năm cũng chẳng được ngần ấy… Tuy chưa có một con số thống kê nhưng mấy năm trở lại đây, diện tích đất hoang hóa ở ngoại thành cứ tăng dần theo từng năm. Một trưởng thôn ở huyện Đông Anh cho biết, bây giờ người dân ở làng quê của ông không còn ai mặn mà đến việc làm ruộng nữa.
Họ xây nhà cho thuê, đi buôn bán, đi làm thuê... kiếm tiền dễ và nhiều hơn. Phó chủ tịch UBND của một xã ở Gia Lâm cho biết: “Thấy ruộng đồng bỏ hoang, tôi và nhiều bà con cũng xót, tiếc lắm. Nhưng với tình hình giá cả thị trường như hiện nay, cho dù phải bỏ công sức, tiền của vào mà không đem lại kết quả gì thì chính quyền địa phương vận động bao nhiêu cũng vô ích. Ruộng đất bỏ hoang, chuột bọ ngày càng nhiều. Nếu những năm tới, giá lúa vẫn thấp, sản xuất hoa màu thu không đủ bù chi, thì tình trạng ruộng bị bỏ hoang vẫn sẽ tiếp diễn”.
Làm gì để nông dân không “ly nông”?
Trước đây, mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) được các gia đình ở nông thôn tự động nhân rộng ra đại trà và qua đó đảm bảo được nguồn thu nhập cũng như sự ổn định của đời sống kinh tế cho gia đình. Thế nhưng, giờ đây mô hình này không còn được nhiều hộ dân “mặn mà”. Mô hình kinh tế VAC rất quan trọng đối với người nông dân, bởi từ cây lúa và hoa màu, người ta lấy rơm rạ nuôi trâu bò lấy phân bón ruộng, làm ra hạt thóc, củ khoai... Nhưng khi để ruộng đồng hoang hóa thì vòng “tuần hoàn” ấy bị ngưng trệ và cuộc sống của người nông dân dù kiếm được tiền thì vẫn luôn bấp bênh, không ổn định.
Chia sẻ với những khó khăn với người nông dân để ổn định sản xuất, hàng năm ngành nông nghiệp thành phố đã hỗ trợ các loại cây giống, con vật nuôi, phân bón và hạt giống cho bà con nông dân. Nhưng diện tích đất bỏ hoang ngày càng nhiều là thực trạng rất đáng báo động, vì nó không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng tới an toàn lương thực của cộng đồng dân cư ở từng khu vực, địa phương.
Chính vì vậy, các cấp các ngành cần có những chính sách thiết thực để vận động người nông dân gắn bó với ruộng đồng, với “tấc đất, tấc vàng” để có một cuộc sống ấm no bền vững từ sản xuất nông nghiệp.
Việt Cường