Rừng Hoài Ân bị bức tử

Rừng Hoài Ân bị bức tử

(GD&TĐ) - Giá sắn (mì), keo lai liên tục tăng cao thế nên, từ sau tết Nguyên đán Tân Mão 2011 đến nay, hàng trăm hộ dân sinh sống ven các cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn trên địa bàn huyện Hoài Ân (Bình Định) đã ồ ạt, đổ xô vào rừng thay nhau triệt hạ, đốt thực bìa trái phép hàng trăm ha rừng để lấy đất trồng sắn, keo lai. Xen lẫn vào đó cảnh tượng lâm tặc đang ngày đêm chặt phá, đốn hạ hàng ngàn mét khối gỗ đưa về xuôi tiêu thụ. Chẳng mấy chốc, hàng trăm ha rừng nơi đây trở nên tan hoang, lụy tàn…Tiếng kêu cứu của những cánh rừng xanh ngày đêm vẫn “gầm rú” vang vọng…

Tan hoang rừng xanh…

Sau gần 2 tiếng cuốc bộ đường rừng. Chiều 18.9, chúng tôi có mặt tại khoảng rừng ở làng T1, vốn là rừng đầu nguồn có tục danh Suối Nước Dừng hay tại tiểu khu 151 rừng đầu nguồn Suối Bà Nú làng 4, xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) một trong những điểm nóng về tình trạng phá rừng trong thời gian gần đây. Qua quan sát, ghi nhận hiện đã có hơn chục ha rừng bị tàn phá trơ trụi, hàng trăm cây gỗ to có đường kính 25-30 cm đã bị người dân chặt phá, đốt cháy nham nhở để lấy đất trồng sắn (mì), keo lai và bị lâm tặc đốn hạ một cách không thương tiếc nằm ngổn ngang giữa trạc rừng chuẩn bị tập kết chuyển về xuôi tiêu thụ.

Một khu rừng ở tiểu khu 151 xã Bok Tới bị tàn phá nghiêm trọng để trồng mì - ảnh: Song Linh
Một khu rừng ở tiểu khu 151 xã Bok Tới bị tàn phá nghiêm trọng để trồng mì - ảnh: Song Linh

Ông Đinh Văn Líp, Phó Chủ tịch UBND xã BoK Tới (huyện Hoài Ân), phân trần: “Toàn xã có khoảng 10.000 ha rừng, trong đó có khoảng 200 ha rừng phòng hộ, chủ yếu phân bổ ở các làng T4, T5, T1, T2…với 378 hộ dân. Tuy nhiên, gần đây tình hình phá rừng tại nhiều tiểu khu rừng xã Bok Tới đang có chiều hướng gia tăng, tái diễn trở lại. Mặc dù, chúng tôi liên tục mở các đợt tuần tra, truy quét gắt gao nhưng vì lực lượng KL mỏng nên giải quyết không xuể. Đáng lo ngại, là hiện nay không chỉ lâm tặc phá rừng mà ngay cả người dân địa phương do hám lợi trước mắt khi thấy giá mì, keo lai tăng mạnh nên cũng ồ ạt vào phá rừng để làm nương rẫy hiện có hơn 100 hộ dân phá rừng với diện tích lên tới hàng chục ha, cá biệt có hộ phá tới 10ha. Bên cạnh đó, tham gia phá rừng còn có cả cán bộ xã, giáo viên địa phương. Qua các đợt kiểm tra, các ngành chức năng đã xác lập 4 bộ hồ sơ phá rừng với diện tích trên 24 ha, đề nghị truy tố hình sự”.

Trong khi đó, tại địa bàn các xã Đăk Man, Ân Mỹ…nạn phá rừng cũng diễn ra tương tự. Nguy hại hơn cả, hiện nay tại nhiều khu rừng theo tiếng gọi tục danh địa phương như Bằng Lớn, Giốc Tre, Nước Lụa thuộc phần rừng đầu nguồn Suối Lâm giáp ranh 2 thôn Tân Thịnh và Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) khoảng trăm ha rừng rậm có loại gỗ lớn, có đường kính 30-35 cm cũng đang bị người dân, lâm tặc đốn hạ một cách hết sức trắng trợn.

Anh Lê Văn Tới, người dân địa phương, bức xúc: “Rừng phòng hộ đầu nguồn Suối Lâm là nơi giữ nước, cung cấp nước sinh hoạt cho gần 3.000 hộ dân, nưới tới cho nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, tình trạng lâm tặc ồ ạt phá rừng đang diễn ra khốc liệt. Nếu tình trạng này không sớm được chấm dứt, e rằng, chẳng bao lâu nữa những cánh rừng xanh nơi đây chỉ sót lại thảm thực vật trơ trụi, đất đá, hầm hố phô trương. Tiếng kêu cứu của những loài động, thực vật quý hiếm sẽ gầm rú, kêu vang mà thôi”.

Kiên quyết ngăn chặn, xử lý.

Trước tình trạng người dân địa phương ồ ạt kéo nhau vào phá rừng để lấy đất trồng rừng kinh tế, canh tác nương rẫy và nạn lâm tặc lén lút cưa hạ trái phép hàng ngàn mét khối gỗ đưa về xuôi tiêu thụ. Để kịp thời ngăn chặn, xử lý, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân đã thường xuyên phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND địa phương ở các xã có điểm nóng về phá rừng liên tiếp mở các đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ trái sang) kiểm tra một vùng rừng bị phá tại xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) - ảnh: Song Linh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ trái sang) kiểm tra một vùng rừng bị phá tại xã Bok Tới (huyện Hoài Ân) - ảnh: Song Linh

Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân (Bình Định), cho biết: “Số vụ phá rừng trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, các tổ công tác huyện đã tiến hành kiểm tra và xác lập 189 hồ sơ, với tổng diện tích 123 hécta rừng bị người dân (chủ yếu là dân địa phương) chặt phá để trồng sắn và keo lai. Trong đó, có 95 hồ sơ với diện tích rừng phòng hộ trạng thái IIA (rừng phòng hộ nghèo kiệt) bị phá gần 100 ha, vượt khung xử lý hành chính, phải chuyển cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, lực lượng KL huyện đã phát hiện, lập biên bản xử lý 68 vụ vi phạm Luật Bảo vệ - phát triển rừng; tạm giữ và xử lý 25,64 m3 gỗ (gồm gỗ xẻ quý hiếm 2,326 m3, gỗ xẻ thông thường 21,667 m3, gỗ tròn 1,647 m3, 310 kg gỗ trắc đen), 150 kg than hầm. Ngành chức năng đã tạm giữ nhiều phương tiện tham gia vận chuyển lâm sản, gồm 52 mô tô, 6 ô tô, 1 máy kéo, 11 máy cưa xăng, 2 cộ cải tiến… Qua xử phạt, Hạt KL huyện đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ trên 365 triệu đồng”.

“Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng KL, chính quyề địa phương cần quyết liệt ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng. Đồng thời, tổ chức các cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của Đảng ủy, UBND các xã có rừng bị phá và các ngành liên quan, yêu cầu các ngành, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này. UBND huyện cũng đã thành lập 2 tổ công tác liên ngành để kiểm tra, ngăn chặn và đo đạc các diện tích rừng bị phá, xác lập hồ sơ các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định. Ngày 15.8.2011, Huyện ủy đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện”, ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết thêm.

Nạn phá rừng đã và đang diễn ra hết sức khốc liệt trên địa bàn huyện. Mới đây, ngày 31.8.2011 bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra công tác quản lý và bảo vệ rừng (QL-BVR) trên địa bàn huyện. Sau khi đi kiểm tra thực tế tại nhiều tiểu khu rừng, nghe báo cáo kết quả về QL-BVR, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện, các ngành chức năng của huyện kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, cán bộ KL phụ trách địa bàn cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bám sát địa bàn, gần gũi với người dân để kịp thời phát hiện và báo cáo ngành chức năng và lãnh đạo xử lý kịp thời. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực vào công tác QL-BVR tại địa phương.

Trước thực trạng, hàng chục ha rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn tại huyện Hoài Ân đang bị tàn phá nặng nề. Thiết nghĩ, đến lúc cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết từ nhiều đơn vị, cơ quan chức năng liên quan để sớm tìm ra các biện pháp hữu hiệu tiến đến giải quyết, chấm dứt hẳn tình trạng “máu rừng” vẫn đang “âm ỉ” chảy và tiếng kêu cứu của hành chục loài động, thực vật quý hiếm nơi đây.

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), cho biết: “Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện có 74.512,60 hécta, trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 55.068,00 ha; đất có rừng là 43.387,8 ha. Diện tích rừng tự nhiên khoảng 28,864,66 ha, rừng trồng chiếm 14.522,82 ha. Độ che phủ rừng trên toàn địa bàn huyện là 55,9%.

Song Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ