Rủi ro mua sắm online

GD&TĐ - Mua sắm trực tuyến (online) đang ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, bởi những tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại thời bùng nổ công nghệ. 

Rủi ro mua sắm online

Tuy nhiên, việc giao dịch online vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và rào cản mà người tiêu dùng gặp phải là rất lớn, đặc biệt là sự tin cậy vào chất lượng hàng hoá, giá cả không minh bạch nên phần thiệt luôn thuộc về phía người tiêu dùng...

Mua hàng theo kiểu hên - xui

Nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng tăng cao đã thúc đẩy kênh kinh doanh hiện đại này phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp sử dụng website như công cụ hỗ trợ hữu ích cho kênh bán hàng truyền thống và đạt được những hiệu quả rất cao.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tình – người quản lý một cửa hàng thời trang trên phố Hàng Đậu (quận Ba Đình) - cho biết, ngoài shop bán hàng này, chị còn có hai website bán hàng qua mạng. Để thu hút khách, cửa hàng có chính sách cho phép khách hàng được quyền thử đồ, đổi trả, vừa ý mới phải thanh toán. Nhờ vậy, doanh số bán hàng online của cửa hàng chiếm tới gần 80% doanh số hàng tháng của cửa hàng.

Tuy nhiên, dù là một kênh kinh doanh rất hiện đại, phổ biến với nhiều tiện ích và giảm được thời gian như chỉ cần bật máy tính, nhấn chuột là hàng được giao tận nơi, nhận hàng mới thanh toán... nhưng việc mua - bán chủ yếu dựa vào niềm tin nên phần lớn người tiêu dùng mua hàng theo kiểu hên - xui.

Chị Nguyễn Thị Lê Na ở Thái Hà (quận Đống Đa) đặt mua một chiếc bàn là được quảng cáo là nhập khẩu từ châu Âu có giá gần 1,6 triệu đồng của cửa hàng chuyên bán “hàng xách tay” trên phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Song, chỉ dùng được vài lần, chiếc bàn là đã bốc ra mùi khen khét và mấy hôm sau đã không còn nóng như trước.

Còn chị Bùi Thu Lan ở Thành Công (quận Ba Đình) ấm ức vì mua chai nước hoa nhãn ngoại trên một trang điện tử nước ngoài, có giá hơn 112 USD (đã giảm giá 30%). Chưa kịp mừng vì sở hữu sản phẩm mong đợi từ lâu, chị Lan bực bội khi chỉ còn một tháng nữa là hết hạn sử dụng. “Tôi chỉ dùng nước hoa khi đi dự tiệc, mà cả tháng mới đi một lần. Với chai 75ml làm sao tôi có thể sử dụng hết trong một tháng” - chị Lan nói. Nếu gửi trả hàng ra nước ngoài sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc nên chị đành cho qua mọi chuyện và coi như “của đi thay người”, đồng thời tăng cường dùng nước hoa mỗi khi bước ra ngoài, chứ không giới hạn trong các bữa tiệc như trước đây.

Xử lý vi phạm còn hạn chế

Nói về những hạn chế trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) – đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ quản lý được hoạt động kinh doanh trực tuyến đối với các website hoạt động dưới dạng TMĐT, trong khi các trang fanpage, Facebook, zalo... được tận dụng để giao dịch mua bán hàng hoá hiện có số lượng rất lớn. Hàng hoá được rao bán qua các kênh này thường không có hoá đơn, phiếu mua hàng, chất lượng sản phẩm không được kiểm chứng, độ rủi ro trong giao dịch trực tuyến cũng theo đó tăng lên.

Mặt khác, các chủ thể hoạt động TMĐT bằng hành vi tương tác, giao dịch điện tử sẽ dễ dàng “xóa dấu vết”, do đó cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm. Các nhà cung cấp dịch vụ như: Gmail, Yahoo, Hotmail... thường là các công ty nước ngoài, không có văn phòng đại diện đặt ở Việt Nam; đối tượng lập nhiều địa chỉ email với các thông tin đăng ký giả mạo, sử dụng email trong thời gian ngắn... khiến việc xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn.

Được biết, trong năm 2016, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố, xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ vi phạm pháp luật TMĐT, số tiền thu nộp ngân sách 509 triệu đồng.

Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; số lượng website TMĐT hoạt động đúng quy định chiếm 20% tổng số đang hoạt động của địa phương; phấn đấu 70% số người sử dụng Internet của Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm trực tuyến có lắp thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán...

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện thành phố có 5.259 website TMĐT được tổ chức, cá nhân thông báo, đăng ký hoạt động, chiếm 5,6% tổng số website đang hoạt động trên địa bàn. Điều đó đồng nghĩa những website TMĐT chưa làm thủ tục thông báo với Bộ Công Thương đều đang vi phạm Điều 27 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT. Hơn nữa, các website vi phạm vẫn hoạt động dưới hình thức TMĐT, nên các giao dịch trực tuyến cũng như hàng hoá được rao bán trên các trang này khó được bảo đảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ