Nhiều rắc rối
Anh N.X.Trung (27 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội), vừa mất chứng minh nhân dân (CMND) và thẻ ngân hàng. Sau khi được cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) thay thế cho CMND, anh Trung đến ngân hàng làm thủ tục xin cấp lại thẻ đã mất.
Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh phải xuất trình được CMND cũ hoặc bản photo mới có thể làm thủ tục. Vì thông tin cá nhân mở tài khoản ngân hàng của anh được đăng ký bằng số CMND trước đây.
Ông B.Đ.Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng gặp phải những rắc rối không mong muốn khi đổi từ CMND sang thẻ căn cước. Ông đã rất khó khăn khi đi rút tiền tiết kiệm. Ngân hàng không cho tất toán vì số CCCD khác với số CMND cũ.
Rắc rối hơn là trường hơp của chị Vũ Thị Hằng từ quê lên mua nhà tại Hà Nội để sinh sống hơn 10 năm nay. Do đã có hộ khẩu mới nên chị làm lại CCCD ở Hà Nội. Đây là lần thứ 3 chị thay đổi giấy tờ tuỳ thân, bên cạnh 2 CMND cũ trước đây.
Gần đây, chị Hằng muốn thế chấp nhà đất cho ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, chị Hằng bị vướng khi ngân hàng đối chiếu giấy tờ kết hôn của chị và chồng lại ghi số CMND đầu tiên.
Ngân hàng không làm thủ tục và yêu cầu chị phải có xác nhận số CMND cũ với thẻ CCCD hiện nay từ cơ quan công an. Khi quay về quê để nhờ cơ quan công an xác nhận CMND cũ, chị Hằng tiếp tục gặp phải rất nhiều khó khăn vì đã qua 2 lần đổi số CMND và chị không còn lưu giữ.
Hướng giải quyết
Thực tế, CCCD đang gây nhiều rắc rối. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã có biện pháp hỗ trợ. Đội Căn cước Công dân (CA TP Hà Nội tại địa chỉ 44 Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa) cho biết, người dân có thể quay lại nơi cấp CCCD để xin văn bản xác nhận số CMND cũ. Nơi nào cấp thì quay lại nơi đó xin xác nhận.
Với những người đổi CCCD trong năm thì có thể lấy giấy xác nhận luôn. Những người đổi từ năm 2018 trở về trước thì phải chờ 7 ngày. Để tránh phải đi lại nhiều lần, người dân nên đi công chứng giấy xác nhận đó làm nhiều bản rồi giữ lại dùng dần.
LS Ngô Thị Hồng Liên - (Liên đoàn LS TP Việt Nam) cho rằng, hiện có nhiều cách để chứng thực các giấy tờ liên quan. Cơ quan quản lý Nhà nước đều lưu giữ thông tin. Nhưng người dân phải có ý thức giữ gìn giấy tờ tuỳ thân.
“Tốt nhất là sau khi nhận CCCD mới nên chủ động đến ngân hàng, bưu điện... làm thủ tục cập nhật thông tin. Sau này có việc gì đỡ mất thời gian đi lại” - LS Liên nói. Theo LS Hồng Liên, ở những nơi cung cấp dịch vụ mà cần có CMND thì đều có bộ phận tiếp nhận khách hàng đến cập nhật, bổ sung thông tin cá nhân nên người dân không nên quá lo lắng.
Thực tế, đối với các thủ tục tài chính, phía ngân hàng cũng đã có phương án hỗ trợ. Bà Hoàng Ánh Tuyết - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, trong trường hợp khách hàng không giữ được bản CMND cũ thì có thể mang thẻ CCCD cùng hộ khẩu, hộ chiếu hay giấy tờ chứng thực 2 số CMND và CCCD là cùng một người thì ngân hàng vẫn tiếp nhận.
“Tuy nhiên, khách hàng nên chủ động ra ngân hàng đăng ký cập nhật thông tin để tránh gặp rắc rối khi giao dịch” - bà Tuyết nói. Theo bà Tuyết, hệ thống của ngân hàng không liên kết với bên công an. Do vậy, chỉ có thể cập nhật thông tin dựa trên sự phối hợp và yêu cầu của khách hàng.
Giữ lại CMND cũ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư số 40/2019 sửa đổi được áp dụng từ ngày 18/11. Thông tư nêu rõ, trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND. Trường hợp công dân mất CMND 9 số khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất.
Mặc dù đã được cấp nhiều giấy tờ chứng thực, nhưng không ít người vẫn tỏ ra bất tiện. Chị Vũ Thanh Thuý (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện đi đâu làm gì cần CMND cũ cũng phải mang theo giấy xác nhận to gần bằng tờ A4 nên rất bất tiện.
“Đành rằng CA đã cấp giấy xác nhận đổi CMND và trả lại CMND cũ cắt góc nhưng sao không in luôn 9 số CMND cũ vào CCCD mới 12 số để tiện lợi cho cả dân, chính quyền lẫn các bên liên quan giao dịch”, chị Thuý nói.
Góp ý để thuận lợi hơn cho người dân, ông Đoàn Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho rằng nên để người dân giữ lại CMND cũ.
Theo ông Sơn, để không xáo trộn trong hoạt động của các ngành, cũng như đảm bảo thuận lợi cho người dân, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ quan công an nên bấm lỗ hay cắt góc CMND cũ và cho người dân giữ lại CMND để họ có cơ sở xác thực mỗi khi giao dịch.