Rắc rối sau phiên tòa xử Lý Nguyễn Chung

Với những lời trình bày tại tòa, nếu không chứng minh được vì sao mình biết, bà Nguyễn Thị Thu Hà có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý

Rắc rối sau phiên tòa xử Lý Nguyễn Chung

Vụ án “Giết người và cướp tài sản” tại thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mà dư luận quan tâm vừa khép lại khi TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Lý Nguyễn Chung 12 năm tù về tội “Giết người”, 2 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, diễn biến tại phiên tòa cho thấy có nhiều điều bất thường.

Hai kịch bản

Bất thường ở chỗ bị cáo, người nhà bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo đều đồng loạt khẳng định bị cáo là thủ phạm giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan; ngược lại, luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung vì hồ sơ có nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết xong. 

Nhưng, có lẽ bất thường nhất là lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Thu Hà, khi nhân chứng này một mực bênh vực Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ, đồng thời tố cáo ông Nguyễn Thanh Chấn (người đã được minh oan) mới là thủ phạm. Với những lời trình bày tại tòa, nếu không chứng minh được vì sao mình biết, bà Hà có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý.

Trước tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG Trước tòa, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Có 2 kịch bản xảy ra: Nếu không chứng minh được tính có căn cứ của lời khai, bà Hà có thể bị ông Chấn và bà Thân Thị Hải (người đã đồng hành với việc đi kêu oan cho ông Chấn) kiện đòi bồi thường thiệt hại do xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 

Nếu các cơ quan chức năng chứng minh lời trình bày của bà Hà là do bịa đặt hoặc bị người khác “giật dây” để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác thì bà Hà có thể sẽ bị xử lý hình sự về hành vi “Vu khống” theo điều 122 Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) hoặc “Khai báo gian dối” theo điều 307 Bộ Luật TTHS.

Đánh giá tính chân thực về lời khai của nhân chứng Hà là công việc của các cơ quan tố tụng. Nhưng, từ lời khai, hay nói đúng hơn là những nội dung bà Hà tố cáo ông Chấn và bà Thân Thị Hải (người đi kêu oan cho ông Chấn) tại tòa, đã phát sinh nhiều vấn đề pháp lý.

Với tư cách là người làm chứng, chắc bà Hà đã được các cơ quan tố tụng giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người làm chứng theo điều 55 Bộ Luật TTHS. Một trong những nghĩa vụ của người làm chứng là phải khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết về vụ án. Theo báo chí, trong phần tuyên án, HĐXX đã bác bỏ toàn bộ lời trình bày của bà Hà tại phiên tòa vì thiếu căn cứ. 

Nhưng đó mới chỉ là ở vế liên quan đến việc chứng minh tội phạm của Lý Nguyễn Chung và ông Nguyễn Thanh Chấn. Nếu câu chuyện dừng lại ở đó thì có thể nói bà Hà đã thực hiện trách nhiệm của một công dân trong việc tố giác tội phạm. 

Bởi lẽ, như bà Hà khai ở tòa, những thông tin bà biết được là nghe người khác nói lại với bà và bà trình bày với tòa về những gì mình nghe, biết về vụ án. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ đối với lời khai của bà Hà thuộc trách nhiệm của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang (điều 66, 67 Bộ Luật TTHS).

Đối diện với những cáo buộc hình sự

Trong lời khai của bà Hà tại phiên tòa, ngoài những vấn đề liên quan đến việc chứng minh tội phạm của Lý Nguyễn Chung và ông Nguyễn Thanh Chấn, còn một mảng chứa nội dung tố giác bà Thân Thị Hải “chạy án” cho ông Chấn. 

Đây là điều mà các cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ sau phiên tòa để công bố công khai cho dư luận biết vì đây là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nếu bỏ ngỏ lời khai của bà Hà tại phiên tòa sẽ có nhiều lời đồn đoán, suy diễn theo kiểu “không có lửa sao có khói”, bất lợi không chỉ cho cá nhân ông Chấn mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bởi lẽ, bà Hà khai rằng chính bà Hải “mách” cho bà biết đã đem 15 triệu đồng đưa cho một thẩm phán để “chạy” án cho ông Chấn và mua chuộc ông Chung đứng ra nhận tội thay để bà Hải được hưởng 30% số tiền ông Chấn được bồi thường oan sai. Đây là lời khai hết sức nghiêm trọng.

Cũng từ lời khai này có thể sẽ là khởi đầu cho những rắc rối pháp lý đối với bà Hà. Bà Hà phải có nghĩa vụ chứng minh những lời bà trình bày là do bà Hải nói với bà và ý thức chủ quan của bà tin lời nói đó là thật. Bà phải cung cấp cho các cơ quan chức năng thời gian, địa điểm, ngữ cảnh của cuộc nói chuyện giữa 2 người. 

Nếu không cung cấp được nhưng bà Hải hoặc cơ quan chức năng chứng minh là thông tin bà Hà khai tại tòa là bịa đặt, không có thật thì việc làm của bà Hà có dấu hiệu của hành vi “Vu khống” và hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự theo điều 122 Bộ Luật TTHS. Trường hợp những lời trình bày của bà trước phiên tòa là do người khác đứng phía sau kích động, mua chuộc thì bà Hà đối diện với việc bị xử lý về hành vi “Khai báo gian dối” theo điều 307 Bộ Luật TTHS.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần làm rõ những bất thường xung quanh việc “xin” làm chứng của bà Hà. Động cơ, mục đích của việc làm chứng này có xuất phát từ trách nhiệm của công dân tố giác tội phạm hay vì tư thù cá nhân cũng cần được làm rõ, công bố công khai để giải tỏa dư luận.

Được pháp luật khuyến khích và bảo vệ

ThS Ngô Thế Tiến, nguyên thẩm phán TAND TP HCM, cho biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo quy định quyền và trách nhiệm của người tố cáo như sau: gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân hay tổ chức vi phạm; yêu cầu giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của mình; yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo... và có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, nội dung tố cáo; nêu rõ tên, địa chỉ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật (vu khống).

Như vậy, việc bà Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị làm rõ việc Lý Nguyễn Chung có phải là hung thủ giết bà Nguyễn Thị Hoan hay không là được pháp luật khuyến khích và có trách nhiệm bảo vệ. Nếu nói đúng và chứng cứ cung cấp cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án... là đúng, là có thật thì việc xem xét và đánh giá chứng cứ do bà Hà cung cấp trong vụ án thuộc các cơ quan tố tụng, cụ thể ở đây là HĐXX sơ thẩm.

Nếu với các điều kiện bà Hà chỉ là hàng xóm, không biết, không thân thích thì chưa đủ căn cứ cho rằng bà vu khống. Nếu các chứng cứ bà gửi tới tòa án là giả, tạo dựng có mục đích vu khống thì bà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo mức độ và tính chất, hậu quả mà pháp luật sẽ xử lý về dân sự, hành chính hay hình sự.

Ông Chấn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền dân sự hoặc hình sự xem xét xử lý hành vi vu khống của bà Hà vì đã xâm phạm tới nhân thân, danh dự, nhân phẩm của mình theo các quy định của pháp luật. Trong trường hợp HĐXX không chấp nhận kiến nghị của bà Hà vì đây là vụ án hình sự, phiên tòa hình sự xét xử hành vi phạm tội của bị cáo Lý Nguyễn Chung thì bà Hà không có quyền khiếu nại theo thủ tục tố tụng hình sự.

Không có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm

Theo luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã gửi kiến nghị cho HĐXX và HĐXX đã hoãn phiên tòa để mời bà với tư cách là người làm chứng. Tại phiên tòa, bà Hà đã được trình bày tất cả những gì bà kiến nghị. 

Tòa án đã giải quyết các yêu cầu của bà bằng một bản án. Bản án có thể trả lời từng yêu cầu của bà hoặc không trả lời gì cả hoặc cho rằng lời khai của bà không được HĐXX chấp nhận. Như vậy, các kiến nghị của bà đã được tòa án trả lời bằng một bản án và ông Nguyễn Thanh Chấn không phạm tội, ông Lý Nguyễn Chung phạm tội.

Việc kiến nghị của bà Hà, nếu được tòa án đồng ý và ngưng việc chi trả bồi thường thì lúc đó ông Chấn có quyền khiếu nại bà Hà, vì kiến nghị của bà Hà gây thiệt hại cho ông. Nếu tòa án không chấp nhận kiến nghị của bà Hà, việc chi tiền bồi thường vẫn diễn ra bình thường thì ông Chấn không thiệt hại nên không phát sinh khiếu nại.

Trường hợp tòa án không chấp nhận kiến nghị của bà Hà thì bà Hà không có quyền khiếu nại, vì bà ra tòa với tư cách là nhân chứng. Nhân chứng không có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Bà Hà có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị bản án nếu cho rằng bản án có sai sót, vụ án không khách quan, thiếu chứng cứ...

Trước thắc mắc về việc ông Chấn có quyền đề nghị bà Hà bồi thường khi bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự, luật sư Cao Thế Luận cho rằng theo quy định của pháp luật, ông Chấn có quyền kiện bà Hà đòi bồi thường nếu có chứng cứ cho rằng hành vi của bà Hà là xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của ông. Hoặc ông Chấn có quyền gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra nếu cho rằng hành vi của bà Hà là hành vi vu khống.

Theo nld

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ