Như vậy có thể hiểu kỳ thi này không còn gánh trên vai nhiệm vụ “2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng mà chỉ để đánh giá năng lực học tập của học sinh phổ thông theo đúng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của kỳ thi. Còn việc tuyển sinh được trả lại cho cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Các trường này có trách nhiệm thực hiện quyền tự chủ theo tinh thần luật định.
Thông tin trên được đưa ra và nhận được phản ứng khác nhau, mừng vui có nhưng lo lắng cũng nhiều. Lo lắng chủ yếu rơi vào trường đại học, cao đẳng do quá phụ thuộc vào Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh cho mình. Số ít thí sinh và phụ huynh cũng lo lắng vì đã quen với Kỳ thi THPT quốc gia mà chưa thấy, hiểu được những bất cập của kỳ thi mang tính giải pháp ngắn này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh và nhà giáo dục đều cho rằng, thay đổi này sớm muộn cũng diễn ra, phải trả Kỳ thi THPT quốc gia về đúng nghĩa của nó. Còn các trường đại học, cao đẳng không thể mãi dựa dẫm vào kỳ thi này mà phải tự tổ chức công việc xét tuyển sinh theo đúng quy định.
Những ngày qua, dịch Covid-19 kéo dài với diễn biến phức tạp, lo lắng về việc không thể tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nên một số trường đưa ra giải pháp tuyển sinh dự phòng. Tuy nhiên, nhìn vào các phương án tuyển sinh vẫn thấy sự trông đợi vào Kỳ thi THPT quốc gia. Việc đưa ra các phương án riêng chỉ là bổ sung với giả định Kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra. Điều này cho thấy ý thức tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh thực sự chưa cao. Trong khi Luật Giáo dục đại học đã trao quyền cho các trường tự chủ tuyển sinh. Việc trao quyền cũng đồng nghĩa với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này của nhà trường.
Giờ đây, Kỳ thi THPT quốc gia không còn ý nghĩa “2 trong 1”, cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học, cao đẳng buộc phải đứng trên đôi chân của mình. Cũng có ý kiến quan ngại về việc xét tuyển sẽ phức tạp, nếu tổ chức thi nảy sinh thêm áp lực xã hội. Lo lắng trên là đúng nhưng cũng đừng quá vì áp lực mà không dám đứng lên, thực hiện quyền lựa chọn thí sinh cho mình cũng như chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đầu ra sinh viên, học viên. Hơn nữa, quyền tự chủ là của các trường, có thể tuyển sinh bằng cách thức cho riêng mình, hoặc vẫn có thể lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh.
Covid-19 xuất hiện cũng như tác động của nó với đời sống xã hội là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, trong rủi có may, Covid-19 được nhiều cơ sở giáo dục coi là “cú hích” thực hiện giấc mơ ấp ủ bấy lâu về chuyển đổi số, thay đổi hình thức học tập. Covid-19 cũng là tấm gương phản chiếu sự thích ứng của đội ngũ giáo viên, giảng viên trong bối cảnh dạy học mới. Ngành GD-ĐT cả nước đã có bước chuyển mình, từ quản lý đến điều chỉnh kế hoạch năm học, tinh giản nội dung chương trình và nay là thay đổi mục tiêu Kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi sẽ bảo đảm nguyên tắc “học gì thi nấy”, thực hiện mục tiêu quan trọng là lấy kết quả làm căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc.
Tất cả đã thay đổi. Trường đại học, cao đẳng không có lý gì để dựa mãi vào một kỳ thi chung. Hy vọng, Covid-19 cũng là tiền đề để các trường tự đứng trên đôi chân của chính mình, bằng việc xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp với năng lực đào tạo và yêu cầu chất lượng. Có thể tổ chức thi tuyển, hoặc sử dụng phương thức xét tuyển, hay kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp và nếu cần thiết vẫn có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT… là điều luật không cấm. Tuy nhiên, làm theo phương thức nào đều cần thể hiện trách nhiệm với người học và xã hội cũng như tạo dựng uy tín, thương hiệu của mình.