Phiên thảo luận Bộ luật dân sự (sửa đổi) ngày 24/10 tại hội trường Quốc hội tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đại biểu xung quanh vấn đề chuyển đổi giới tính.
Tán thành tách riêng vấn đề chuyển đổi giới tính thành một điều trong dự luật (Điều 37), đại biểu Nguyễn Trung Thu cho rằng việc cho phép chuyển đổi giới tính hay cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định… là đảm bảo tính thận trọng, hợp lý. Việc chuyển giới sẽ kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình, các chính sách an sinh xã hội.
Một hoạt động của những người chuyển giới kêu gọi phúc lợi cho họ. Ảnh: Thi Trân. |
Là thành viên tham gia xây dựng dự luật, đại biểu Ngô Văn Minh thông tin, khi ban soạn thảo tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, nhiều trường hợp đã chuyển đổi giới tính và đang có mong muốn được chuyển đổi đến dự. “Các cháu, các em đến và khóc. Đại diện phụ huynh, các tổ ủng hộ chuyển giới cũng tha thiết đề nghị công nhận”, đại biểu Minh nói và đề xuất có thể thí điểm việc chuyển đổi giới tính, nếu làm tốt thì xây dựng thành luật.
Đến từ Hội phụ nữ thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính là quyền con người, quyền công dân. Một người không được sống thực với giới tính của mình có quyền thực hiện quyền chuyển đổi và đây cũng là một thực tế trong xã hội hiện nay không thể bỏ qua. Để tránh lạm dụng, bà Thanh đề nghị cần bổ sung quy định các trường hợp cấm chuyển đổi giới tính.
Dẫn chứng cụ thể 3 nhân vật là ca sĩ, bác sĩ và doanh nhân, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền kể: “Khi gặp tôi, họ hỏi: Anh trông tôi có bình thường không? Tôi bảo rất bình thường”. Theo đại biểu Thuyền, những nhân vật nêu trên đều thành công trong sự nghiệp, được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên họ vẫn gặp phải sự phân biệt khi bày tỏ những khiếm khuyết trong vấn đề giới tính.
Từ dẫn chứng trên, đại biểu Thuyền cho rằng nên công nhận việc chuyển giới. Việc quy định chung chung như trong luật chỉ khuyến khích người có nhu cầu chuyển giới làm chui.
Bà Nguyễn Thúy Anh (Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho hay trên thế giới có khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định quyền chuyển đổi giới tính. Người muốn chuyển giới phải trải qua hơn 30 lần phẫu thuật lớn nhỏ, tiêm hooc môn kích thích tố giới tính. Những tác động y khoa như trên sẽ gây nên nhiều tác dụng phụ, sức khỏe suy giảm, giảm đáng kể tuổi thọ.
Theo dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình tại kỳ họp 10, nội dung quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính được tách thành 2 điều và có sửa đổi bổ sung một số nội dung mới. Cụ thể Quyền xác định lại giới tính (Điều 36) Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tich; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Chuyển đổi giới tính (Điều 37) Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. |