Cần giải trừ ngay vũ khí hạt nhân
Từ ngày 5 đến 6/4, GS. Gareth Evans đã đến Hà Nội để trình bày về kết quả của một báo cáo mới hoàn thành của Uỷ ban có tiêu đề “Chấm dứt những Đe doạ Hạt nhân: Một Chương trình Nghị sự Thiết thực cho những Nhà Hoạch định Chính sách trên Thế giới” trước thời điểm Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao về An ninh Hạt nhân tại Washington từ 12 đến 13 tháng 4 và Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) vào tháng 5/2010.
Là một tổ chức độc lập, việc ra đời và hoạt động của Uỷ ban Quốc tế về Không Phổ biến và Giải trừ Vũ khí Hạt nhân là một đồng sáng kiến của Chính phủ Australia và Chính phủ Nhật Bản. Báo cáo của Uỷ ban nhằm giải quyết một loạt các vấn đề và thách thức liên quan đến không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân và vấn đề hoạch định chính sách trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình.
GS. Gareth Evans: Thế giới thật là may mắn! |
GS. Evans cho biết: “Từ sau Thế chiến II, thế giới không phải chứng kiến một thảm họa hạt nhân nào là một điều may mắn. Hiện nay, chúng ta không thể chấp nhận, không thể tồn tại suy nghĩ các nước có vũ khí hạt nhân có quyền sở hữu, các nước khác thì không. Chúng ta phải giải trừ hoàn toàn loại vũ khí này. Uỷ ban ICNND hy vọng tái dấy lên các tranh luận cấp cao trên diễn đàn quốc tế. Với việc chính quyền mới của Mỹ và Nga đã cam kết nghiêm túc cho hành động giải trừ vũ khí hạt nhân, có một cơ hội cho tất cả các bên trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân và việc sử dụng sai mục đích nguyên liệu hạt nhân. Khi mà các quốc gia như Việt Nam đang phát triển các chương trình năng lượng hạt nhân dân sự, các nỗ lực quốc tế cần phải được tiếp tục với tất cả các bên liên quan để đảm bảo có các quy trình tiên quyết cho việc bảo đảm, an ninh và an toàn để hỗ trợ việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hoà bình”.
Khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao Australia (1988 - 1996), vai trò của GS. Evans được ghi nhận trong việc xây dựng kế hoạch hoà bình của LHQ cho Campuchia, việc hoàn tất Hiệp ước Vũ khí Hoá học và việc đề xuất một kiến trúc kinh tế và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. GS. Evans cho rằng: “Tôi rất vui mừng chứng kiến các thành tựu phát triển của Việt Nam trong những năm qua và sự nổi lên của Việt Nam như là một thành viên chủ chốt trong khu vực sau khi Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ”.
Vũ khí hạt nhân – vũ khí vô nhân đạo
Theo Báo cáo Chấm dứt những đe dọa hạt nhân, vũ khí hạt nhân là loại vũ khí vô nhân đạo nhất từng được biết tới, bởi nó không phân biệt đối tượng tiêu diệt và gây thương tật, đồng thời để lại hậu quả chết người trong hàng thập kỷ. Đó là loại vũ khí duy nhất được phát minh có khả năng tiêu diệt hoàn toàn sự sống trên hành tinh, và các kho vũ khí chúng ta hiện đang nắm giữ hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Vấn đề vũ khí hạt nhân cũng trầm trọng như việc thay đổi khí hậu và thậm chí còn cấp bách hơn nếu xét đến những tác động nó có thể mang lại.
Nếu một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, các quốc gia khác sẽ có mong muốn tương tự. Do đó, khi vũ khí hạt nhân còn tồn tại, một ngày nào đó nó sẽ được sử dụng, có thể do bất cẩn, tính toán sai hay do thiết kế. Và đó thực sự là một thảm họa. Chỉ có may mắn mới cứu được thể giới thoát được thảm họa đó cho đến tận ngày nay. Đây là tình trạng không thể để tiếp diễn. Những mối nguy và rủi ro, bắt nguồn từ thất bại trong việc thuyết phục các quốc gia có vũ khí hạt nhân giả trừ quân bị, dừng việc phát triển vũ khí hạt nhân ở các quốc gia khác, ngăn chặn các phần tử khủng bố có được vũ khí này, và quản lý hiệu quả việc phát triển mạnh mẽ của năng lượng hạt nhân trong lĩnh vực dân sự, là không thể coi thường. Những điều này cần được thực hiện với quyết tâm cao và hiệu quả lớn hơn những điều cộng đồng thế giới từng làm.
Vũ khí hạt nhân - vũ khí vô nhân đạo. |
Đã có nhiều báo cáo từ ủy ban quốc tế, các hội đồng, viện nghiên cứu hay chuyên gia đề cập tới vấn đề này. Vậy những khía cạnh khiến bản báo cáo này khác biệt có lẽ là tính đúng lúc, toàn diện, khả năng tư vấn với phạm vi toàn cầu, quan tâm tới cả thực tế và kết quả lý tưởng; hướng tới cả những nhà hoạch định chính sách không thuộc chuyên ngành; có định hướng hành động mạnh mẽ, phản ánh qua chương trình hành động ngắn - trung và dài hạn đi cùng với các khuyến nghị cụ thể về mặt chính sách.
Với việc Mỹ và Nga đi đầu trong cam kết nghiêm túc giải trừ quân bị, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II và hậu chiến tranh lạnh, một cơ hội mới đang mở ra cho việc chặn đứng và đảo ngược làn sóng vũ khí hạt nhân vĩnh viễn.
23.000 đầu đạn hạt nhân còn tồn tại
20 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, có khoảng 23.000 đầu đạn hạt nhân còn tồn tại với sức công phá tương đương với 150.000 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hiroshima. Mỹ và Nga tổng cộng có hơn 22.000 đầu đạn trong khi 1.000 đầu đạn còn lại sở hữu bởi Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel. Gần một nửa số đầu đạn hiện vẫn đang được triển khai và khoảng 2.000 trong số đó của Mỹ và Nga ở trạng thái báo động cao và sẵn sàng được phóng - trong vòng 4 đến 8 phút sau quyết định của tổng thống - khi nhận thấy khả năng bị tấn công. Các hệ thống điều khiển và chỉ huy của những năm chiến tranh lạnh đã thường xuyên bị đánh thức bởi những sai sót hoặc báo động giả. Với nhiều quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân như hiện nay, và nhiều hệ thống không được bảo vệ đúng mức, việc sử dụng vũ khí hạt nhân rất có thể trở thành hiện thực.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) đã trở nên khá căng thẳng trong vài năm gần đây, với việc Cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) đang đối mặt với những thất bại trong việc xác định, và đốc thúc thực hiện các quy tắc hạt nhân, đặc biệt là tại khu vực bất ổn trên thế giới. Cùng với Israel, Ấn Độ và Pakistan đã trở thành các quốc gia hạt nhân từ năm 1998; CHDCND Triều Tiên dường như đang sở hữu một số vũ khí hạt nhân; Iran có lẽ đã có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, và điều này sẽ dẫn tới khả năng gia tăng phát triển vũ khí hạt nhân trong khu vực.
Các nhóm khủng bố hiện đang có ý định và khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân hủy diệt. Với những công nghệ dễ sử dụng trong lĩnh vực công cộng, cùng với các tài liệu từ thị trường bất hợp pháp, một thiết bị nổ cùng kích cỡ với quả bom được thả xuống Hiroshima có thể được kích nổ từ một xe tải hay một chiếc thuyền nhỏ tại bất cứ một thành phố lớn nào. Một quả “bom bẩn”, kết hợp từ những vật liệu nổ thường thấy với nguyên liệu phóng xạ như các chất đồng vị dùng trong y tế, sẽ là một lựa chọn đơn giản; dù không mang lại những thương vong như bom phân hạch hay bom hydro, chúng cũng gây ra tác động tâm lý tương đương với sự kiện 11 tháng 9.
Năng lượng hạt nhân với mục đích hòa bình
Sự lớn mạnh nhanh chóng của năng lượng hạt nhân trong những thập niên tới, tuy đáp ứng được phần nào những lo ngại về vấn đề thay đổi khí hậu, cũng sẽ mang tới những vấn đề nảy sinh và rủi ro mới trong an ninh. Đặt biệt nếu đi cùng với việc xây dựng những cơ sở cấp quốc gia để làm giàu nguyên liệu hạt nhân trước khi đưa vào việc sản xuất năng lương và tái chế lại ở giai mục cuối, sẽ có rất nhiều nguyên liệu hạt nhân sẵn có cho mục đích hủy diệt.
Một yêu cầu tối quan trọng là thay đổi quan điểm về vai trò chức năng của vũ khí hạt nhân, từ việc chúng đóng vị trí trung tâm trong suy nghĩ chiến lược trở thành yếu tố bên lề và cuối cùng là hoàn toàn không cần thiết. Luôn có giải pháp cho những cản trở và bào chữa cho việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Lý do mà các quốc gia cho rằng vũ khí hạt nhân là thiết yếu, phù hợp với luật pháp và bảo đảm cho an ninh chính họ và các đồng minh trong khi các quốc gia khác không được sở hữu cho mục đích an ninh là không thể chấp nhận được. “Tằng cường phòng thủ” không có nghĩa là phòng thủ bằng hạt nhân.
Tiến tới một thế giới phi hạt nhân sẽ là một quá trình dài, phức tạp và rất khó khăn, do vậy quá trình đó cần được chia thành 2 giai đoạn bao gồm giảm thiểu mục đích trước mắt và giải quyết mục tiêu cuối cùng.
Trần Nhật