"Nghiện" công nghệ - căn bệnh thời đại

"Nghiện" công nghệ - căn bệnh thời đại

(GD&TĐ) - Hãy thử nghĩ, một ngày không có điện, không có tivi, không có điện thoại di động, không yahoo chat, không Facebook, Twitter thì sẽ thế nào? Có một thực tế là một số người quá phụ thuộc vào công nghệ mà không hề hay biết họ đang bị “nghiện công nghệ”.    

Ăn ngủ cùng công nghệ

Chỉ trong vài năm, các thiết bị điện tử bất ngờ tạo nên cuộc cách mạng mới: Điện thoại cố định được thay thế bằng điện thoại di động, tiếp theo là sự ra đời của 3G, người sử dụng có thể lướt net, chat, chia sẻ hình ảnh… ở khắp mọi nơi và bất kỳ lúc nào. Máy tính tìm thấy sức sống mới nhờ Internet... “Sáng mở mắt ra là check mail, đọc báo mạng, tắm rửa, ăn sáng rồi đi làm. Do làm công việc văn phòng nên chủ yếu là ngồi trên máy tính, tranh thủ thời gian nghỉ trưa mình chat, nhắn tin qua điện thoại di động với bạn bè. Tối về xem TV xong, lên mạng lướt web, chat một chút với bạn bè, xem tin tức rồi đi ngủ. Lâu ngày như thế đã trở thành thói quen và ngày nào cũng vậy, hễ không làm những việc đó là cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, tâm trạng bứt rứt”- anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên văn phòng của một công ty Bảo hiểm cho biết.

Lướt net : công việc không thể thiếu trong ngày
Lướt net : công việc không thể thiếu trong ngày

Khi môi trường làm việc và cuộc sống con người kết nối liên tục không ngừng nghỉ 24/7, hãy thử hỏi công nghệ có làm cho chúng ta bị “nghiện”? Nếu như cách đây hơn 10 năm, những người có thể dành thời gian nhàn rỗi để giải trí trên mạng rất ít thì ngày nay chuyện lướt net đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Công nghệ đã đem lại cho con người những tiện ích, nhanh chóng nhất và hiện đại nhất, song bên cạnh đó, nó cũng làm cho con người dần phụ thuộc chặt chẽ vào nó. Mỗi khi cúp điện, mạng Internet có vấn đề, cáp truyền hình bị hỏng, điện thoại di động hết pin,… hầu như ai nấy đều cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Nguyễn Tấn Nhật, SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, cho biết: “Ngày nào từ sáng đến tối mà không ai nhắn tin hay gọi điện thoại cho mình thì cảm thấy lo lo và thấy buồn lắm! Khi đó mình lấy máy điện thoại của bạn, bấm số gọi vào máy điện thoại của mình xem có bị trục trặc gì không?”.

Những tín đồ của công nghệ 

Một cuộc nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Quốc tế về Chương trình Công cộng và Truyền thông (ICMPA) của Trường đại học Maryland và Học viện Salzburg về Truyền thông và Thay đổi toàn cầu, đưa ra kết luận rằng “hầu hết học sinh không thể vượt qua 24 giờ mà không có các phương tiện truyền thông”. Nó cũng cho thấy các sinh viên đã hầu như sử dụng cùng những từ giống nhau để mô tả phản ứng của họ khi thiếu điện thoại, máy tính hay tivi, đó là: bực bội, bối rối, lo lắng, khó chịu, bất an, nóng nảy, bồn chồn, điên dại, nghiện, hoảng sợ, ghen tuông, tức giận, cô đơn, phụ thuộc, trầm cảm, dễ bị kích động và hoang tưởng.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng và các diễn đàn dành cho tuổi teen xuất hiện thứ ngôn ngữ khá kỳ lạ, được gọi là “ngôn ngữ thời @”. Ngôn ngữ @ xuất hiện khi giới trẻ Việt Nam bắt đầu sử dụng từ viết tắt trong chat, thư điện tử hay nhắn tin để giảm ký tự và chèn các biểu tượng cảm xúc. Không bao lâu ngôn ngữ @ phổ biến rộng qua mạng internet. Trước tình hình này, trên mạng đã xuất hiện phần mềm chuyên dịch ngôn ngữ teen ra tiếng Việt có tên là V2V (Việt sang Việt). Nhiều người lo ngại việc sử dụng ngôn ngữ @ ngày trở nên phổ biến sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách trong sáng của thanh thiếu niên.

Theo các công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học và bác sĩ nước ngoài, vì công nghệ mà người ta có thể quên những chức năng cơ bản như ăn, uống, đi vệ sinh và ngủ. Có người tìm mọi cách để mua và sở hữu những phụ kiện, những sản phẩm công nghệ mới cho dù giá cả rất đắt đỏ. Và có không ít người đã bừng tỉnh vào nửa đêm để kiểm tra xem họ có thư mới hay không?

Có người bị cuốn vào các hoạt động trực tuyến, rất ngại giao tiếp trực diện nhưng tán chuyện qua MSN hay Yahoo Messenger thì cực giỏi. Như trường hợp của N. V. T, SV ngành CNTT, mê máy vi tính từ nhỏ, ban đầu được gia đình sắm cho máy tính để bàn, sau có điều kiện T mua ngay laptop. Với cái máu “đam mê công nghệ” nên mỗi khi có laptop mới, cấu hình mới và nhiều ứng dụng ra đời là T mua ngay. Gia đình làm vườn và ruộng chỉ đủ ăn nhưng T tìm mọi cách xin “viện trợ” từ gia đình, một phần mượn từ bạn bè để mua bằng được máy tính xịn.

Điện thoại di động: vật bất ly thân
Điện thoại di động: vật bất ly thân

Liệu công nghệ trở thành “chứng gây nghiện”?

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TP.HCM, người có nhiều công trình nghiên cứu về tình trạng nghiện game online và nghiện internet, có khoảng 10- 15% người chơi game hội đủ các “tiêu chí” nghiện (addiction) theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO). Nghiện game/internet đã thực sự là một dạng rối loạn mới xuất hiện, tuy rằng loại rối loạn này vẫn chưa được chính thức xếp loại trong các hệ thống tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tật của thế giới.

Nghiện game cũng có bản chất tương tự giống như các tình trạng nghiện khác như nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện ma túy, nghiện bài bạc, nghiện tình dục và nghiện... ăn (chứng phàm ăn hoặc háo ăn do căn nguyên tâm lý- bulimia). Chúng có chung một số tính chất đặc trưng về diễn tiến từ chỗ sử dụng, chuyển sang lạm dụng và sau cùng là nghiện; đồng thời tác nhân gây nghiện (ở đây là game/internet) cũng làm cho đương sự có tình trạng ‘‘dung nạp”, ‘‘lệ thuộc” và khi không sử dụng có thể xuất hiện “hội chứng cai”.

Trong khi các chứng nghiện rượu, thuốc lá, ma túy... có tình trạng lệ thuộc các hóa chất có nguồn gốc ngoại sinh (được đưa vào cơ thể từ bên ngoài), thì những tình trạng nghiện bài bạc, tình dục hoặc nghiện game online có thể liên quan đến tác động của các hóa chất có nguồn gốc nội sinh (do cơ thể tự tạo)… các nghiên cứu cho thấy có vai trò của dopamine và các endorphin xuất hiện trong não bộ khi đương sự tiếp xúc với tác nhân và hoàn cảnh gây nghiện.

Còn BS Tâm lý Nguyễn Văn Khuê cho biết đã có một số phát kiến đáng quan tâm về các yếu tố căn nguyên, cùng những cách tiếp cận điều trị tâm lý xã hội mà các chuyên viên sức khỏe tâm thần cần phải hiểu biết căn bản về nghiện internet để họ phát hiện sớm và can thiệp đúng lúc. Theo các nghiên cứu nước ngoài, sử dụng internet đến mức gây nghiện có tác dụng tai hại rộng rãi trên các lĩnh vực đời sống cá nhân. Như mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, quan hệ tâm lý, xã hội, nghề nghiệp và thể chất. Có lẽ tác động tiêu cực lớn nhất là trong đời sống gia đình và xã hội, vì nó dẫn đến sự lơ là đối với gia đình, giảm hoạt động và giảm sự quan tâm đối với xã hội.

Nghiện internet dẫn đến việc học hành sút kém, cũng như khả năng làm việc bị giảm sút. Các hậu quả tâm lý xã hội gồm có: Cô đơn, Ấm ức, Trầm cảm. Một số người nghiện Internet cảm thấy mệt mỏi do thiếu ngủ, đau lưng và hội chứng “đau cánh tay quay và trụ”… Ở góc độ điều trị thì điều quan trọng là ý thức được cách tốt nhất để đánh giá là bệnh nhân nghiện Internet, khi có sự đánh giá tốt sẽ giúp cho nhà lâm sàng thiết kế một kế hoạch điều trị có hiệu quả. 

Cặp vợ chồng Kim Yoo-chul 41 tuổi và Choi Mi-sun 25 tuổi ở Suwon, Seoul (Hàn Quốc) vốn ham mê lướt net và chơi game đến mức “nghiện” nặng. Nhất là sau khi mất việc làm, họ càng tỏ ra chán chường và vùi đầu gần như cả ngày ở quán game, bỏ mặc cô con gái 3 tháng tuổi ở nhà, khoảng 12 giờ mới về cho ăn một lần. Kết quả cháu bé tử vong vì suy dinh dưỡng nặng và mất nước. Được biết, vào thời điểm đó hai vợ chồng này đang chìm đắm vào việc chăm sóc cô con gái ảo Anima trong trò chơi trực tuyến Prius

 Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ