"Ma men" cầm lái: Xử lý hành chính là chưa đủ

"Ma men" cầm lái: Xử lý hành chính là chưa đủ

(GD&TĐ) - Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong năm 2012 Việt Nam tiêu thụ 2,7 tỷ lít bia, 400 triệu lít rượu. Chúng ta đứng thứ 4 trên thế giới về tiêu thụ bia, rượu tính trên đầu người, đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 2 châu Á. Song hành với đó, tỷ lệ các vụ vi phạm ATGT có liên quan đến lạm dụng rượu bia ở nước ta cũng đứng hàng đầu thế giới.

Lập “chốt” ở quán nhậu: chỉ là phần ngọn

Trong số hơn 5.500 vụ tai nạn giao thông (TNGT) của cả nước diễn ra trong 6 tháng đầu năm, có rất nhiều vụ liên quan đến vi phạm tốc độ, gây ra những hậu quả thảm khốc, trong đó không ít trường hợp những “ma men” ngồi sau tay lái.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2010/NĐ-CP) của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lại rất lưu ý đến các chế tài xử phạt những hành vi lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Đẩy mạnh việc kiểm soát tình trạng, từ cuối quý I năm nay, Cục CSGT đường bộ, đường sắt đã chỉ đạo Phòng CSGT Công an TPHCM lập các “chốt” ở cạnh các quán nhậu, kiểm tra xử phạt các “đệ tử Lưu Linh” ngay khi rời quán ngồi lên sau tay lái. Từ kết quả của TPHCM, Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình này ở Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương… và gần đây nhất là Hà Nội. “Chế tài có, tuy nhiên, trong quá trình xử phạt, xử lý rất khó khăn. Khi những người không đội mũ bảo hiểm bị dừng lại để kiểm tra, xử phạt thì lực lượng chức năng bị phản ứng rất quyết liệt, chống đối rất cao, nhất là những người đã uống bia rượu…”, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), chia sẻ khó khăn của lực lượng với báo giới.

“Quy trình kiểm soát bia rượu hiện nay đang kiểm soát thụ động, tức là khi tai nạn xảy ra thì mới kiểm tra người gây tai nạn có nồng độ cồn hay không. Theo quy trình mới, lực lượng CSGT sẽ lập chốt kiểm tra nồng độ cồn nếu không có thì cho đi tiếp, nếu có thì chuyển sang kiểm tra nồng độ cồn”, Đại tá Trần Sơn Hà cho biết.

Theo đó, việc xử phạt chế tài dù cao nhưng vấn đề không phải là hình phạt nặng hay nhẹ mà mọi hành vi đều phải được phát hiện và ngăn chặn. Tuy vậy, đó cũng chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi. Theo ông Hà, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, đây là việc lâu dài, cần được giáo dục ý thức từ nhỏ của mỗi người.

Kiểm soát “ma men” cầm lái: chỉ thực sự hiệu quả khi không có đối tượng ngoại lệ
Kiểm soát “ma men” cầm lái: chỉ thực sự hiệu quả khi không có đối tượng ngoại lệ
 

Chờ đợi nhiều hơn sự phản hồi từ xã hội

Nhắc lại hiệu quả mô hình lập “chốt” ngay tại các quán nhậu để kiểm tra nồng độ cồn, Đại tá Trần Sơn Hà cho rằng đó là những mô hình cần được nhân rộng nhiều hơn nữa. Với quan điểm đó, Cục CSGT thời gian gần đây đã được đầu tư các dự án để trang bị các phương tiện đo nồng độ cồn. Điều đáng lưu ý, theo ông Hà, khó khăn nhiều nhất lại là tại Hà Nội, với sự phản ứng rất mạnh của người được kiểm tra, nhiều khi phải gọi cả đến 113 hay cảnh sát cơ động hỗ trợ. “Vẫn phải làm quyết liệt, chứ không phải xảy ra tai nạn thì mới làm. Còn khi xảy ra tai nạn thì việc kiểm tra nồng độ cồn là đương nhiên. Chưa kể đây còn là một trong những tình tiết tăng nặng được quy định trong Bộ luật Hình sự”, ông Hà nhấn mạnh.

Đại tá Trần Sơn Hà cũng cho rằng “kênh” phản hồi từ các gia đình, các cơ quan và địa phương cư trú của người vi phạm vẫn là hết sức quan trọng để ngăn chặn các hành vi tái phạm về sau. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, dù từ năm 2010 Bộ Công an đã có 38/2010/TT-BCA quy định đối với tất cả những trường hợp lái xe có lỗi nghiêm trọng đều bị thông báo về cơ quan công tác, nơi cư trú, chi bộ sinh hoạt. Không chỉ có uống bia rượu, mọi hành vi vi phạm đều được thông báo công khai.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, phản hồi thông báo từ cơ quan công an về hành vi vi phạm giao thông hiện chỉ có 1%. Ngoài ra, phản hồi mới dừng lại ở mức là ghi nhận đã nhận được thông báo, còn xử lý như thế nào thì hầu hết chưa được đề cập. Có lẽ cũng bởi thế mà sự chuyển đổi trong nhận của nhiều người vẫn còn hạn chế, song hành với tỷ lệ người lái xe sau khi đã uống rượu bia vẫn còn quá phổ biến như hiện nay.

Thiết Lĩnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ