(GD&TĐ)- Xoay quanh các nội dung trong dự thảo Luật Giáo dục đại học đang được dư luận xã hội quan tâm, Báo điện tử GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý giáo dục (nay là Học viện quản lý Giáo dục).
PGS.TS Đặng Quốc Bảo |
PV: Luật giáo dục ĐH đã thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay chưa, thưa PGS?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Theo tôi việc ra đời Luật Giáo dục đại học là cần thiết, vì hiện nay cả nước đã phát triển hơn 400 trường đại học, cao đẳng, với số lượng lớn như vậy cần có một luật riêng mới đủ sức giải quyết nhiều vấn đề của giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, sứ mệnh của một nền giáo dục đại học ở bất cứ nước nào cũng vậy, đó là sản xuất trí thức của dân tộc, sản xuất văn hóa của dân tộc. Vì sứ mệnh đó nên tôi thấy cần thiết phải có một bộ luật riêng, chứ không thể chỉ dừng lại ở Luật Giáo dục hiện hành.
PV: Vấn đề PGS quan tâm nhất trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học là gì?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Theo tôi, kiểm định chất lượng đào tạo là vấn đề quan trọng nhất của Luật Giáo dục đại học. Mặc dù Dự thảo Luật đã chú trọng tới vấn đề kiểm định chất lượng đào tạo nhưng phần lớn các quy định liên quan chưa cụ thể, chưa đề cập rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác kiểm tra chất lượng đạo tạo.
Nếu không làm rõ vẫn đề này thì Luật Giáo dục đại học không khác gì mấy so với Luật Giáo dục hiện hành. Do đó, cơ quan kiểm định chất lượng đạo tạo phải là bộ 3 liên kết gồm nhà nước là Bộ GD&ĐT, những tổ chức xã hội độc lập như Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, và phía cơ sở giáo dục đại học là Hội đồng trường. Có như vậy mới đảm bảo tính trung thực, khách quan.
Ảnh mang tính minh họa/ Internet |
PV: Rất nhiều người quan tâm đến vấn đề quyền tự chủ, tự chịu trách của cơ sở GDĐH trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH còn phải bàn nhiều, phải huy động hệ thống chính trị, hệ thống xã hội cùng vào cuộc để thẩm định, làm rõ cơ sở giáo dục đại học nào được quyền tự chủ và quyền tự chủ đến đâu? Còn nếu như hiện nay, Bộ GD&ĐT cho trường nào quyền tự chủ thì chỉ biết trường đó, sẽ dẫn đến cơ chế xin cho.
Mặt khác, Hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu đối với các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Tuy nhiên, cần phải tách bạch giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng trường, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
PV: Xin cảm ơn PGS!
PV