"Đọc hết sách cũng không phân tích được TTCK Việt Nam"

"Đọc hết sách cũng không phân tích được TTCK Việt Nam"

Chưa quản lý được thị trường chứng khoán

Luật Chứng khoán được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Sau hơn ba năm thực hiện, Luật Chứng khoán đã có những đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa hoạt động chứng khoán từng bước vào khuôn khổ có tổ chức. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong Luật, đồng thời có một số nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và tiến triển của thị trường.

"Đọc hết sách cũng không phân tích được TTCK Việt Nam" ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch.

Tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, nếu được thì nên giao cho Ủy ban Chứng khoán được thực hiện một số hoạt động để xác minh những hành vi vi phạm. Vì hiện nay khả năng quản lý và xử lý những vấn đề nổi lên trên trị trường của Ủy ban chưa thực hiện được nhiều vì công cụ, điều kiện chưa được đầy đủ.

Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM), dù học hết sách đi nữa cũng không phân tích được thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, bởi vì thị trường mang nặng yếu tố đầu cơ, làm giá, không theo một lý thuyết nào cả. Nhưng trước tình trạng này, Ủy ban Chứng khoán không làm gì được. Và ông đề nghị, dự án luật phải đưa quyền tương đối độc lập và thẩm quyền tìm chứng cứ của Ủy ban Chứng khoán. Ví dụ, đi xác minh tài khoản ngân hàng để tìm chứng cứ chứng minh rằng đó là những người thông đồng làm giá. “Tôi kiến nghị luật này phải đưa ra một số thẩm quyền và quy trách nhiệm rõ Ủy ban Chứng khoán có quyền và có trách nhiệm để làm việc đó, nếu như tình trạng làm giá, đầu cơ lũng đoạn trên thị trường xảy ra”, ông Lịch nói.

Đề nghị bổ sung hành vi gian lận vào Luật

Giải thích thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay, hiện nay trong luật cũng đã trao cho Ủy ban Chứng khoán khá nhiều quyền và có thể tương đối độc lập trong quản lý thị trường chứng khoán. Duy nhất có một điểm, là việc trao cho Ủy ban Chứng khoán được một số quyền để thẩm định các nghiệp vụ, khi phát hiện ra có thể lũng đoạn chứng khoán hoặc gian lận hoặc nội gián, thì hiện nay chưa được ghi trong luật. Bộ Tài chính đã đề xuất vấn đề này, nhưng qua thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau thì sau đó lại gác lại, song nếu được đưa vào dự án luật này thì rất tốt. “Chúng tôi dự kiến trao cho Ủy ban Chứng khoán quyền khi phát hiện những vấn đề nghi vấn thông qua thanh tra, kiểm tra thì đề nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan cung cấp thông tin về mối quan hệ thân nhân của đối tượng thanh tra với người có liên quan đến khi nghi vấn có gian lận, cung cấp, sao kê các cuộc gọi điện thoại, thư điện tử của đối tượng thanh tra; sao kê tài khoản chứng từ và dữ liệu giao dịch liên quan đến chứng khoán tại ngân hàng của đối tượng thanh tra và các thông tin, tài liệu liên quan khác” – ông Vũ Văn Ninh lý giải.

Cũng theo Bộ trưởng, nếu không có nghiệp vụ này thì trên thực tế vừa qua phát hiện gian lận vô cùng khó khăn. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán có ký liên kết với cơ quan cảnh sát điều tra để phối hợp điều tra, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được một cách kịp thời. Hơn nữa, bên các cơ quan cảnh sát điều tra thường rất bận, cho nên có những vụ việc thẩm tra vấn đề này rất khó khăn.

Bên cạnh nội dung trên, nhiều nội dung cơ bản được đề xuất sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm… nhận được sự đồng thuận khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về một số nội dung mới. Như việc không áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ đầu tư 10% giá trị tài sản quỹ vào bất động sản đối với quỹ đầu tư bất động sản.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ