(GD&TĐ) - “Sử dụng di tích lịch sử để GD truyền thống – cần nâng cao chất lượng dạy học. Quan tâm đến GD nền tảng cho HS, dạy học hiệu quả phù hợp với đối tượng HS và phát huy tính chủ động và sáng tạo của GV và HS...” là những vấn đề được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh trong chuyến công tác kiểm tra, đánh giá kết quả sau gần 4 năm triển khai, thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” tại tỉnh Quảng Ninh hôm nay (23/3).
Trong chuyến kiểm tra, đánh giá kết quả sau gần 4 năm triển khai thực hiện 5 nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” tại tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến kiểm tra thực tế tại Trường mầm non Cẩm Sơn 2, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Thành phố Cẩm Phả), Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, Trường THPT Uông Bí (Thành phố Uông Bí).
Tại các điểm đến làm việc, Thứ trưởng đã ghi nhận những thành tích mà tỉnh và Ngành GD Quảng Ninh đã làm được sau gần 4 năm triển khai phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC”, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế mà GD Quảng Ninh cần khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn công tác kiểm tra tại trường Mầm non Cẩm Sơn 2 |
Tại trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thành phố Cẩm Phả), một trong những thành phố trẻ nhất của tỉnh Quảng Ninh công tác thực hiện phong trào, thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để. Ban giám hiệu nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, đưa những loại hình văn hoá dân gian vào trường học, chăm sóc và tôn tạo di tích văn hoá; xây dựng các tiết dạy mẫu về đổi mới phương pháp dạy học... Trong khuôn viên nhà trường được lát gạch sạch sẽ, có ghế đá cho HS nghỉ khi giờ ra chơi... Nhà trường luôn làm tốt công tác vệ sinh trường lớp, chăm sóc hệ thống cây xanh, HS thực hiện đúng nội qui, qui định vì vậy hàng năm nhà trường luôn đảm bảo an toàn trường học, không xảy ra tai nạn thương tích học đường. Hiện tại nhà trường đã trồng và trồng mới được trên 150 cây. Trong đó có 33 cây bóng mát và hơn 100 cây cảnh trong đó có nhiều cây cảnh có giá trị. Hàng năm HS nhà trường luôn được hoạt động trong cảnh quan môi trường xanh.
Đặc biệt, các chương trình GD ATGT, phòng chống bạo lực học đường, trò chơi điện tử có nội dung không lành mạnh, phòng chống đuối nước, bảo đảm an toàn khi đến trường được tiến hành lồng ghép vào các môn học thông qua môn GD công dân, Đạo đức... Ngay đầu năm học mới, nhà trường tổ chức cho HS học tập nội qui nhà trường đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua của các lớp, của chi đội nhằm GD HS ý thức giữ gìn và bảo vệ cây xanh, giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp và an toàn trong trường học.
Việc tuyên truyền, GD truyền thống lịch sử và văn hoá, giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các lễ hội, di tích, di sản, tìm hiểu lễ hội cũng được lồng ghép vào nội dung chương trình dạy học theo chủ điểm, được triển khai đến từng GV và HS.
Một thành viên đại diện đoàn kiểm tra dự giờ học Văn của các em HS trường Tiểu học Võ Thị Sáu |
Cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết: “Để GD tinh thần uống nước nhớ nguồn cho HS, trường thường xuyên tổ chức cho các em tham gia tham quan các khu di tích lịch sử trên địa bàn thành phố và trong tỉnh như: Đền Cửa Ông, Chùa Yên Tử, Vịnh Hạ Long... nhằm khơi dậy lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống trong huyện, thành phố, tỉnh qua đó hình thành ý thức học tập. Qua đó tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng cho HS trở thành hướng dẫn viên các di tích ở địa phương mình cho khách du lịch. Từ đó HS mạnh dạn, tự tin, hứng thú tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, giao lưu và sinh hoạt cộng đồng...”.
Khi được hỏi em hiểu thế nào về phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC”, em Nguyễn Huy Hoàng, HS lớp 5 trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: “Theo em hiểu, trường học thân thiện phải là ngôi trường mà ở đó có sự tận tuỵ, yêu thương của các thầy, cô giáo dành cho HS. Là sự biết ơn của HS đối với thầy, cô qua sự nỗ lực của mỗi cá nhân trong học tập và rèn luyện để đạt kết quả tốt nhất. HS lớp dưới xưng hô với lớp trên là anh chị, lớp trên gọi lớp dưới là em, cùng lớp, cùng tuổi thì phải gọi nhau là bạn, xưng tên, tạo nên sự thân mật và ấm cúng. Đặc biệt, có ý nghĩa nhất đối với chúng em chính là những cuộc thi tìm hiểu về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, địa chỉ các bà mẹ VN anh hùng trên địa bàn... đã khơi dậy cho lớp trẻ chúng em lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng, qua đó để hình thành ý thức học tập. Còn ở lớp, trong các buổi sinh hoạt tập thể hay giờ ra chơi, chúng em thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, dân tộc giữa các nhóm bạn, qua đó chúng em phần nào hiểu nhau hơn và gắn bó hơn với nhau hơn…”.
Môi trường sư phạm, cảnh quan được các trường quan tâm chăm chút |
Kiểm tra một số trường tại thành phố Uông Bí, ông Lê Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV cho biết: Tập thể GV, HS trường THPT Uông Bí hay trường THCS Nguyễn Văn Cừ cũng như một số trường khác mà đoàn đến kiểm tra đã thực hiện rất tốt phong trào “Xây dựng THTT, HSTC”. Qua kiểm tra cho thấy giữa số liệu báo cáo và thực tế rất sát nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở, lãnh đạo các Phòng GD cũng cần phải đẩy mạnh, bám sát tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để các GV, các em HS nhận thức được mục đích, ý nghĩa của phong trào này. Ngoài ra, BGH một số trường cần kiểm soát tốt hơn nữa bài giảng của GV, nhất là những bài giảng dùng trên máy tính… Cùng đó, nhà trường cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn, qua đó sẽ xác định được mục tiêu của từng bài giảng. GV của từng bộ môn sẽ có thể thống nhất được cách thức tổ chức, trình bày, nội dung của từng bài, từng môn học vì qua sinh hoạt bộ môn, những sáng kiến, đổi mới của mỗi GV sẽ được đem ra mổ xẻ, tranh luận, cuối cùng sẽ đưa ra được cách thức giảng dạy tối ưu nhất... Từ đó các GV của từng bộ môn sẽ có những bài giảng đồng nhất về nội dung để làm sao các em HS sẽ tiếp thu và hiểu bài giảng được nhanh hơn...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thuấn, Giám đốc Sở GD -ĐT Quảng Ninh cho biết: Là những người trực tiếp tham gia vào phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC”, tôi thấy chúng ta vẫn tập trung nhiều vào để xây dựng trường học thân thiện, còn làm sao để cho HS tích cực thì nhiều BGH trường vẫn chưa quan tâm nhiều. Theo tôi, quan trọng nhất và để phát huy phong trào được lan toả hơn nữa là GV phải làm thế nào để HS tích cực, cho các em thấy mình được làm chủ, không tự ti, sống cởi mở hơn… Bởi cho dù thầy cô giáo có tích cực đến mấy, trường học có thân thiện đến mấy mà HS không tích cực, không thân thiện thì chắc chắn phong trào cũng sẽ không đem lại nhiều kết quả...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao việc triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” của Ngành GD Quảng Ninh trong thời gian qua |
Đánh giá kết quả sau khi kiểm tra một số trường học trong việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý, tuy phong trào thi đua “Xây dựng THTT, HSTC” ở Quảng Ninh đã được triển khai khá tốt và sâu rộng, các trường khá khang trang sạch đẹp, các em HS hăng hái tham gia các hoạt động. Tuy nhiên, thời gian tới BCĐ tỉnh vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa những nội dung GD văn hóa truyền thống cho HS thông qua các trò chơi dân gian, chăm sóc các di tích lịch sử, người có công với cách mạng, gia đình neo đơn, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn... Đối với các công trình trường học, nhất là đối với các công trình trường học đã và sẽ được triển khai xây dựng, cần phải chú ý đến khu vực vệ sinh đúng chuẩn. Những trường học có khu vệ sinh không đạt chuẩn cần sớm có hướng khắc phục nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em HS, đặc biệt là những em HS ở một số huyện vùng sâu, vùng xa…
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Quảng Ninh cần triển khai, đẩy mạnh hơn nữa phong trào, BCĐ tỉnh cần đặt ra kế hoạch chung mang tính đặc trưng của địa phương. Nhưng để phong trào có sức lan toả và triển khai sâu rộng hơn nữa mỗi đơn vị GD, mỗi trường cần tìm và tạo điểm nhấn riêng cho mình, làm phong phú, đa dạng hơn các nội dung của phong trào chứ không nên rập khuôn máy móc… để phong trào “Xây dựng THTT, HSTC” không ngừng được đẩy mạnh và phát triển.
Trung Toàn