(GD&TĐ) - Hàng trăm chiếc chum, vại, bình, lọ, hủ… thứ mà nhiều gia đình quăng quật ở bờ rào, góc vườn được ông Nguyễn Vinh Xưởng, 71 tuổi ở phường Tứ Liên (Tây Hồ – Hà Nội) xin, mua lại, mang về nhà lau chùi cẩn thận rồi bài trí trang trọng trong nhà, ngoài sân khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Việc lưu giữ hồn quê và nét đẹp văn hóa Việt đang mai một thật đáng trân trọng...
Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ông là một trong những thanh niên Hà Nội đầu tiên đã tình nguyện xung phong đi khai phá vùng Tây Bắc để xây dựng XHCN ở miền Bắc, đặc biệt là Lâm trường Hữu Lũng (Lạng Sơn). Dấu chân ông đã trải khắp những cánh rừng, con suối, dòng sông và đến từng bản làng.
Ông Nguyễn Vinh Xưởng coi đó như là thứ tài sản vô giá |
Gần mười năm gắn bó với núi rừng, đất và người Tây Bắc, “khi ta ở chỉ là nơi đất ở” khiến ông mê mẩn với vùng đất này. Năm 1972, ông được đơn vị cử vào Quảng Trị làm công tác cho mặt trận bốn bên (T72) đón những người chiến thắng trở về. Nhiều năm liền, ông Xưởng đã “ôm” vô lăng ngược xuôi trong khói lửa đạn bom, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Chiến tranh lùi xa, ông tiếp tục cống hiến đến khi về hưu.
Hàng năm, Ban liên lạc cựu TNXP đoàn thanh niên tháng Tám Thủ đô vẫn họp mặt để động viên, thăm hỏi lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn ấm áp tình đồng đội. Dù bộn bề giữa công việc, nhưng ông không sao từ bỏ được thú chơi cây cảnh và niềm đam mê sưu tầm những cổ vật sinh hoạt của người nông dân trong làng quê Việt Nam.
Một góc trưng bày chum, vại, những nét xưa |
Trong khuôn viên chật hẹp của ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ phố Hà thành, từng chiếc bình, chum, vại, lọ … được ông bài trí cẩn thận, ngăn nắp rất phù hợp với không gian. Để có được hàng trăm hiện vật từ nhiều thời kỳ lịch sử, ông đã lặn lội nhiều năm đến khắp các vùng miền khác nhau để tìm những đồ dùng sinh hoạt của người nông dân làng quê Việt Nam. Người dân Tứ Liên thường gọi ông với cái tên dung dị “Xưởng đồ cổ”, người lại gọi ông với cái tên gai gai “Xưởng chum”, rồi “Xưởng vại”… nhưng khi được hỏi cái tên nào ông hài lòng nhất thì ông nhoẻn miệng cười: “Tên tuổi gì đâu, tôi chỉ nhặt nhạnh những gì sót lại trong sinh hoạt hàng ngày của làng quê đang vương đâu đó quanh chúng ta thôi. Có đồ cổ nào đâu, tôi chẳng dám nhận mình với cái tên như vậy. Có thể mình là “gã gàn” chuyên đi nhặt nhạnh những thứ vớ vẩn thôi - ông giãi bày.
Ông Xưởng chia sẻ tình cảm của mình về sự mất dần những hình ảnh làng quê Việt Nam xưa. Ông cảm thấy mơ hồ sự tiếc nuối trong lòng và nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đó để con cháu sau này hiểu được giá trị của quá khứ như một nét văn hóa truyền thống. Ngày nhận sổ hưu, ông quyết định rong ruổi khắp các làng quê Bắc Bộ để sưu tầm những chum, vại, bình, lư … mang về trưng bày cẩn thận như của quý. Ông nhớ lại, cái đận đầu tiên đi sưu tập của mình: “Một lần về quê ngoại ở Văn Giang (Hưng Yên), tôi nhìn thấy chiếc lọ vỡ nằm ở bờ rào, lúc ấy trong tôi dâng lên cảm xúc đặc biệt. Đột nhiên tôi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, hình ảnh quê hương thanh bình giản dị với vại dưa, cà chiếc chõng tre… Tôi đã cầm chiếc lọ vỡ ấy nâng niu cẩn thận như vật quý, rồi rửa sạch cất cẩn thận…”. Không ít người khi thấy ông nhặt những chiếc lọ vỡ đã cho rằng ông dở hơi, hoặc ông này bị … “ấm đầu”. Ai nấy đều hỏi ông mang những thứ vớ vẩn ấy về làm gì cho chật nhà. Bỏ qua những lời đàm tiếu của mọi người, ông vẫn cặm cụi làm những việc không “giống ai” này.
Những chiếc chum, lọ, hũ, lu, vỡ, cái đựng rượu, đựng tương, đựng gạo… được ông đặt trang trọng trong nhà. Ông vẫn nhớ từng chi tiết, kể lại vanh vách sự tích, lai lịch của từng chiếc, nhặt được nó ở đâu, khi nào mà mình vang về. Đất nước đang trên con đường hội nhập, kinh tế thị trường đang chi phối toàn bộ đời sống xã hội, những giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, giới trẻ không thể hiểu được giá trị của những vật chứng lịch sử ấy. Bên chén trà, ông trầm giọng lý giải: “Tôi lưu giữ lại như để nhắc nhở con cháu biết đến với mục đích “Đoàn kết - Hợp tác - Kế thừa - Phát triển”. Đây cũng là giữ gìn nét văn hóa, quê hương xưa cho hôm nay và mai sau”. Ngày lại ngày, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn bỏ lại thành phố phồn hoa để rong ruổi khắp các vùng quê để tìm những chiếc chum, vại.
Kim Hạnh