Quảng Nam và Quảng Ngãi nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất rất cao

GD&TĐ - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, một số khu vực đã và đang ngập ở Quảng Nam và Quảng Ngãi thì từ ngày 26/10 sẽ mưa to trở lại nên nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.

Mưa lớn kéo dài khiến các sông ở Quảng Ngãi dâng cao trên mức báo động 3 hôm 24/10. Ảnh: Minh Hoàng.
Mưa lớn kéo dài khiến các sông ở Quảng Ngãi dâng cao trên mức báo động 3 hôm 24/10. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, một số khu vực đã và đang ngập ở Quảng Nam và Quảng Ngãi thì từ ngày 26/10 sẽ mưa to trở lại nên nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.

Mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây mất an toàn cao đối với hồ chứa, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Từ ngày 27-30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông, lượng mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm.

Ông Mai Văn Khiêm cảnh báo, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận;

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, Đắk Lắk và Lâm Đồng;

Nguy cơ làm tràn các hồ chứa nhỏ đang thi công hoặc đã đầy nước khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên;

Nguy cơ mất an toàn đối với một số một khai thác khoáng sản như các mỏ khai thác titan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, đặc biệt là các mỏ khai thác bauxit khu vực Đắk Nông và Bảo Lộc (Lâm Đồng)”.

Cũng theo ông Khiêm cho biết, áp thấp nhiệt đới không có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10km/giờ và duy trì cường độ ở cấp 7, giật cấp 9, khi vào gần bờ giảm xuống cấp 6, giật cấp 8, khi đi vào đất liền sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp.

Từ chiều 26/10, trên khu vực ven biển từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Từ ngày 26-27/10, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.

Trong đó, từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ lượng mưa ở mức 100-200 mm, có nơi trên 200 mm.

Từ Bình Thuận đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên lượng mưa ở mức 150-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Trước đó, như Giáo dục và Thời đại đưa tin, theo báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của mưa lũ, bờ biển thôn Thái Dương Hạ Bắc (xã Hải Dương, thành phố Huế) bị sạt lở với chiều dài khoảng 250m; bờ sông Bồ thuộc thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền có 7 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 2.720m; bờ sông Hương có 3 vị trí sạt lở ở thành phố Huế và huyện Phú Vang với tổng chiều dài 1.200m; sạt lở khoảng 100m mái taluy tại đường vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc).

Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng sạt lở, hư hỏng, ngập lụt cục bộ các Quốc lộ 40b, 4H và nhiều tuyến đường thuộc các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Nông Sơn, Tây Giang.

Tỉnh Quảng Ngãi có 2.500m bờ biển bị sạt lở, biển ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ với 4.300 khẩu tại các thôn Châu Thuận Biển, thôn Châu Thuận Tây, thôn Châu Me...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ