Quan tâm hơn nữa để các trường đại học NCL phát triển bền vững

GD&TĐ - Để hệ thống các cơ sở giáo dục đại học NCL phát triển bền vững trong những năm sắp tới cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương và nỗ lực của các trường NCL. 

Quan tâm hơn nữa để các trường đại học NCL phát triển bền vững

4 định hướng chính

Chủ trương phát triển giáo dục đại học NCL đã được xác định từ Nghị quyết T.Ư 2 Khóa VIII và được hoàn thiện trong Nghị quyết T.Ư 8 Khoá XI (NQ 29-NQ/TW); được thể hiện trong Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội và nhiều văn bản của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT.  

1/ Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trường NCL, đặc biệt đối với các trường NCL có vốn đầu tư lớn, chất lượng cao; tạo điều kiện tăng tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học NCL và tỷ lệ sinh viên theo học các trường NCL trên cơ sở đảm bảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng quy hoạch nguồn nhân lực của các địa phương, khu vực và cả nước;

2/ Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường NCL về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên thuộc diện chính sách của các trường NCL;

3/ Nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu, hình ảnh của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập; trong đó tập trung vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên; chương trình, giáo trình; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu;

4/ Chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo;  xử lý các trường không thực hiện đúng cam kết trong đề án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các trường không xây dựng được cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, không đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu...

Những giải pháp để các trường ĐH NCL phát triển bền vững

Để hệ thống các cơ sở giáo dục đại học NCL phát triển bền vững trong những năm sắp tới cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương và nỗ lực của các trường NCL. Những giải pháp chính có thể tóm tắt như sau:

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Thực hiện Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chủ trương xã hội hóa giáo dục; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các trường NCL;

- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng cụ thể các chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; xây dựng cơ chế, chính sách đặt hàng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tạo cơ chế bình đẳng giữa các trường công lập và NCL; 

Cùng đó, tăng cường sự kết hợp công - tư trong chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu giữa cơ sở giáo dục đại học mới thành lập và cơ sở có truyền thống trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể để hệ thống giáo dục đại học năng động hơn, hiệu quả hơn;     

- Hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng NCL trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu bằng các nguồn học bổng, nguồn ngân sách Nhà nước theo Đề án 911 và các Đề án đã được phê duyệt; trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ đào tạo, nội dung chương trình đào tạo từ các trường tiên tiến ở trong và ngoài nước; trong cơ hội tiếp cận nguồn vốn nghiên cứu khoa học, các chương trình, đề án hợp tác nghiên cứu với nước ngoài;

- Đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo đúng Luật giáo dục đại học và quy chế tuyển sinh; xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào mềm dẻo, linh hoạt để các trường tham gia kỳ thi chung có thể tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề đào tạo của các trường;

- Hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng NCL trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường để nâng cao vị thế các trường NCL trong hệ thống;

- Thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ, không phân biệt công lập hay NCL; đảm bảo bình đẳng, công khai, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và NCL;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi cơ sở giáo dục đại học NCL đặt trụ sở để thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ…

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng NCL thực hiện đúng các quy định về công khai và các văn bản chỉ đạo về giáo dục đại học NCL; phối hợp với các địa phương trong công tác thanh kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục và đào tạo.

Đối với UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

- Hỗ trợ các nhà đầu tư, các trường đại học, cao đẳng NCL trong việc thực hiện thủ tục xin phép đặt trụ sở trường tại địa phương, thông tin về quy hoạch quỹ đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, xác nhận quyền sử dụng đất,... để các trường có đủ quỹ đất đáp ứng được tiêu chí về diện tích đất/sinh viên theo quy định;

- Tiếp nhận báo cáo và cam kết hoạt động không vì lợi nhuận của các trường NCL trong quá trình hoạt động để kịp thời nắm bắt thông tin, theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học NCL đã thực hiện đúng cam kết hoạt động không vì lợi nhuận;

- Thực hiện việc công nhận Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng tư thục trên địa bàn và lựa chọn người có năng lực, có trách nhiệm tham gia vào Hội đồng quản trị của các trường đại học, cao đẳng tư thục theo quy định;

- Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục được quy định tại Nghị định 115 của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động giáo dục đại học trên địa bàn.

Đối với các trường và chủ đầu tư

- Đầu tư xây dựng trường theo đề án đã được duyệt, chấm dứt tình trạng còn có những trường hoạt động với cơ sở thuê mướn tạm bợ;

- Quan tâm xây dựng kế hoạch chiến lược, lộ trình phát triển trường dài hạn; kết hợp hài hoà giữa lợi ích ngắn hạn với việc tạo dựng uy tín, danh tiếng để phát triển trường bền vững;

- Có chiến lược phát triển ngành đào tạo phù hợp với điều kiện đầu tư của trường và qui hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và cả nước;

- Xây dựng kế hoạch dài hạn về tuyển sinh, có đề án tự chủ tuyển sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo; kết hợp giữa phát triển quy mô và đảm bảo chất lượng nguồn tuyển để nâng cao uy tín, tạo sức hút đối với người học; thực hiện đúng các quy định về tuyển sinh và đào tạo;

- Xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp, có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động, hướng tới khung trình độ chuẩn của khu vực ASEAN; Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thị trường lao động, giữa nhà trường và cơ sở sản xuất, kinh doanh;

- Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là phát triển đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo chất lượng và hiện đại; đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học;

- Xây dựng mô hình quản lý, quản trị nhà trường theo hướng quản trị đại học hiện đại; phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Hội đồng khoa học và đào tạo...phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ và dân chủ cơ sở;

- Thực hiện công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng; kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng của trường; minh bạch hóa thông tin, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý và xã hội giám sát; tạo niềm tin cho người học và nhà tuyển dụng.

Để những giải pháp trên có thể thực hiện một cách có hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ/ngành triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích, ưu tiên đối với cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận đã được quy định trong Luật giáo dục đại học và Nghị định 141 hướng dẫn một số điều của Luật giáo dục đại học; 

Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, chính sách học phí và chính sách hỗ trợ đối với sinh viên để tiến tới bình đẳng giữa người học trong cơ sở giáo dục đại học công lập và NCL; Chỉ đạo các địa phương trong việc quy hoạch quỹ đất và giải phóng mặt bằng, bàn giao cho các cơ sở giáo dục đại học NCL; 

Ngoài ra, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng NCL được tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo, tiếp cận các nguồn vốn ODA để tăng cường thêm nguồn lực, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng NCL trong 20 năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Vai trò của các trường đại học, cao đẳng NCL dần được khẳng định trong xã hội, là bộ phận quan trọng, không tách rời của hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Tiếp tục phát huy những thành quả tích cực đã đạt được của mô hình giáo dục đại học NCL, đồng thời rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, trên cơ sở đó xác định các giải pháp hữu hiệu cho sự phát triển bền vững của mô hình này trong những năm sắp tới là một trong những việc làm thiết thực thể hiện tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Hội nghị TW lần thứ 8 của Đảng đã đề ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ