Quản lý học viên tại các trường trung cấp CSND: Theo hướng phát triển năng lực

GD&TĐ - Quản lý hoạt động học tập của học viên, chuyên ngành Cảnh sát cơ động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân một cách chặt chẽ, khoa học sẽ bảo đảm và phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong học tập, giúp học viên xác định đúng mục tiêu và đạt kết quả cao.

Những bông hồng thép thuộc lực lượng cảnh sát cơ động tại Lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018 
của Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Những bông hồng thép thuộc lực lượng cảnh sát cơ động tại Lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018 của Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Đồng thời, thông qua quản lý hoạt động học tập của học viên sẽ thu nhận những thông tin phản hồi để các chủ thể quản lý giáo dục của nhà trường kịp thời điều chỉnh, đổi mới giảng dạy và nâng cao chất lượng GD-ĐT. 

Quản lý mục tiêu, động cơ, thái độ học tập 

Mục tiêu học tập có vai trò rất quan trọng đối với học viên trong quá trình học tập tại nhà trường và thường được chia làm hai loại chính: Mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là mục tiêu mà học viên muốn sớm đạt được. Còn mục tiêu dài hạn là những mục tiêu mà học viên phải ước tính mất một khoảng thời gian khá dài mới đạt được. Quản lý mục tiêu học tập là việc thiết kế mục tiêu, quán triệt mục tiêu học tập đến học viên và các lực lượng sư phạm và tổ chức quản lý có hiệu quả hoạt động học tập làm cho kết quả cuối cùng đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời phải gắn liền với quản lý con người, quản lý hoạt động khác của học viên trong quá trình học tập tại trường.

Hoạt động học tập của học viên có tính độc lập cao nên nó được thúc đẩy bởi một hệ thống động cơ mạnh mẽ. Nguồn gốc động cơ học tập của học viên có thể xuất phát từ bên ngoài, tức là do yêu cầu của nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời, có thể xuất phát từ bên trong, tức là từ nhu cầu nhận thức, nhu cầu mong muốn có ích cho xã hội, từ xu hướng, hứng thú, thế giới quan, niềm tin... của học viên được hình thành qua hoạt động thực tiễn.

Động cơ học tập của học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân được biểu hiện rõ nét thông qua các hành động học tập như thái độ trong học tập; tính tích cực tự giác trong tự học, tự nghiên cứu; sự chăm chú say mê khi nghe giảng, niềm phấn khởi lạc quan khi thực hiện thắng lợi các bài tập nhận thức; ý chí quyết tâm cao không chịu lùi bước trước những khó khăn trong học tập; tính tích cực, tự giác, mong muốn được đánh giá khách quan, chính xác kết quả học tập trong hoạt động kiểm tra đánh giá...

Để học tập tốt, nhất thiết học viên phải có động cơ học tập mạnh mẽ. Bởi vậy, yêu cầu quản lý động cơ học tập của học viên phải được tiến hành thường xuyên liên tục trong suốt quá trình học tập của họ. Theo dõi tình hình học tập làm cơ sở để đánh giá sự tăng giảm động cơ học tập của học viên. Làm rõ nguyên nhân giảm sút động cơ học tập và tìm kiếm các cách thức biện pháp tác động, tạo các nhu cầu học tập tích cực, đồng thời giúp học viên chiếm lĩnh nhu cầu, hình thành động cơ học tập tốt đối với tất cả các nội dung, hình thức học tập. 

Bảo đảm khoa học, thiết thực

Kế hoạch học tập của học viên là căn cứ quan trọng để các lực lượng sư phạm tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra học viên thực hiện nhiệm vụ, tránh những sai sót; Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý xem xét, đánh giá chính xác kết quả học tập của học viên đối với các môn học và chuyên ngành đào tạo, chấp hành đúng quy chế giáo dục đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quy chế, quy định của Bộ Công an và sự cụ thể hóa ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân. 

Thực chất, đây là các khâu, các bước trong quy trình quản lý hoạt động học tập của học viên. Xây kế hoạch, chương trình, nội dung học tập của học viên bao gồm các nội dung: Kế hoạch học tập của học viên (năm học, học kỳ, tháng, tuần, ngày...); Quy chế phối hợp trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch học tập; tổ chức các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động học tập; sử dụng và phát huy vai trò các lực lượng, công cụ, phương pháp, phương tiện quản lý để đạt được hiệu quả tối ưu trong thực hiện kế hoạch quản lý hoạt động học tập của học viên. 

Phát huy tính tích cực, chủ động của người học 

Hoạt động học tập của học viên được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm thống nhất. Bởi vậy, quản lý hoạt động này cần phải đạt được những yêu cầu như: Học viên ý thức rõ mục tiêu, có thái độ đúng đắn trong học tập tự giác, chủ động, tích cực tìm tòi phát hiện vấn đề, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Tạo điều kiện và hướng dẫn cho học viên có phương pháp học tập phù hợp, nắm được các phương pháp học tập chủ động ở từng học phần, môn học cả lý thuyết và thực hành; Học viên có nền nếp, thói quen học tập tốt, ý thức tổ chức kỷ luật. 
Phát huy năng lực học tập, giúp cho học viên tự đánh giá mặt mạnh, hạn chế để vươn lên, giáo dục cho học viên tính trung thực trong học tập, cuộc sống.

Việc quản lý hoạt động học tập của học viên phải được thực hiện đầy đủ, toàn diện và mang tính giáo dục cao. Quản lý xây dựng kế hoạch hoạt động học tập bao gồm: Xây dựng động cơ, thái độ, ý thức, trách nhiệm trong học tập; Quán triệt và thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ học tập; Thực hiện mục tiêu, kế hoạch, nội dung học tập; Việc chấp hành nề nếp học tập của học viên, quản lý lựa chọn và sử dụng phương pháp, hình thức tự học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên.

Vì vậy, để thực hiện tốt vấn đề này, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phải quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu nội dung học tập và quy định về hoạt động học phải thực hiện theo từng nhiệm vụ. Nội dung học tập của học viên thường mang tính tự giác,  chủ động. 

Theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

Điều kiện bảo đảm cho hoạt động học tập của học viên là nhân tố không thể thiếu cho hoạt động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân, làm cho hoạt động học tập diễn ra thuận lợi, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng học tập của học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động. Bằng các biện pháp quản lý khoa học, chủ thể quản lý giáo dục tổ chức và chỉ đạo các hoạt động thiết lập các điều kiện bảo đảm giúp hoạt động học tập diễn ra theo đúng với chương trình, kế hoạch đào tạo đã xác định. Đây là một nội dung quan trọng trong quản lý giáo dục nhà trường.

Quản lý các điều kiện bảo đảm cho hoạt động học tập của học viên là quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thông tin, tài chính, không gian, thời gian... phục vụ cho hoạt động học tập; bao gồm toàn bộ hoạt động cung ứng, sử dụng, khai thác, phát huy hiệu quả, tác dụng của các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, thông tin, tài liệu...; hợp lý hóa việc tổ chức phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí đào tạo do cấp trên cấp, khai thác, phát huy nguồn kinh phí hỗ trợ từ các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, cá nhân trong nhà trường; bố trí, sắp xếp, tạo điều kiện tốt nhất về không gian, thời gian cho học viên học tập diễn ra thuận lợi.

Đáp ứng chuẩn đầu ra

Kết quả học tập của học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân là mức độ đạt được về việc nắm vững kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng, phương pháp tư duy và mức độ hình thành các phẩm chất nhân cách theo mục tiêu yêu cầu đào tạo, là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động học tập của học viên, đồng thời là trách nhiệm của các lực lượng tham gia vào quản lý hoạt động học tập của học viên. Kết quả học tập của học viên được đánh giá khách quan, khoa học phù hợp với mục tiêu đặt ra của nhà trường và được điều chỉnh kịp thời sẽ có tác dụng quản lý hoạt động học tập của học viên chặt chẽ, thống nhất và chất lượng học tập của học viên ngày càng nâng cao.

Quản lý kết quả học tập của học viên bao gồm: Mức độ nắm vững kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng; phát triển tư duy; mức độ hình thành phẩm chất nhân cách. Để quản lý tốt kết quả học tập của học viên thì việc đánh giá kết quả học tập phải được tiến hành một cách nghiêm túc, bảo đảm khách quan, công bằng; đánh giá toàn diện nhưng có trọng điểm; phản ánh đúng thực chất, bảo đảm sự phát triển và thường xuyên coi trọng công tác sơ tổng kết, rút kinh nghiệm trong quản lý.  

Mỗi nội dung theo tiếp cận năng lực phản ánh một khía cạnh khác nhau trong quản lý hoạt động học tập, song chúng có quan hệ biện chứng và thống nhất chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Quản lý tốt các nội dung trên sẽ góp phần thực hiện mục tiêu quản lý hoạt động học tập của học viên. Do vậy phải chú trọng quản lý đồng bộ các nội dung quản lý, không coi nhẹ nội dung nào.

Nhận thức rõ về vai trò hoạt động học tập của học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân, những năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường trung cấp cảnh sát nhân dân đã rất quan tâm đến hoạt động học tập và quản lý hoạt động học tập của học viên. Tuy nhiên, trong xu thế đổi mới giáo dục, quản lý hoạt động học tập của học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân cũng đã bộc lộ những hạn chế và bất cập. Vì vậy, cần được nghiên cứu về lý luận và thực tiễn quản lý hoạt động học tập của học viên chuyên ngành Cảnh sát cơ động ở các trường trung cấp cảnh sát nhân dân đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ