Lợi thế từ kinh nghiệm sẵn có và sĩ số
Nói về những lợi thế của nhà trường khi triển khai Thông tư 30, cô Lý Thị Sơn - Phó hiệu trưởng - cho hay: Quan điểm chỉ đạo về chuyên môn của nhà trường từ khi chưa có Thông tư 30 đã luôn chú trọng những lời nhận xét, đánh giá trong từng bài làm, bài kiểm tra của học sinh. Hàng ngày, giáo viên đều ghi lời nhận xét hoặc nhắc nhở học sinh thông qua vở dặn dò.
Bên cạnh việc chấm điểm, Ban giám hiệu luôn yêu cầu giáo viên phải ghi cả lời nhận xét những lỗi học sinh làm bài chưa chuẩn; những bài làm tốt luôn kèm hình ảnh hoặc lời khen ngợi để động viên học sinh.
Hình thức khen thưởng không chỉ kịp thời mà còn vô cùng phong phú, như khen bằng lời trong sổ dặn dò, phiếu học tập, bảng thi đua ở lớp, phiếu khen,…
Đặc biệt, nhà trường xây dựng một bộ đánh giá năng lực học tập và hoạt động của học sinh theo từng tháng và gửi về cho phụ huynh.
Vì vậy, thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 đối với nhà trường không có quá nhiều khác biệt.
Tuy nhiên, với quy định mới, trường vẫn chủ động tổ chức nhiều buổi hội thảo để những giáo viên có kinh nghiệm chia sẻ, hướng dẫn cách làm việc hiệu quả. Các chuyên đề theo cách đánh giá của Thông tư 30 cũng được tổ chức để giáo viên trong trường hoặc trong các tổ dự giờ, học tập kinh nghiệm.
Các tổ chuyên môn cũng chủ động lên kế hoạch tổ chức chuyên đề hoặc thảo luận trong các buổi sinh hoạt chuyên môn về cách áp dụng hiệu quả quy định mới này.
Về phía Ban giám hiệu nhà trường, bên cạnh việc yêu cầu giáo viên phải nhận xét tỉ mỉ, cụ thể từng bài, từng phiếu của học sinh, sau đó có kiểm tra, nhận xét rút kinh nghiệm với từng trường hợp còn tìm hiểu và tham khảo một số phiếu nhận xét, đánh giá của các trường nước ngoài để giáo viên có thêm tư liệu học tập.
Cùng với kinh nghiệm sẵn có của trường triển khai trước khi có Thông tư 30, còn phải nói tới đội ngũ giáo viên của nhà trường trẻ, tích cực, nhiệt tình luôn sẵn sàng tiếp cận với cái mới.
Bên cạnh đó, sĩ số học sinh của trường tối đa chỉ 30 học sinh trên lớp cũng là điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong việc ghi nhận xét và đánh giá học sinh.
Ngoài ra, thuận lợi của trường còn là sự quan tâm sát sao của phụ huynh học sinh đến chất lượng học tập của con em cũng như hoạt động của nhà trường. "Cách đánh giá mới áp dụng tại trường được phụ huynh rất thống nhất, ủng hộ" - Cô Lý Thị Sơn cho biết.
Chia sẻ khó khăn ban đầu của giáo viên trong việc ghi sổ sách, Trường tiểu học Lê Quý Đôn đã tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên có thể hoàn thành sổ sách đúng yêu cầu về thời gian; yêu cầu các tổ họp, thống nhất cách ghi chép sổ sách và trao đổi những khó khăn để cùng tháo gỡ.
Không chỉ tổ chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường cũng tổ chức họp để hướng dẫn cách ghi chép sổ sách tỉ mỉ; yêu cầu giáo viên có kinh nghiệm và làm sổ sách tốt phổ biến kinh nghiệm.
Sau mỗi phần phân công, sẽ thực hiện kiểm tra chéo trong tổ để tự giáo viên rút kinh nghiệm, Ban giám hiệu kiểm tra để uốn nắn kịp thời sửa chữa, bổ sung.
Không còn áp lực học vì điểm số
Chia sẻ của cô Lý Thị Sơn, cách đánh giá mới không chỉ góp phần thay đổi quan điểm học vì điểm số lâu nay tồn tại trong nền giáo dục mà còn giúp cả giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm thấy giảm rất nhiều áp lực.
"Tôi thực sự cảm thấy rất vui khi một số học sinh trước đây hay bị điểm dưới trung bình nay đã không còn cảm thấy tự ti trong học tập. Các em cũng không còn sợ việc nộp bài để giáo viên đánh giá, vì những những lời nhận xét rõ ràng thân thiện hơn điểm số. Với nhận xét của cô giáo, các em thấy rõ chỗ nào mình đã nắm được bài, chỗ nào chưa, hoặc bài nào sai cách sửa sai,…
Bên cạnh đó, cách đánh giá mới khiến giáo viên phải quan tâm nhiều hơn đến học sinh, những biện pháp khuyến khích động viên học sinh thường xuyên được sử dụng; từ ngữ để khen ngợi hay nhắc nhở các em cũng được giáo viên lựa chọn hơn, cô đọng hơn; do đó, khiến học sinh hứng thú hơn" - Cô Lý Thị Sơn bày tỏ.