Phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 đã và đang tạo chuyển biến tích cực với chất lượng dạy, học ngày càng thực chất, hiệu quả.

Chương trình GDPT 2018 phát huy tính sáng tạo và chủ động của các em học sinh
Chương trình GDPT 2018 phát huy tính sáng tạo và chủ động của các em học sinh

Những chuyển biến tích cực

Cùng với cả nước, năm học 2023-2024 là năm thứ 4 ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên thực hiện chương trình GDPT 2018 ở cả 3 cấp học. Theo đánh giá của các nhà trường và ngành Giáo dục, chương trình đã đem lại một số kết quả tích cực ban đầu, chất lượng dạy và học ngày càng thực chất, hiệu quả.

Việc đổi mới được thực hiện đồng bộ, từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời, tăng quyền tự chủ cho địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên với mục tiêu giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học…

Theo cô giáo Trương Thị Lan, giáo viên môn Ngữ Văn, trường PTDT bán trú THCS Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ: Với sự thay đổi mục tiêu giảng dạy từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, chương trình GDPT 2018 đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp.

Từ việc giảng dạy nội dung trong sách giáo khoa, chúng tôi cho học sinh tiếp cận nội dung một số bài học bằng những dự án, hoạt động trải nghiệm để khơi gợi không khí hứng thú, sự chủ động nắm bắt kiến thức của học sinh”.

Bà Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên cho biết: Khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dựng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.

Từ đó, vai trò của người thầy cũng chuyển từ vị trí “người dạy” sang vị trí “người tổ chức kiểm tra, định hướng” hoạt động học của học sinh…

z5245036219282_2046903f7fef944c3f0c01be8378e6d7_42f59.jpg
Giáo viên đang chuyển từ vị trí “người dạy” sang vị trí người “tổ chức, kiểm tra, định hướng”

Bà Hoàng Thị Thu Ninh, Hiệu trưởng Trường THCS Trại Cau chia sẻ:Hiện nay, đội ngũ giáo viên đã nắm rõ, nắm vững nội dung và tinh thần của chương trình mới thông qua học tập, nâng cao trình độ, bảo đảm yêu cầu, lộ trình đặt ra. Từ đó, nhà trường cũng chủ động, linh hoạt hơn trong việc bố trí giáo viên, sắp xếp kế hoạch năm học, đặc biệt đối với những môn học mới.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho biết: Qua quá trình thực hiện, chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học 2 buổi/ngày. Theo đó, 100% các cơ sở giáo dục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường.

Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo chương trình GDPT 2018, đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của chương trình GDPT 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018

Có thể thấy, kinh nghiệm đã được rút ra trong suốt quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 ở các khối học trước với những kết quả khả quan. Tâm thế nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành, xã hội và phụ huynh học sinh trong việc đổi mới giáo dục đã thông suốt. Từ đó có sự bắt nhịp hiệu quả, ủng hộ, đồng hành mật thiết với ngành giáo dục.

Bên cạnh những mặt tích cực của Chương trình GDPT 2018, trong thực tế khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng còn một số khó khăn cần tháo gỡ.

Yêu cầu của Chương trình đối với cơ sở vật chất rất cao nên tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cơ sở vật chất, phòng học bộ môn chưa đảm bảo theo quy định; thiết bị dạy học tối thiểu theo Chương trình GDPT 2018.

Một số nơi thiếu giáo viên các môn như tiếng Anh, Tin học (ở cấp tiểu học); Mĩ thuật, Âm nhạc (ở cấp THPT).

Việc tổ chức dạy học các môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên) ở cấp THCS còn gặp nhiều khó khăn do chưa có giáo viên được đào tạo chuẩn theo Luật Giáo dục

Ông Đào Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cho biết: Do quy mô trường lớp tăng lên hàng năm, bên cạnh đó chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương, do đó trong thực tế vẫn còn thiếu giáo viên. Để khắc phục việc thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT, các địa phương cấp huyện, thành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyển dụng giáo viên, qua 3 năm đã tuyển được trên 1.000 giáo viên.

Chỉ đạo các phòng giáo dục rà soát, điều động, biệt phái giáo viên; sắp xếp giáo viên thực hiện dạy liên trường đối với một số môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh); tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các giáo viên để giảng dạy các môn thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình.

2023_11_06_01_49_193.png
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên nắm vững chương trình GDPT 2018

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh để có kế hoạch phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các địa phương, nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện dạy và học theo chương trình GDPT 2018.

Với sự chủ động của ngành, của các nhà trường, việc đổi mới giáo dục đang được thực hiện khá hiệu quả, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Ten Hag muốn Antony sớm trở lại là chính mình.

HLV Ten Hag ra điều kiện cho Antony

GD&TĐ - Trong buổi họp báo trước trận gặp Bransley thuộc khuôn khổ Carabao Cup, HLV Erik ten Hag đã đưa ra những phát biểu thẳng thắn về Antony.