Nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư nhận giải thưởng Trần Văn Giàu

GD&TĐ - Giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2023 được trao cho tác phẩm nghiên cứu về lịch sử Gia Định - Sài Gòn - TPHCM của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dùng kính lúp, xem tài liệu tại nhà riêng. Ảnh: Mạnh Tùng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư dùng kính lúp, xem tài liệu tại nhà riêng. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngày 16/9, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu tổ chức lễ trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 11 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).

Giải thưởng Trần Văn Giàu năm nay được trao cho tác phẩm tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng Trần Văn Giàu cho Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: An Hà

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng Trần Văn Giàu cho Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: An Hà

Tác phẩm gồm 6 phần chính, được chia thành 2 tập với mốc thời gian tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020.

Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của Thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.

Tác phẩm được xem là công trình dày công nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Tác phẩm "Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)". Ảnh: Mạnh Tùng

Tác phẩm "Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)". Ảnh: Mạnh Tùng

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, tác phẩm này cùng với các tác phẩm đã được nhận giải Trần Văn Giàu trước đây là những công trình khoa học, nghiêm túc, có giá trị, chứa đựng nhiều tâm huyết dành cho lịch sử, cho văn hóa của cả nước, Nam Bộ và TPHCM.

Ông Phan Văn Mãi mong muốn trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tác phẩm có giá trị từ các hội, các tổ chức, các viện, trường học, địa phương nhận giải Trần Văn Giàu; hình thành kho dữ liệu quý, quan trọng giúp cho quá trình nghiên cứu.

Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, địa danh học Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cụ Nguyễn Đình Tư cùng gia đình vào Nam Trung Bộ lập nghiệp, làm tại Ty Điền địa Phú Yên.

Ông bắt đầu nghiên cứu, viết sách từ sau năm 1975, sau khi nghỉ hưu.

Với niềm đam mê sử học, ông đã tập trung thời gian, sức lực đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II ở TPHCM để tập hợp tài liệu, hoàn thành đề tài “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM” với mong muốn cung cấp bao quát thông tin đến công chúng về lịch sử từ thời đại tiền sử cho đến TPHCM ngày nay.

Ông Phan Văn Mãi trò chuyện với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: An Hà

Ông Phan Văn Mãi trò chuyện với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: An Hà

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, với tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, ông muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử.

"Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến TPHCM, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.

Giải thưởng Trần Văn Giàu do Giáo sư Trần Văn Giàu sáng lập năm 2002, nhằm trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ, khu vực cực Nam Trung Bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ