Phụ huynh vào trường tấn công học sinh: Khi “chỗ dựa” thành mối nguy

GD&TĐ - Công an thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Triệu Ngọc Phương (SN 1985) vì tội cố ý gây thương tích với một HS lớp 6 ngay tại trường học.

Một buổi tan học tại Trường Tiểu học Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Thịnh
Một buổi tan học tại Trường Tiểu học Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Thịnh

Những người có liên quan khi để xảy ra vụ việc trên sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Song một số phụ huynh cho rằng, không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà giáo… 

Làm rõ trách nhiệm

Trung tá Hoàng Trung Hà, Phó trưởng Công an thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Triệu Ngọc Phương (trú tại tổ 3, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ) vì tội cố ý gây thương tích, quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, hồi 13 giờ 30 phút,  ngày 9/12, tại lớp 6A4 Trường THCS Tân Bình, TP Điện Biên Phủ, Triệu Ngọc Phương (bố cháu M.) đã vào lớp 6A4 đánh cháu N.Q.H. (bạn cùng lớp với cháu M.), sau đó người này đưa cháu H. ra ngoài lớp học rồi tiếp tục đánh. Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của nhiều HS trong lớp 6A4.

15 giờ cùng ngày, nhà trường yêu cầu hai em M. và H. lên viết bản tường trình. Đến 17 giờ, nhà trường mời phụ huynh của hai em đến trao đổi, thông tin sự việc. Đại diện cho gia đình cháu H. là bố đẻ - anh N.T.C. Bên phía gia đình cháu M. có chị L.T.Đ.Q. (mẹ đẻ cháu M.), là GV Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện.

Ngày 14/12, nhà trường báo cáo Phòng GD&ĐT thành phố. Phòng đã chỉ đạo Trường THCS Tân Bình, Tiểu học Tô Vĩnh Diện giải trình sự việc, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan.

Liên quan công tác bảo vệ an toàn trường học, ông Vũ Minh Trung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ cho hay: Trường THCS Tân Bình có hai bảo vệ. Về hướng giải quyết, xử lý vụ việc, ông Vũ Minh Trung khẳng định: Quan điểm của phòng là xử lý kiên quyết, cụ thể trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan chứ không bao che, dung túng.

Sáng ngày 21/12, Phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình - Phạm Sỹ Quý  để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên quan.

“Chúng tôi rất tiếc khi sự việc xảy ra tại Trường THCS Tân Bình, bởi lâu nay, chính phụ huynh là những người mà chúng tôi tin tưởng nhất. Họ là thành viên đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp với thầy cô, nhà trường, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương để giáo dục và nuôi dạy trẻ. Có được sự kết hợp của những thành phần trên mới tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh nhất”, lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ chia sẻ.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ kiểm tra công tác an ninh, an toàn trường học trên địa bàn. Ảnh: Minh Thịnh
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP Điện Biên Phủ kiểm tra công tác an ninh, an toàn trường học trên địa bàn. Ảnh: Minh Thịnh

Cái khó của nghề giáo

Trường Mầm non 20/10, TP Điện Biên Phủ có 38 cán bộ, GV, nhân viên. Nhà trường bố trí 2 bảo vệ thường trực 24/24 giờ. Nhiệm vụ của hai người này là bảo đảm an toàn trường học, giữ gìn trật tự  với người và phương tiện đưa đón HS vào đầu và cuối mỗi buổi học. Còn trong không gian của mỗi lớp học, sự an toàn của 391 HS được mỗi cô giáo chủ nhiệm và GV đứng lớp đảm nhiệm.

“Hàng năm chúng tôi đều cam kết, thống nhất giữa nhà trường mà trực tiếp là GV chủ nhiệm lớp với Ban đại diện cha mẹ HS để thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn cho trẻ. Khi đưa, đón con, phụ huynh được giám sát bằng sự có mặt của Ban giám hiệu, các cô giáo và tất cả nhân viên bảo vệ”, cô Phạm Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Mầm non 20/10 cho biết.

“Chúng tôi quán triệt phải thực hiện nghiêm túc giờ đón và trả trẻ. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở GV trao trẻ tận tay gia đình, không trao trẻ cho người lạ, người ít tuổi và tuyệt đối không cho trẻ tự về nhà. Bảo vệ kiểm soát chặt chẽ khách ra vào làm việc, và đặc biệt trong giờ đón trả trẻ”, cô Lợi thông tin thêm.

Trường Tiểu học Him Lam, TP Điện Biên Phủ có 53 cán bộ, GV, nhân viên và 1.167 HS. Trong những năm qua, nhà trường quán triệt và thực hiện nghiêm túc kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho HS.

“Vào đầu năm học, chúng tôi đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ứng xử khi có tình huống xảy ra. Nhiều cuộc,  công an thành phố đến hướng dẫn cách phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Tuy không được chuyên nghiệp, song các thầy cô cũng phần nào có được kiến thức cần thiết để tự vệ và bảo vệ trẻ”, cô Đinh Thị Thanh Nhàn - Hiệu trường Trường Tiểu học Him Lam thông tin.

Việc bố trí nhân viên bảo vệ trường học ở mỗi nơi mỗi khác, song đó là nỗi khó khăn của ngành Giáo dục Điện Biên. Tùy vào nguồn kinh phí chi thường xuyên, nhà trường, địa phương có cách bố trí khác nhau. Nhiều địa phương, chỉ bố trí được 1 bảo vệ/trường học. Trong khi một vài trường có đến hơn 10 điểm bản lẻ, bảo vệ trường học chỉ thực hiện trông coi, quản lý tại điểm trường chính.

“Bảo đảm an toàn cho trẻ là cả vấn đề. Việc này không thể thoái thác hết cho các thầy cô và bảo vệ nhà trường được.  Vì mỗi buổi học có hàng trăm phụ huynh đổ dồn vào trường để đưa con đến lớp. Không thể biết  phụ huynh nào sẽ tấn công HS để phòng ngừa chứ nói gì đến can thiệp. Trong khi việc hành hung lại diễn ra trong thời gian rất nhanh chóng, đó là nỗi khó của thầy cô và nhà trường”, một phụ huynh tên Hưng (thành phố Điện Biên Phủ) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.