Phụ đạo học sinh yếu: Những lớp học duy trì bằng tình yêu

GD&TĐ - Nhiều giáo viên, bằng trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu học trò đã dồn hết tâm sức giúp học trò khuyết tật tiến bộ...

Cô Nguyễn Phượng Uyển Linh - Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội) luôn dành thời gian cho học sinh đặc biệt. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Phượng Uyển Linh - Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội) luôn dành thời gian cho học sinh đặc biệt. Ảnh: NVCC

Nhiều học sinh diện khuyết tật, khó khăn về học, rối loạn phổ tự kỷ… nhưng không được phụ huynh làm hồ sơ đi kèm nên vẫn phải đạt chuẩn kiến thức theo yêu cầu. Vậy nên, khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ, phần lớn trẻ không làm được, thậm chí có nguy cơ ở lại lớp.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên, bằng trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu học trò đã dồn hết tâm sức trên lớp, duy trì lớp học phụ đạo ngoài giờ với mong muốn giúp các em tiến bộ.

“Câu lạc bộ” đặc biệt

Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có một phòng học đặc biệt dành cho các em khối lớp 1 - 2 gặp khó khăn về học. Phòng được trang bị nhiều tranh ảnh, đồ dùng dạy học mang tính trực quan để hỗ trợ hoạt động dạy - học. Ngữ liệu điện tử cũng được giáo viên khai thác, sử dụng tại phòng này.

Vào giờ học tăng cường, những em chưa đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức như đọc chậm, không nhớ âm vần, tính toán chậm… sẽ học theo hướng phân hóa tại phòng học đặc biệt. Trung bình, mỗi tuần, những học sinh diện khuyết tật, khó khăn về học, rối loạn phổ tự kỷ… của khối lớp 1 - 2 có khoảng 2 buổi học tại đây.

Các em nhận được sự hỗ trợ, kèm cặp của giáo viên là tổ trưởng tổ chuyên môn cùng sự hướng dẫn thêm của giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, giáo viên nhận phụ đạo thêm sau giờ học, mỗi tuần từ 2 - 3 buổi, mỗi buổi khoảng 1 tiếng để nắm vững nội dung bài học.

Năm học 2023 - 2024, cô Phan Thị Hồng Trang - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/2, Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thường tranh thủ mỗi buổi học khoảng 15 - 20 phút giờ ra chơi để hướng dẫn thêm một học sinh trong lớp tập đọc.

“Đến 2/3 học kỳ I, em nào chưa nhớ hết âm vần, đánh vần chậm, nói nhỏ thì cô giáo sẽ hỗ trợ. Với em đọc ngọng, giáo viên phải mất thêm thời gian để rèn cách phát âm đúng. Cô giáo phải ‘bù đắp’ từng chút mỗi ngày chứ không thể bắt buộc em giờ ra chơi nào cũng ngồi học vì như thế sẽ không hiệu quả. Vừa kèm cặp, cô vừa động viên để em không cảm thấy mình quá khác so với các bạn khi giờ chơi bị ngắn lại”, cô Trang cho biết.

Nếu không có sự nhẫn nại, tình yêu thương của các thầy cô giáo Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) thì đường học của em T.B. chỉ dừng lại ở những năm học đầu tiên của cấp tiểu học. B. có 2 năm học lớp 1 mới đủ điều kiện lên lớp 2. Em cũng mất thêm 2 năm học lớp 2.

“Dù ở lại lớp nhưng vào năm học, em nhất định phải được ngồi với các bạn lớp cũ vừa lên lớp 3. Thế nên thời gian đầu của năm học, nhà trường phải để em theo lên lớp 3 ngồi học cùng các bạn để tránh sự kích động. “Quan điểm của nhà trường là làm sao để học sinh thấy thoải mái nhất, cùng đó, các thầy cô giáo sẽ thuyết phục, động viên dần dần để em có sự ổn định tâm lý”, thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Năm học 2020 - 2021, cô Nguyễn Thị Tường Vy là giáo viên chủ nhiệm khi B. học lớp 3. Kể về học trò, cô Vy nhớ lại: “Ngoài kèm thêm các môn văn hóa, tôi còn tạo nhóm học tập để các bạn cùng hỗ trợ cho B. thông qua các trò chơi. Giáo viên trao đổi thêm với phụ huynh để tạo điều kiện cho em tham gia hoạt động ngoại khóa cùng với lớp nhằm tăng tương tác với bạn”.

Sau một thời gian, T.B. tiến bộ dần, nhận thức tốt hơn, biết làm theo yêu cầu và đáp ứng được nội dung học tập. Sự kiên trì, tình yêu thương cũng như phương pháp dạy học phù hợp đã giúp B. có nhiều tiến bộ. Triệu chứng kích động của em giảm về tần suất và mức độ so với 2 năm học trước khá nhiều và đủ điều kiện lên lớp.

Những trường hợp như em T.B. của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu và nhiều học sinh trong “Câu lạc bộ đặc biệt” của Trường Tiểu học Ngô Gia Tự đều không có thẻ chứng nhận khuyết tật đi kèm trong hồ sơ.

Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết: Trong số 42 em khó khăn về học của trường, chỉ có 7 em có hồ sơ khuyết tật đi kèm. Những trường hợp còn lại, nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi với ý nghĩa để giáo viên biết và có những hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học như giảm yêu cầu ở mức phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh. Đây là sự linh động của nhà trường. Thế nhưng, vì không phải là học sinh khuyết tật nên khi kiểm tra đánh giá các em vẫn phải làm chung đề thi như các bạn bình thường.

Do đó, những lớp học phụ đạo cho học sinh gặp khó khăn về học, học sinh khuyết tật nhưng không có hồ sơ… đều được duy trì trên tinh thần tự nguyện của giáo viên. Thầy cô giáo, bằng trách nhiệm với nghề nghiệp và tình yêu học trò, đã dồn hết tâm sức ở trên lớp, duy trì lớp học phụ đạo miễn phí ngoài giờ với mong muốn duy nhất là thấy trò tiến bộ mỗi ngày.

phu-dao-hoc-sinh-yeu3-2393.jpg
Cô Nguyễn Thị Tường Vy - Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phụ đạo học sinh sau giờ dạy chính khóa.

Như con tằm nhả tơ

Ngày mới nhận lớp, cô Nguyễn Phượng Uyển Linh - Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội) đã chú ý cậu học trò tên Quang. Quang là học sinh khuyết tật có hồ sơ học hòa nhập và được đánh giá theo tiêu chí riêng biệt. Em khá rụt rè, dù cô giáo đã giới thiệu tên mình nhiều lần nhưng em vẫn không thể nhớ. Em thích tự làm theo ý mình, trong giờ học thường xuyên ra khỏi chỗ và đi tự do khắp lớp.

Cô Uyển Linh đã phối hợp với gia đình để tìm hiểu tính cách, sở thích cũng như hợp tác với bố mẹ Quang trong việc rèn nền nếp, giáo dục tính cách. Tranh thủ thời gian ra chơi, cô còn rèn thêm cho Quang cách đọc, viết và kỹ năng giao tiếp. “Giờ ra chơi, tôi đóng vai trò cô giáo và là bạn với Quang. “Tôi phát hiện em rất thích vẽ tranh. Thông qua các bức tranh, em viết lên cảm xúc, suy nghĩ, cảm nhận cuộc sống… Qua đó, tôi có thể hiểu thêm nội tâm, suy nghĩ và hỗ trợ em cách nêu suy nghĩ, mong muốn của mình”, cô Uyển Linh chia sẻ.

Còn cô Lê Thị Thu Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2, Trường Tiểu học Đoàn Kết thường đưa ra một số câu hỏi phù hợp với mức độ tiếp nhận của học sinh khó khăn về học. “Tôi động viên, khích lệ khi các em có câu trả lời tốt; những câu chưa tốt sẽ nêu thêm như một chia sẻ để giúp trò tự tin hơn. Đôi khi, tôi tạo ra những tình huống hoặc lấy ví dụ vui nhộn, gần gũi để giờ học thoải mái mà vẫn đạt hiệu quả cao”, cô Hà nói.

Trường Tiểu học PTDTBT Tiểu học Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) có 3 học sinh khuyết tật, trong đó hai em học lớp 5, một em học lớp 4. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Phạm Thị Xuân: Em bị khuyết tật vận động thì vẫn đánh giá kết quả học tập như học sinh bình thường. Riêng với 2 học sinh khuyết tật dạng chậm phát triển, nhà trường có cách đánh giá riêng, tuy nhiên vẫn đảm bảo các em hoàn thành chương trình ở mức cơ bản.

Nhà trường luôn cố gắng phát hiện điểm nổi bật của các em để bồi dưỡng. Theo cô Xuân, 3 học sinh đều thích học vẽ, có khiếu thẩm mỹ nên các em vẽ, làm thủ công rất tốt. “Do đó ngoài kiến thức, chúng tôi định hướng gia đình và các em học vẽ, làm thủ công để lên cấp học mới có thể bồi dưỡng sâu và định hướng nghề nghiệp”, nữ hiệu trưởng chia sẻ.

phu-dao-hoc-sinh-yeu1-1406.jpg
Cô Nguyễn Phượng Uyển Linh - Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội) bón cơm cho học sinh. Ảnh: NTCC

Trọn vẹn yêu thương

Bước vào năm học 2024 - 2025, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cùng giáo viên chủ nhiệm vừa trao đổi, tư vấn với phụ huynh có con học lớp 1 để cùng phối hợp với nhà trường trong hỗ trợ học tập. Học sinh này rất khó để ngồi yên một chỗ, hay đánh bạn…

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Phong, tình trạng tăng động, giảm tập trung là biểu hiện dễ nhận thấy đầu tiên của em. Thêm vào đó là những dấu hiệu vùng đệm, khả năng ghi nhớ của não vì em không nhớ được kiến thức trên lớp, từ nhận diện chữ cái, con số… Theo tìm hiểu, trước đây, gia đình đưa em đi khám và đang cho uống thuốc an thần để điều trị.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã tư vấn, phân tích để phụ huynh thấy được tình trạng; hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đi giám định định kỳ để làm thẻ chứng nhận khuyết tật. “Đây sẽ là căn cứ để nhà trường giảm yêu cầu kiến thức cần đạt trong các bài kiểm tra đánh giá cho học sinh. Em cũng được học các tiết can thiệp cá nhân phù hợp để hỗ trợ, phát triển kỹ năng khác”, thầy Phong phân tích.

Chỉ có khoảng 1/4 số học sinh khuyết tật của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có thẻ chứng nhận khuyết tật. “Chúng ta gọi chung là học sinh khuyết tật, nhưng các loạt tật và mức độ của các em không giống nhau. Có em khuyết tật dạng vận động, tự kỷ hoặc bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, còn gọi là học sinh có khó khăn về học. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng hợp tác với nhà trường trong việc triển khai phương án hỗ trợ. Phụ huynh không thừa nhận mà giáo viên không hỗ trợ thì học sinh sẽ thiệt thòi”, thầy Phong phân tích.

Cùng đó, dù dạy học sinh khuyết tật, khó khăn về học nhưng do trò không có hồ sơ nên nhà trường muốn chi trả phụ cấp cho giáo viên nhưng không có căn cứ nào để thanh toán. Vì vậy, các trường học có học sinh khuyết tật nhưng không có hồ sơ đi kèm đã làm đủ mọi cách để học sinh không bị thiệt thòi.

Vừa hỗ trợ học sinh cải thiện kết quả học tập bằng những buổi phụ đạo sau giờ học, vừa tư vấn cho phụ huynh để làm hồ sơ khuyết tật và đưa trẻ đi học các tiết can thiệp ở ngoài cải thiện tình trạng… Còn giáo viên đành chấp nhận thiệt thòi về chế độ.

Thầy Nguyễn Thái Phong cho biết: Trong hồ sơ làm thẻ người khuyết tật có 4 phiếu thì 3 mẫu phiếu đầu tiên do UBND phường, xã nơi học sinh cư trú thực hiện. Mẫu phiếu số 4 dùng để tham vấn đánh giá, do các trường học làm nhưng phiếu này “có cũng được, không cũng được”.

Vì vậy, nếu được, nên có sự thay đổi trong trình tự làm hồ sơ khuyết tật. Trong đó, phiếu số 4 nên đổi thành đề xuất của nhà trường để địa phương yêu cầu phụ huynh đưa con đi giám định nhằm có hỗ trợ chuyên môn phù hợp. Hiện nay, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chỉ có thể tư vấn chứ không có chế tài gì bắt buộc phụ huynh đưa đi khám khi phát hiện trẻ có biểu hiện không bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nguyễn Ngọc Hưng và cô giáo Nguyễn Thúy Hằng

Cô giáo, người thắp sáng niềm tin

GD&TĐ - Tình yêu thương, trách nhiệm của cô giáo đã giúp học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý, để vươn lên trong học tập và trong cuộc sống.