Phong tục đám cưới độc đáo của người Thổ Nhĩ Kỳ

GD&TĐ - Hè về báo hiệu mùa cưới bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đàn ông đang cầu hôn người phụ nữ cạnh Tháp Galata, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Shutterstocks
Người đàn ông đang cầu hôn người phụ nữ cạnh Tháp Galata, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Shutterstocks

Nhiều phong tục độc đáo để tổ chức một đám cưới truyền thống ở quốc gia này, với các nghi lễ quan trọng đã có từ nhiều thế kỷ như: Tiệc henna, mưa tiền, phong tục cắm cờ… mà thế giới bên ngoài vẫn còn lạ lẫm.

Khoảng tháng Tám đến tháng Chín là mùa cao điểm để tổ chức hôn lễ tại đây. Các hoạt động phục vụ lễ thành hôn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ từ nghìn đời nay vẫn được duy trì nguyên vẹn, mỗi hôn lễ có thể được diễn ra trong vài ngày liền, với rất nhiều công việc tất bật.

Đặc biệt tại khu vực nông thôn, lễ cưới truyền thống thường rất đông khách mời, chủ và khách cùng tuân theo các phong tục dân gian, dựa trên những đức tin từ cha ông truyền lại.

Chốt ngày cưới là quan trọng nhất

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, thời điểm cử hành hôn lễ của người Thổ Nhĩ Kỳ được lựa chọn là mùa hạ, quan niệm xưa cho rằng, tháng Tám và tháng Chín là khoảng thời gian tối ưu hơn nhất.

Tiệc cưới diễn ra lúc này là đặc biệt phù hợp, đó là khi cả nước được nghỉ lễ kép, kỳ lễ quan trọng của người Hồi giáo trên toàn thế giới: Lễ Ramadan Bayram, (hay Eid al-Fitr), và dịp lễ tiếp theo là: Eid al-Adha (hay Id-ul-Zuha), họ được nghỉ 3 ngày. Cả hai kỳ nghỉ đều diễn ra vào các tháng hè nên rất thuận lợi cho mọi người tổ chức đám cưới.

Tuy vậy, vẫn đang tồn tại những quan niệm mê tín từ xa xưa cho rằng không nên làm đám cưới vào thời gian xen kẽ giữa hai kỳ nghỉ lễ nói trên, theo họ đó là thời điểm Shawwal (tháng thứ Mười âm lịch của người Hồi giáo).

Tín ngưỡng này rõ ràng không liên quan gì tới tôn giáo và trên thực tế từ trước khi đạo Hồi xuất hiện, quan niệm này đã ăn sâu vào tiềm thức những người sống ở khu vực Trung Đông. Theo họ thì khoảng thời gian đó thật đáng ghét và nếu làm đám cưới vào dịp đó thì rất có thể dẫn đến những điều bất an cho gia chủ.

Thực tế, thì chính vị ngôn sứ Muhammad - một nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội và chính trị người Ả Rập và là người sáng lập ra Hồi giáo đã tổ chức lễ cầu hôn với người vợ mang tên Aisha vào tháng thứ 10 âm lịch của người Hồi giáo, và chính bà được cho là người đã truyền lại cho phái nữ thời điểm tổ chức cưới giống như bà.

Song chúng ta hãy cùng gác lại phía sau hai kỳ nghỉ lễ Hồi giáo Bayram và chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cưới hỏi đầy ắp công việc sẽ diễn ra vào vài tuần nữa. 

Đêm dạ tiệc henna truyền thống. Ảnh: Shutterstocks
Đêm dạ tiệc henna truyền thống. Ảnh: Shutterstocks

“Đêm vẽ hình henna” của người Thổ

Danh từ để gọi tên nghi lễ đặc biệt này trong tiếng Thổ là “kina gecesi”, đây là buổi dạ tiệc quan trọng trong nghi thức truyền thống của người dân nơi đây.

Lễ nghi này chỉ dành cho cô dâu cùng những vị khách nữ, nó diễn ra trong vòng một hoặc hai ngày trước đám cưới, các bà, các cô cùng nhau vẽ hình xăm lên các ngón tay, bàn tay, bàn chân.

Tại đây, cô dâu mặc một chiếc váy đỏ hoặc áo choàng đỏ có kiểu dáng rất đặc biệt với các đường nét hoa văn thêu bằng vàng, gợi nhớ tới một kiểu trang phục lâu đời “bindalli” của người Thổ - biểu tượng cho mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa mẹ và con gái.

Chiếc váy đỏ này phải do chính tay người phụ nữ đã lập gia đình, có cuộc sống hạnh phúc đứng ra cắt may rồi nhuộm sau đó dính đồng tiền lên, vẽ các họa tiết xung quanh – điều này thể hiện mong ước một cuộc sống đủ đầy sẽ tới với đôi uyên ương.

Một khi buổi dạ tiệc henna đã sẵn sàng thì cô dâu sẽ được bố trí ngồi trên một chiếc ghế đặt ở trung tâm, trên đầu phủ một chiếc mạng đỏ - theo quan niệm dân gian đây là màu sắc tượng trưng cho tình yêu và sự thuộc về nhau.

Phần lễ của buổi dạ tiệc được bắt đầu với việc những người phụ nữ luống tuổi dẫn theo các phụ nữ trẻ, trên tay cầm ngọn nến được đặt trong chiếc đĩa đồng và bước đi vòng quanh cô dâu, cùng lúc đó họ hát vang những bài hát đám cưới truyền thống.

Mục đích của nghi thức này là để lấy được nước mắt của cô dâu, giai điệu truyền thống có chút buồn mang tên “yüksek tepeler”, nội dung của nó nói về sự khát khao có mái ấm gia đình, có quê hương xứ sở. Khi nghe thấy cô dâu khóc, họ sẽ chính thức bắt đầu nghi lễ vẽ henna.

Theo quan niệm của người Thổ nếu cô gái nào tìm thấy đồng tiền trong đĩa đựng bột vẽ henna, được người ta cố ý để vào từ trước, thì người đó sắp nhận được lời cầu hôn. Sau tiệc henna sẽ là khoảng thời gian cho “các đêm henna” gần giống nghi thức ở Tây Âu, những người phụ nữ mang đồ ăn ra, họ cùng nhau nhảy múa, vui đùa với người dẫn chương trình và ăn mừng cho cô dâu chuẩn bị được làm lễ cầu hôn.

Thông qua nghi lễ truyền thống này người ta gửi gắm niềm tin rằng cặp đôi sẽ có tình yêu trường tồn và những điều bất hạnh sẽ bị đẩy ra xa. Những quan niệm lâu đời gắn chặt với nghi thức truyền thống tại vùng đất này đã tạo nên câu chuyện thú vị, giúp duy trì và phát triển kỳ nghỉ lễ Eid al-Adha mà henna chính là hiện thân của sự hy sinh – giá trị cốt lõi của nghi lễ.

Lễ cưới truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn ra vài ngày, đặc biệt tại các khu vực nông thôn. Ảnh: Getty images
Lễ cưới truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ có thể diễn ra vài ngày, đặc biệt tại các khu vực nông thôn. Ảnh: Getty images

Mưa tiền diễn ra khi nào?

Một trong các nghi thức được mong đợi nhất trong một đám cưới của người Thổ là lễ trang điểm bằng vàng, khi đó cô dâu và chú rể tiến gần đến chỗ bạn bè và gia đình, những người này sẽ kẹp đồng tiền vàng hay tờ tiền giấy vào chiếc khăn quàng trên vai của cặp đôi mới này. Trong bầu không khí náo nhiệt đó họ cùng nhảy múa, kèm theo có thể là ném tiền lên không trung. 

Bước chân đầu tiên

Thời gian gần đây tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện nhiều phong tục mới, hầu hết được du nhập từ nước ngoài, ví dụ chú rể không được phép nhìn cô dâu trong trang phục áo choàng trước khi cưới, họ cho rằng, điều này sẽ mang đến sự đen đủi.

Một trong những phong tục truyền thống và rất có ý nghĩa đã kéo dài đến tận ngày nay là: Sau nghi thức “I dos” thì cặp đôi mới cưới phải giẫm lên chân nhau. Theo quan niệm dân gian ai có bước chân đầu tiên thì người đó sẽ có vai trò quyết định trong cuộc sống gia đình sau này.  

Đôi giày sẽ nói lên tất cả

Cùng với nghi thức ném bó hoa thì trong các đám cưới người Thổ họ thường thực hiện một số trò vui, qua đó người ta mong điềm tốt sẽ sớm đến với các cô gái dự lễ - ước muốn các cô nhanh chóng lập gia đình.

Một trong những phong tục khá lạ đó là: Viết tên những khách nữ độc thân lên giày của cô dâu. Theo quan niệm truyền thống tên ai được xóa đầu tiên thì trong thời gian ngắn người đó sẽ sớm trở thành cô dâu.  

Cô dâu lấp lánh

Một truyền thống dân gian khác ở quốc gia này đó là cô dâu được quấn các sợi dây kim tuyến lấp lánh, phong tục này có tên “cô dâu đáng yêu”, sau đó đến lượt những người bạn nữ của cô dâu sẽ chọn ra sợi kim tuyến ngắn nhất, ai tìm được thì người đó sẽ sớm trở thành cô dâu tiếp theo.  

Vai trò của chú rể

Trong một đám cưới truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt ở khu vực nông thôn thường có các bữa tiệc được tổ chức riêng rẽ, chúng được phân chia theo ý nhà trai, nhà gái. Tại đó, đồ ăn truyền thống là món “keşkek” -  về cơ bản thành phần để chế biến món này được hầm từ gà với lúa mạch, được biết đây là món ăn không thể thiếu tại các nghi lễ đặc biệt của nước này.

Vào năm 2011, món ăn gắn liền với văn hóa lâu đời này của người Thổ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Cắm cờ

Chú rể là người phải tham gia vào nghi lễ “cắm cờ”, câu chuyện được diễn ra vào lúc hoàng hôn, chú rể, đồng thời cũng là nhân vật kích hoạt để tiệc cưới được bắt đầu. Theo truyền thống những vị khách mời nam sẽ cùng nhau làm lễ cầu nguyện vào lúc hoàng hôn, sau đó họ thực hiện cắm cờ vào vị trí cao nhất gần tổ ấm của đôi uyên ương.

Rất nhiều các sự kiện như thế diễn ra song song với nghi lễ âm nhạc “davul and zurna” – hai người đàn ông đánh trống, thổi kèn theo giai điệu truyền thống sôi động, khách dự tiệc cùng nhảy múa vui vẻ. Nhóm nhạc công có nhiệm vụ thu âm tại chỗ sau đó họ trộn các âm thanh của tiệc cưới với nhau.  

Cưỡi ngựa

Có lẽ quãng thời gian vui nhộn nhất trong một lễ cưới truyền thống của người Thổ Nhĩ Kỳ đó là khi cô dâu được đưa ra khỏi nhà gái để về nhà riêng của mình bằng tuấn mã, theo sau cô dâu là một đoàn người hộ tống, rộn ràng cờ hoa, đây được coi là một món quà của chú rể dâng tặng người vợ tương lai về nhà mới. Ngày nay, một số cặp đôi đã chuyển sang dùng ô tô thay cho ngựa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ