Phòng dịch mùa thi: Ngành Y tế chung tay vào cuộc

Phòng dịch mùa thi: Ngành Y tế chung tay vào cuộc

Bảo vệ những điểm y tế trọng yếu

Sáng ngày 5/8, tại cuộc họp giao ban định kỳ với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tình hình dịch lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình.

"Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch là "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài". Với ngành Y tế, chúng ta phải coi "mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu", quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, cần chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng. Ngay cả các địa phương chưa có dịch cũng phải chuẩn bị cho tình huống này.

Từ bài học của Đà Nẵng, quyền Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải phân định rõ về phòng chống dịch, cơ sở nào điều trị bệnh nhân dương tính, cơ sở nào sử dụng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân địa phương. Đồng thời phải lên kịch bản chi tiết, đầy đủ cho vấn đề nhân lực, đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu địa phương rà soát lại cơ sở vật chất kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phải rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn, yêu cầu khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm để có thể xét nghiệm diện rộng với các trường hợp nghi ngờ, nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh.

"Đừng để chỉ một bệnh nhân mà phải phong tỏa cả bệnh viện. Phải phân luồng phân tuyến thì lúc đó, chỉ có khu vực đó mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm", GS Long nói.

Ngoài ra, nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ những điểm yếu nhất trong cơ sở y tế như khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay trường hợp ung thư giai đoạn cuối...

"Phải coi đây là điểm cần được bảo vệ cốt tử, vì nếu dịch đánh đúng vào đó, số tử vong sẽ lớn. Tại những khoa này, có nhiều bệnh nhân đã phụ thuộc máy móc, sự sống rất mong manh. Nếu thêm Covid-19 thì họ không thể qua khỏi như 8 trường hợp ở Đà Nẵng".

Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh, nhóm nguy cơ trong bệnh viện bao gồm nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên phục vụ ở những khoa hô hấp, phòng khám, hồi sức tích cực và bệnh nhân ở các cơ sở y tế phải được sàng lọc, xét nghiệm.

Tỷ lệ người du lịch mắc bệnh thấp

Sở Y tế TP Hải Phòng và tỉnh Bình Định cho biết đã cử nhân viên y tế đến hỗ trợ Đà Nẵng. Cụ thể, ngành Y tế Hải Phòng cử 33 cán bộ y tế. Tỉnh Bình Định cử 25 nhân viên y tế tới Đà Nẵng. Thành phố Hải Phòng hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam mỗi địa phương 5 tỷ đồng và 200.000 khẩu trang y tế. 

Phát biểu về lý do ghi nhận một số trường hợp tử vong do Covid-19, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, cố vấn chuyên môn phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM, cho biết: "Những ổ dịch trước đó tại Việt Nam đều bùng phát và xuất hiện ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên lần này, ổ dịch xuất hiện ngay trong bệnh viện, ở những người có nhiều bệnh lý nền".

Bác sĩ Khanh nhận định, có thể nước ta sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong. Theo chuyên gia này, tỷ lệ người đi du lịch ở Đà Nẵng mắc Covid-19 thấp hơn nhiều so với người từng tới bệnh viện. Điều này cho thấy, người đi du lịch là nhóm có nguy cơ ít hơn. Do đó, trong thời gian chưa được xét nghiệm, những người từng tới Đà Nẵng du lịch cần tự cách ly, đeo khẩu trang.

Chia sẻ về một số ý kiến cho rằng, người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính vẫn có thể phát tán virus, bác sĩ Khanh khẳng định, đó là quan niệm sai lầm.

"Từ thời điểm âm tính trở về trước, người đó sẽ không phát tán virus, trừ trường hợp ủ bệnh lâu và tự khỏi. Nguồn lây quan trọng nhất là khi ở trong một nơi có quá nhiều ca mắc bệnh, như Bệnh viện Đà Nẵng. Trường hợp thứ hai là ở nơi đông đúc, chật chội trong không gian kín như đám cưới, siêu thị. Nếu đi ngoài đường, virus sẽ rất khó lây từ người này sang người khác", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Bảo đảm an toàn trong kỳ thi

Mới đây, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các địa phương về tăng cường phòng, chống dịch trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, Sở Y tế các địa phương được yêu cầu phối hợp với Sở GD&ĐT bố trí nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất và chỉ định các cơ sở y tế tham gia thực hiện công tác chuyên môn.

Trong đó, việc rà soát, phân loại học sinh tham dự kỳ thi và đảm bảo vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị cách ly y tế tạm thời tại các điểm thi là những nhiệm vụ hàng đầu. Ngoài ra, các điểm thi cần có kíp trực y tế để kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các trường hợp sốt, ho, khó thở. Trong thời gian thi, học sinh cần được theo dõi sức khỏe.

Trong trường hợp các tỉnh, thành phố tổ chức thi cho học sinh có tiếp xúc gần với ca bệnh, tất cả người tham gia tổ chức thi phải mặc trang phục bảo hộ theo quy định và triển khai biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo trong quá trình tổ chức thi.

Bên cạnh đó, học sinh và phụ huynh được khuyến khích chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe trước khi đến địa điểm thi. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần thông báo ngay tới ban tổ chức thi, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để được giải quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ