Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã tạo được những bước tiến đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là năng lực còn hạn chế của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, ngoài một số doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, thì đa số các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu công nghệ, hạn chế về trình độ quản trị, ý tưởng sáng tạo... Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng công tác nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vừa phân tán nguồn lực, vừa không hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, vai trò của doanh nghiệp đầu tàu là rất quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tàu nếu quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp sản phẩm cho chính mình sẽ kéo theo các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Nêu câu hỏi tại sao Chính phủ rất quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, thể hiện bằng việc đã có rất nhiều chính sách ưu đãi nhưng ngành vẫn phát triển không như kỳ vọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đó chính là hạn chế trong khâu triển khai thực hiện, mà nguyên nhân sâu xa chính là sự “xa cách” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định công nghiệp hỗ trợ chính là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là các ngành dệt may, da giầy, thời trang, ô tô, điện tử.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, các doanh nghiệp cần thống nhất quan điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ coi trọng thị trường trong nước nhưng phải hướng đến thị trường toàn cầu; doanh nghiệp giữ vai trò chủ thể, quyết định sự thành công của mục tiêu phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhà nước thay vì chỉ quản lý, kiểm soát, còn có vai trò phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát một cách kỹ lưỡng, tổng thể những cơ chế, chính sách hiện có, đề xuất các cơ chế mới để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.
Trong hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu cơ chế lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tạo ra những hạt nhân trong từng ngành công nghiệp hỗ trợ để “kéo” theo các doanh nghiệp khác.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ trước mắt là phải xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Trong đó, các ngành dệt may, da giày-túi xách, ô tô, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng đã khẳng định được vị thế, đóng góp lớn cho nền kinh tế, do đó cần có các chính sách ưu tiên phát triển hơn nữa.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phải gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, lấy mục tiêu của các doanh nghiệp thành mục tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị nghiên cứu khoa học.