Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển:Dân tộc mình tự quyết định vị thế của mình

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết: Trước những yêu cầu đặt ra, QH tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, giải quyết kịp thời những vấn đề quốc kế dân sinh. 

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiền.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiền.

Lần đầu tiên QH ban hành Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Đây được coi là kim chỉ nam cho hoạt động tài chính- ngân sách của cả giai đoạn, góp phần giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Thời gian qua, công tác xây dựng lập pháp tại cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân đã có những đổi mới toàn diện, đồng bộ, bám sát sự vận động của đời sống kinh tế- xã hội, góp phần làm cho các quyết định của QH luôn đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân. Đặc biệt quyết sách về tài chính- ngân sách tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm và giữ vững an ninh tài chính quốc gia. Phó Chủ tịch QH nhận định về vấn đề này như thế nào?

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Năm 2016 chúng ta đạt nhiều thành tựu khá tích cực. Dù tăng trưởng chưa đạt mục tiêu QH đề ra nhưng bắt đầu có xu hướng phục hồi.

Tăng trưởng kinh tế đạt 6,21% là mức tăng trưởng khá so với bối cảnh hiện nay. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu dự kiến; lãi suất, tỷ giá ổn định; tình hình lao động việc làm đạt kết quả tích cực...

Bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn phải nhìn nhận rằng, còn những tồn tại phải tính đến. Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khá, nhưng không đạt mục tiêu 6,7% QH đề ra. Chất lượng tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, tăng trưởng vẫn dựa vào chi tiêu Chính phủ và đầu tư nên chưa thực sự bền vững...

Trước những yêu cầu đặt ra, QH đã phải đổi mới, giải quyết ngay những vấn đề quốc kế dân sinh. Ngay tại kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV đã bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế- xã hội. 9-11 Nghị quyết thông qua tại kỳ họp này có liên quan đến các vấn đề về kinh tế.

Trong lĩnh vực tài chính- ngân sách, chúng ta xây dựng một kế hoạch 5 năm (2016-2020), trong đó đặt ra mục tiêu và định hướng cụ thể, tạo hành lang cho toàn bộ hoạt động tài chính, ngân sách cả giai đoạn.

Nhiều chỉ tiêu cụ thể, là định hướng cho kế hoạch tài chính trong 5 năm tới được QH nhất trí xác định, như: Bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi NSNN...

Năm 2017, với những vận hội, căn cứ pháp lý đã được xác định, nguồn lực được tính toán, tôi cho rằng sẽ là năm đột phá. Năm 2017 là năm Đinh Dậu, năm con gà sẽ báo hiệu cho mọi người về một tương lai tươi sáng.

Hay như chính sách về nợ công trong giai đoạn tới như thế nào cũng được xác định rõ để đảm bảo an toàn nợ công, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Tất cả các khoản vay nợ được xác định rõ, vay dài hạn, trung hạn như thế nào đều có "khung". Đây chính là "ngọn đèn pha" cho hoạt động tài chính - ngân sách trong giai đoạn tới.

QH đã nỗ lực rất lớn trong công tác xây dựng lập pháp nhưng vẫn còn tình trạng nợ chính sách. Chất vấn vừa qua của đại biểu QH cho thấy có những câu hỏi qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa được giải đáp. Thưa Phó Chủ tịch QH, trong thời gian tới QH cần có giải pháp nào để khắc phục triệt để tình trạng này?

Vấn đề này đặt ra cho thấy trách nhiệm của QH. QH có chức năng quan trọng đó là lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời thực hiện chức năng giám sát tối cao.

Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật đòi hỏi phải có một thời gian, không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, vẫn phải xây dựng hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện, trong đó luật phải đi vào cuộc sống, tránh luật khung, luật ống, luật khẩu hiệu.

Vừa qua do một số luật còn thiếu tính cụ thể, có nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, dẫn tới tình trạng luật ra đời phải chờ nghị định, nghị định lại chờ thông tư. Điều này phải thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, trong đó cũng có một phần trách nhiệm của QH.

Bên cạnh làm luật, các quyết sách quan trọng tại QH cũng cần phải kịp thời. Để không nợ chính sách, công tác giám sát của QH cũng hết sức quan trọng. QH phải giám sát để việc thực hiện pháp luật đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, giám sát phải gắn với trách nhiệm của những người thực thi, phải đi đến cùng của giám sát chứ không phải giám sát xong để đấy.

Phải quy định rõ thời gian xử lý, để kỳ họp sau QH quay trở lại xem những nghị quyết giám sát của mình được thực hiện đến đâu. Điều này thời gian qua, QH đã rất quyết liệt.

Bước vào kỳ họp thứ 2 của QH khóa mới này, không khí rất sôi động, quyết liệt. QH với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đi đến cùng sự việc, đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước trong giai đoạn tới, QH đã xác định "thực hành tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế". Trong bối cảnh nguồn thu còn khó khăn, phương châm này đã được Chính phủ, Bộ Tài chính quán triệt nhiều năm qua. Câu chuyện thí điểm khoán xe công của Bộ Tài chính là một ví dụ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lãng phí trong chi tiêu như xây dựng trụ sở công hoành tráng, hội nghị, tiếp khách, đi nước ngoài...

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài chính- ngân sách, Phó Chủ tịch QH có thể cho biết, QH sẽ siết chặt việc chi tiêu từ nguồn ngân sách ra sao để đảm bảo kỷ luật tài chính như Nghị quyết QH đề ra?

Tiết kiệm, chống lãng phí là yêu cầu quan trọng đặt ra trong thời gian tới. Đầu tiên chúng ta phải siết chặt kỷ luật tài chính. Tất cả những khoản chi tiêu phải đúng tiêu chuẩn, định mức và đảm bảo hiệu quả.

Những khoản chi nào còn gây lãng phí, không cần thiết thì phải xem xét. Ví dụ như xe công hay liên quan chi tiêu công, phải được tiêu chuẩn hóa, cấp nào được đi xe đã có quy định rõ, tuy nhiên thời gian tới, để tiết kiệm cho ngân sách, đối với một số chức danh, phải thực hiện khoán, thậm chí đưa vào lương.

Việc Bộ Tài chính đã thực hiện thí điểm khoán xe công (từ nhà đến cơ quan) đối với một số chức danh là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện cần có tổng kết, đánh giá để áp dụng thực hiện hiệu quả tới các bộ, ngành, địa phương.

Có thể cân nhắc, không chỉ thực hiện khoán từ nhà đến cơ quan, mà sẽ khoán tổng thể, cả đi làm và công tác. Chúng ta phải thực hiện cơ chế khoán kinh phí, khoán theo công việc, khoán đầu ra thì mới triệt để.

Quá trình này sẽ được thực hiện theo lộ trình. QH đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), với mục đích tất cả tài sản Nhà nước phải được quản lý, sử dụng hiệu quả.

Xin Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ dự báo nền kinh tế năm 2017 và đến năm 2020, quy mô, cơ cấu kinh tế Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào trên bản đồ thế giới?

Những khó khăn, thuận lợi và thách thức luôn đan xen nhau. Tuy nhiên, điều đáng mừng là xác định được định hướng, mục tiêu phát triển cho từng năm cũng như cả giai đoạn, phải như “con thuyền biết bến bờ ở đâu”. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào.

Chúng ta đã trải qua khó khăn, kinh nghiệm cũng đã có rồi. Năm 2016, mặc dù kinh tế chưa thực sự mỹ mãn, nhưng kết quả có thể nói khả quan.

Nếu như từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 6,5% trở lên liên tục, thì Việt Nam có điều kiện đạt được mục tiêu cơ cấu lại được nền kinh tế và thay đổi được mô hình tăng trưởng. Năm 2020, chúng ta cơ bản trở thành nước công nghiệp trung bình. Và bước vào năm 2021, chúng ta sẽ có một tâm thế mới.

Giúp mình chỉ do chính tay mình thôi! Dân tộc mình tự quyết định cho vị thế của mình, chứ không phải ai khác. Tất nhiên, phải dựa vào xu thế của thời đại giống như con thuyền phải đi theo dòng nước, có gặp khúc khuỷu, thác ghềnh cũng là đương nhiên, song sẽ vượt qua được. Tôi tin rằng, nếu chúng ta dám đối mặt, ắt sẽ thành công!

Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch QH!

Theo Hải Quan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ