Phí tác quyền âm nhạc: Đừng “đếm ghế” thu tiền!

GD&TĐ - Thu phí tác quyền âm nhạc ở quán cà phê hiện đang được đông đảo dư luận quan tâm. Với mục đích đứng ra bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã được thành lập. Tuy nhiên để thực thi tốt vấn đề này thì đó không phải là điều dễ dàng.

Phí tác quyền âm nhạc: Đừng “đếm ghế” thu tiền!

Mức thu có hợp lý?

Việc VCPMC đưa ra mức phí thu tác quyền âm nhạc với các nhà hàng, quán cà phê cụ thể như: Các cơ sở có từ 1 - 30 chỗ ngồi, nếu sử dụng nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình sẽ phải trả 2,5 triệu đồng/năm. Nếu sử dụng nhạc nền và nhạc sống sẽ phải trả 4,5 triệu đồng/năm. Với mỗi chỗ ngồi tăng thêm, cơ sở sẽ phải trả lần lượt là 70.000 đồng và 130.000 đồng/chỗ ngồi/năm đã khiến cho dư luận đưa ra những ý kiến nhiều chiều khác nhau.

Chủ một quán cà phê nhỏ tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: Hiện chị chỉ kinh doanh một quán cà phê nhỏ diện tích khoảng 60m2 tuy nhiên lượng khách của chị không đều vì ở ngay trong khu dân cư, thu nhập cũng chỉ thêm 10 triệu một tháng. Nếu chiếu theo mức mà Trung tâm VCPMC đưa ra thì quả thực là những người kinh doanh nhỏ như chị cảm thấy không thuyết phục. Chị đã đưa ra ý kiến của mình: Tôi không biết từ cơ sở nào mà VCPMC đề ra mức thu 70.000 đồng/chỗ ngồi/năm? Nếu như các chủ quan cà phê như tôi download những bài hát từ trên mạng Internet xuống rồi mở cho khách hàng thì tôi đã phải trả tiền cho nhà cung cấp rồi. Như vậy không thể thu thêm phí tác quyền của tôi.

Anh Ngọc Thanh, một chủ kinh doanh cà phê trong một hệ thống có tiếng tại Hà Nội cũng bày tỏ: Cá nhân tôi một người làm kinh doanh, hoàn toàn ủng hộ việc thu phí tác quyền âm nhạc. Song việc VCPMC thu phí tác quyền với quán cà phê thì theo tôi là chưa thuyết phục chút nào. Bởi lẽ các quán cà phê hiện nay đều bỏ tiền mua đĩa nhạc để đáp ứng nhu cầu nghe của khách. Rõ ràng khi bỏ tiền ra mua đĩa nhạc là chúng tôi đã gián tiếp trả phí tác quyền rồi. Chúng tôi có quyền mở các đĩa nhạc đó để phục vụ khách hàng của mình. Còn để công bằng trong vấn đề thu phí tác quyền VCPMC phải làm việc với chủ các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc.

Quan trọng là đúng luật

Trên thực tế nếu VCPMC muốn thu tác quyền tại các quán cà phê hay rộng ra là những nơi có sử dụng các sản phẩm âm nhạc được kinh doanh thì cần phải đưa ra đầy đủ các căn cứ của mình trước tiên. Vì đây là những hành lang pháp lý để họ có thể tiến hành bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ là hội viên của mình. Và tất nhiên điều quan trọng cần phải có sự thỏa thuận rõ ràng giữa các bên. VCPMC chỉ là đơn vị trung gian nên họ phải được các chủ sở hữu ủy quyền trong quá trình thực hiện thu phí.

Những ý kiến của các chủ quán cà phê rõ ràng đã chỉ ra các lỗ hổng của việc thu phí bản quyền âm nhạc quán cà phê của VCPMC. Trên thực tế, không phải 100% người sáng tác âm nhạc đã ủy quyền cho VCPMC thu phí tác quyền.

Cho dù con số mà nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra là khá ấn tượng: Gần 4.000 tác giả trong nước và hơn 60 tổ chức nước ngoài tương đương gần 6 triệu tác giả trên thế giới ủy quyền thu phí tác quyền cho VCPMC mà trung tâm này đưa ra cũng có những ý kiến phản bác. Vì họ cho rằng, nếu các tác giả không ủy quyền cho VCPMC thu phí thì trung tâm này không thể đòi tác quyền với các tác phẩm của các tác giả đó.

Để minh bạch và tăng tính thuyết phục trung tâm đại diện tác quyền cho các nhạc sĩ phải công khai đăng danh sách các hội viên là các nhạc sĩ ủy quyền cho họ thu phí thì mới khiến xã hội tin tưởng.

Trong Khoản 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi năm 2009 quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật”.

Việc thu phí tác quyền với những biểu giá rất cụ thể về mặt lý thuyết nhưng lại rất khó để thực thi. Bởi vì, khó có thể có thiết bị kỹ thuật nào để xác định các đơn vị trên nghe bao nhiêu bài hát cần phải thu phí tác quyền trong 1 năm cũng như đâu là bài hát đã được VCPMC bảo hộ?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ