Phát triển du lịch đồng quê tại Hải Phòng: Còn nhiều khó khăn

Phát triển du lịch đồng quê tại Hải Phòng: Còn nhiều khó khăn

Đa dạng loại hình du lịch

Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: Năm 2015, UBND thành phố Hải Phòng công nhận chương trình du khảo đồng quê Hải Phòng - Kiến An - An Lão - Tiên Lãng - Vĩnh Bảo với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Có thể kể đến đồi Thiên Văn, Đài Khí tượng thủy văn Phù Liễn (quận Kiến An); Khu di tích núi Voi (huyện An Lão); đền Gắm, chùa Thắng Phúc, đình Cựu Đôi, Khu du lịch sinh thái nước khoáng nóng Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng); Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, miếu Bảo Hà, múa rối nước Nhân Hòa (huyện Vĩnh Bảo).

Với một số xã của huyện đảo Cát Hải như Phù Long, Xuân Đám, Việt Hải,… du lịch đồng quê được thực hiện nhiều năm nay và đem lại kết quả khả quan. Với những điểm tham quan tại đây, du khách được “ba cùng”: Cùng ăn, cùng nghỉ, làm việc với người dân địa phương. Những dịch vụ ẩm thực thú vị cùng công việc nhà nông: Xay thóc, giã gạo, úp nơm bắt cá trở thành sản phẩm được khách du lịch nước ngoài yêu thích.

Theo ông Vũ Huy Thưởng, xã Việt Hải (huyện đảo Cát Hải) làm rất tốt du lịch đồng quê. Cả xã có 50 hộ, trong đó có 12 - 15 hộ dân làm du lịch chuyên nghiệp, còn vào cao điểm có hơn một nửa số dân của xã tham gia. Tại Việt Hải hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch đồng quê phát triển như: Không gian dấu tích làng cổ, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông khá thuận tiện, môi trường du lịch nhân văn với những người dân thân thiện.

Nắm bắt thị hiếu, nhiều chủ trang trại, nông trại ở ngoại thành Hải Phòng đã nhạy bén mở hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có mô hình trồng hoa phong lan của anh Nguyễn Văn Hùng (xã Hồng Thái, huyện An Dương), Trung tâm trải nghiệm sáng tạo Hai Bà Trưng (phường An Dũng, quận Dương Kinh).

Nhận diện khó khăn

Sự phát triển của mô hình du lịch đồng quê góp phần làm thay đổi diện mạo làng quê và đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này ở Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn.

Là một trong những điểm du lịch đồng quê nổi tiếng của huyện Vĩnh Bảo, du khách đến với Nhân Hòa được đắm mình với màn biểu diễn rối nước, tái hiện lại những nét văn hóa dân gian đặc sắc để thêm hiểu, thêm cảm và yêu giá trị tinh thần của cha ông để lại. Nghệ nhân Trần Văn Rụng - Trưởng phường rối nước Nhân Hoà chia sẻ: Cái khó của rối nước Nhân Hòa là ít khán giả, thu nhập từ nghề còn thấp nên với các nghệ nhân nơi đây, biểu diễn rối nước là để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống còn công việc chính vẫn là làm ruộng.

Ông Trần Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Nhân Hòa cho hay: 3 tháng đầu năm, Nhân Hòa đón 12 tour du lịch với 150 khách quốc tế, 30 khách nội địa. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến với Nhân Hòa thấp hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến nay, múa rối nước Nhân Hòa đã được công nhận là loại hình văn hóa phi vật thể. Chính quyền địa phương, các nghệ nhân và nhân dân trong xã mong muốn được Nhà nước đầu tư, phát triển để múa rối nước Nhân Hòa xứng tầm với giá trị văn hóa vốn có của nó.

Một trong những nguyên nhân khiến những tour du lịch đồng quê ở Hải Phòng chưa hấp dẫn được nhiều du khách là sản phẩm du lịch chưa đa dạng, di tích lịch sử xuống cấp, thiếu hệ thống cơ sở dịch vụ, lưu trú. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch địa phương còn thiếu, hạn chế. Quy mô các điểm du lịch nhỏ, lẻ, manh mún không đáp ứng được lượng lớn khách du lịch. Tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, khung cảnh làng quê không còn giữ được vẻ đẹp vốn có. Một số nghề thủ công như: Tạc tượng Bảo Hà (Vĩnh Bảo), dệt chiếu cói làng Lật Dương (Tiên Lãng) dần mai một do đầu ra khó khăn. Nhiều làng nghề không đủ điều kiện về hạ tầng và vệ sinh môi trường để thành điểm du lịch đồng quê như làng nghề bán đa Kinh Giao (huyện An Dương).

Ngoài ra, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, địa phương. Thành phố Hải Phòng cũng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch đồng quê.

Hải Phòng hiện có 55% dân số nông thôn, diện tích đất phục vụ phát triển kinh tế nông thôn chiếm khoảng 34% tổng diện tích đất sử dụng trên địa bàn thành phố. Thành phố có 31 làng nghề đang duy trì và phát triển, trong đó có 17 làng nghề truyền thống, 14 làng nghề mới thuộc 25 xã, phường, thị trấn, tập trung vào các nghề: Mây tre đan, đồ mộc dân dụng, điêu khắc, sơn mài, cơ khí… Chương trình nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo làng quê, kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội được đầu tư đồng bộ thuận lợi cho việc tiếp cận điểm đến, tạo điều kiện gắn kết với phát triển du lịch.

Tin tiêu điểm

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

Thế giới
GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...