Phạt học sinh có đáng để làm to chuyện?

GD&TĐ - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội phát tán bức ảnh một nam sinh bị giáo viên chủ nhiệm phạt phải ngồi học dưới nền nhà ở cuối lớp vì quên đeo khăn quàng đỏ trong khi những học sinh cùng lớp vẫn ngồi học bình thường trên bàn. Sự việc khiến nhiều phụ huynh và dư luận rất bức xúc.

Ảnh minh họa, theo Trường Trung Cấp Nghề Nhân Đạo
Ảnh minh họa, theo Trường Trung Cấp Nghề Nhân Đạo

Theo ông Tạ Hồng Lựu, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Thanh Hóa, xác nhận sự việc xảy ra ở Trường THCS Minh Khai hôm thứ 2, trong tiết học sau buổi chào cờ đầu tuần (ngày 18/12).

Theo ông Lựu, trong buổi chào cờ, một nam học sinh lớp 6G không có khăn quàng đỏ. Khi Đội cờ đỏ chấm thì lớp này bị trừ điểm thi đua. “Cô giáo chủ nhiệm còn yêu cầu em này để 10 khăn quàng đỏ bỏ trong tủ lớp để khi nào quên thì có mà dùng, bởi em này hay quên. Sau đó, cô có phạt em ngồi xuống cuối lớp” - ông Lựu thông tin.

Cũng theo ông Lựu, khi xảy ra sự việc không ai chụp lại được cảnh đó. Gia đình học sinh sau khi biết chuyện bức xúc nên đến trường dựng lại cảnh này để chụp ảnh. Khi gia đình phản ánh, cô giáo đã nhận sai và đến nhà xin lỗi. Nhà trường cũng đã yêu cầu cô giáo làm bản kiểm điểm và họp hội đồng phê bình.

Vụ việc trên, nhiều ý kiến dư luận thể hiện sự bức xúc và cho rằng việc giáo viên xử phạt như vậy là quá đáng, phản giáo dục. Tuy nhiên, cũng cần phải có cái nhìn khách quan và chia xẻ cho giáo viên chủ nhiệm đối với sự việc trên.

Trong trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm thật đáng trách, bởi vì đã yêu cầu em học sinh này mua 10 khăn quàng đỏ bỏ trong tủ lớp để khi nào quên thì có mà dùng, sau đó cô có phạt em ngồi xuống cuối lớp, đây là hình phạt có phần gây phản cảm. Nhưng đáng trách hơn, đó là việc gia đình học sinh tìm đến trường dựng lại cảnh này để chụp ảnh rồi tung lên mạng làm to chuyện. Bởi dù sao đó chỉ là hình ảnh “dựng lại” như kiểu đóng phim, dựng cảnh.

Việc phạt học sinh là để các em đi vào nền nếp, có ý thức vì tập thể, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của nhà trường và lớp học đặt ra.

Việc phạt học sinh như thế nào để vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa mang tính giáo dục thì đó là một việc không hề dễ dàng đối với các giáo viên; xử phạt học sinh sao cho vừa thích đáng, vừa nâng cao ý thức của các em trong việc thực hiện nghiêm ý thức kỷ luật thì nó là cả một nghệ thuật, phù hợp với tính cách và hoàn cảnh của các em.

Nói một câu khách quan, việc xử phạt học sinh của giáo viên suy cho cùng là muốn tốt cho các em, muốn các em có ý thức kỷ luật... trong tương lai các em sẽ hình thành nên tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Như vậy, việc phạt học sinh của giáo viên chính là tốt cho các em, chứ không phải vì mục đích làm hại các em. Nhưng việc gia đình học sinh vì bức xúc mà dựng lại cảnh để chụp hình và gây áp lực đối với giáo viên và nhà trường là việc không nên làm. Cách làm đó sẽ làm cho em học sinh bị phạt cảm thấy tự ti, xấu hổ với bạn bè trong lớp, trong trường.

Đáng lẽ ra, khi biết sự việc nêu trên, gia đình gặp gỡ giáo viên để góp ý riêng, giúp giáo viên rút kinh nghiệm là hay nhất, vừa không ồn ào, vừa giữ được thể diện cho giáo viên và học sinh. Đây mới chính là cách đóng góp, xây dựng cho giáo dục chứ không nên làm tổn thương hình ảnh của thầy cô như sự việc nêu trên.

Khi tôi còn là học sinh thì việc giáo viên phạt tôi hay chứng kiến giáo viên phạt các bạn trong lớp còn khắc nghiệt hơn nhiều so với sự việc nêu trên.

Chỉ cần viết bài chậm, nói chuyện trong lớp, quên mang vở, sách đi học,… là có thể bị giáo viên lôi ra đánh đòn đến bầm tay, bầm mông; bắt quỳ trước lớp; úp mặt vào tường, phạt chép hàng trăm lần câu văn, câu thơ, hạ hạnh kiểm…Nhưng tôi không bao giờ mách với cha mẹ, chấp hành nghiêm túc và chẳng bao giờ trách giáo viên có hình phạt đối với mình, bởi vì tôi hiểu việc phạt là đúng, giúp cho tôi trưởng thành hơn.

Và thật lòng mà nói, tôi cảm thấy cảm ơn giáo viên vì điều đó, bởi những hình phạt đó đã cho tôi nhận ra những sai lầm, khuyết điểm, tìm cách khắc phục và trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Nói như vậy không phải cổ súy cho những hình phạt phản tác dụng của giáo viên đối với học sinh, nhưng nói ra là để phụ huynh và học sinh cùng chia sẽ với giáo viên về những hình phạt, tuy có vẻ hơi cứng nhắc và có phần phản cảm, nhưng suy cho cùng việc phạt học sinh chính là cách để giúp học sinh trở nên chăm học, có kỷ luật với cá nhân và tập thể để tương lai sẽ trở thành người con hiếu thảo, công dân có ích cho xã hội.

Bảo vệ con chính là bản năng của cha mẹ, nhưng bảo vệ con như thế nào để vừa giáo dục con, vừa để con nhận biết các sai lầm và khắc phục – Đó là việc không phải cha mẹ nào cũng làm được chuẩn xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.