Ngày 19/4, Trung tá Hà Văn Trường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Thuận, BĐBP tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đơn vị và các lực lượng chức năng vừa phát hiện một vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước đó, vào lúc 22h ngày 18/4/2024, lực lượng Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu chủ trì, phối hợp với Đội công tác Biên phòng Hồ Cốc, Đồn Biên phòng Phước Thuận, Công an và dân quân xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Khi đến khu vực Khoảnh 8, tiểu khu 27 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, lực lượng chức năng phát hiện một số đối tượng đang vận chuyển lâm sản trái phép bằng xe ba gác máy. Khi thấy lực lượng chức năng, các đối tượng đã bỏ trốn và bỏ lại xe ba gác máy.
Một số tang vật các đối tượng bỏ lại khi bị lực lượng chức năng phát hiện trong đêm ngày 18/4/2024. |
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 02 xe ba gác máy, 01 cưa máy, 09 lóng gỗ Sến, mỗi lóng dài khoảng 2,5m, đường kính khoảng 40cm (09 lóng gỗ trên được chở trên 02 xe ba gác).
Đến sáng 19/4, Đồn Biên phòng Phước Thuận phối hợp với Hạt kiểm lâm Xuyên Mộc và Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu tiến hành kiểm tra khu vực nghi các đối tượng khai thác gỗ trái phép. Qua kiểm tra lực lượng chức năng ghi nhận tại hiện trường các đối tượng đã cắt 05 cây Sến (còn 03 lóng Sến và 05 ngọn Sến chưa được đưa ra khỏi khu vực).
Theo Trung tá Hà Văn Trường, khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu với diện tích tự nhiên hơn 10.537 ha, trải dài trên địa phận 5 xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Xuyên Mộc, Phước Bửu.
Đây là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Với ưu thế rừng cây họ Dầu là nơi cư trú cho các loài sinh vật, đặc biệt là các loài quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu được xếp vào “Kiểu thực vật rừng kín, nửa rụng lá ẩm nhiệt đới”. Đa dạng về thành phần thực vật, gồm 750 loài thuộc 123 họ, trong đó có 732 loài đã được định danh, với nhiều loài quý hiếm như: Cẩm lai Bà Rịa, Gõ đỏ, Gõ mật, Giáng hương, Bình linh nghệ, Sến, Dầu cát..., riêng loài Dầu cát (Dipterocarpus costatus) được coi là loài cây đặc hữu của Khu bảo tồn.
Hiện, lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.