Phát hiện lỗ đen dị biệt

GD&TĐ - Các nhà khoa học phát hiện một lỗ đen mà cấu tạo của nó hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả các thuyết liên quan đến các vật thể khác thường trong vũ trụ.

Phát hiện lỗ đen dị biệt

Lỗ đen là một trong những đối tượng bí ẩn nhất trong vũ trụ và không có gì là ngạc nhiên khi chúng nằm ở trung tâm chú ý của các nghiên cứu thiên văn.

Phát hiện gây sốc nói trên của NASA liên quan đến lỗ đen tại trung tâm thiên hà xoắn NGC 3147, ở cách Trái đất 130 triệu năm ánh sáng. Đó là một vật thể có khối lượng lớn hơn khối lượng Mặt trời 250 triệu lần.

Lỗ đen này có cấu tạo trái ngược hoàn toàn với dự đoán của các thuyết thiên văn. Lý do là nó có đĩa bồi tụ vật chất (accretion disk) rất mỏng; mà theo các thuyết hiện nay thì đĩa bồi tụ như thế không thể tồn tại.

Lỗ đen trong thiên hà NGC 3147 thuộc về nhóm lỗ đen “suy dinh dưỡng”, tức là những lỗ đen không có đủ vật chất trong khu vực lân cận để tạo thành đĩa bồi tụ dày dặn.

Theo các thuyết hiện nay, xung quanh các lỗ đen “suy dinh dưỡng”, khí và vật chất tạo thành hình giống chiếc bánh rán doughnut.

Các nhà khoa học đặt câu hỏi, tại sao xung quanh lỗ đen “suy dinh dưỡng” như vậy (lỗ đen trong thiên hà NGC 3147) lại có đĩa bồi tụ phẳng mà không phải là “bánh rán”.

Ông Stefano Bianchi – chuyên gia của NASA, cho biết: “Đĩa bồi tụ mà chúng ta nhìn thấy giống như phiên bản của quasar (chuẩn tinh). Chúng tôi không nghĩ là đĩa bồi tụ như vậy có thể tồn tại. Rõ ràng, các mô hình mô tả động lực học của các loại khí trong các thiên hà ít hoạt động là không đúng”.

Điều đáng nói là đĩa bồi tụ xung quanh lỗ đen NGC 3147 ở trong trường hấp dẫn mạnh đến mức biến đổi ánh sáng do các khí phát ra. Đối với các nhà khoa học, đây là cơ hội hiếm có để khảo sát các quá trình diễn ra gần lỗ đen.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ