Việc bí thư huyện bị tố o ép doanh nghiệp: Sẽ khởi kiện UBND huyện Đại Từ

Việc bí thư huyện bị tố o ép doanh nghiệp: Sẽ khởi kiện UBND huyện Đại Từ

Ban hành quyết định trái pháp luật?

Theo đơn tố cáo của bà Châu Thị Mỹ Linh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Phước (gọi tắt là Công ty Yên Phước), UBND huyện Đại Từ đã ban hành các quyết định thanh, kiểm tra trái luật.

Cụ thể, ngày 3/7, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Phạm Quang Anh đã ký Quyết định số 3678/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác, tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển, tập kết than khoáng sản trên địa bàn xã Phú Cường. Tổ công tác liên ngành gồm: Quản lý thị trường, Tài nguyên Môi trường, Thuế, Kinh tế hạ tầng, CSGT, Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma tuý…

Phía doanh nghiệp cho rằng, Quyết định trên chỉ thanh tra trên địa bàn xã Phú Cường - nơi hoạt động của Công ty Yên Phước, mà không kiểm tra các xã khác thực chất là nhằm gây khó dễ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Mục đích để buộc công ty phải giao quyền khai thác, vận chuyển cho bà Đàm Hương Huệ - người được Bí thư huyện Đại Từ là ông Lê Kim Phúc giới thiệu.

Ngoài ra, theo Khoản 1, Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: "Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó, nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước. 

Không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Không sớm hơn 7 ngày kể từ ngày ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã". Tuy nhiên, Quyết định số 3678/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 không thể hiện ngày có hiệu lực và ngày kết thúc.

Sau khi ra Quyết định 3678, ngày 7/7/2020, UBND huyện Đại Từ tiếp tục ban hành Quyết định số 3699/QĐ-UBND về kiện toàn tổ công tác thực hiện kiểm tra việc vận chuyển, tập kết hàng hóa than, khoáng sản trên địa bàn xã Phú Cường. Tổ công tác gồm 40 người thuộc các phòng, ban như Cảnh sát giao thông, Công an, Thuế… Quá trình kiểm tra, tổ công tác đòi thu giữ hóa đơn hàng hóa của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đồng ý do lo ngại khi xe vận chuyển hàng hóa đi nơi khác nếu không đem theo hóa đơn sẽ bị bắt về tội vận chuyển hàng lậu.

Đơn tố cáo của Công ty Yên Phước cho rằng, doanh nghiệp không nhận được bất cứ thông tin nào về việc UBND huyện Đại Từ thực hiện công vụ theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh. Điều này trái với quy định tại Khoản 3, Điều 17, Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 4/1/2016 của Bộ Công an về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.

Khoản 3 ghi rõ: "Công an cấp huyện; bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của Giám đốc Công an cấp tỉnh. Phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh".

Đã gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an

Trả lời Báo Giáo dục & Thời đại, bà Châu Thị Mỹ Linh cho biết đã gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng và Bộ Công an. Phía cơ quan chức năng cũng hướng dẫn bà thực hiện thêm một số bước đúng với thủ tục, quy trình về đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, bà sẽ tiến hành khởi kiện hành chính đối với Quyết định số 3678/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 và Quyết định số 3699/QĐ-UBND ngày 7/72020 của UBND huyện Đại Từ.

Bà Châu Thị Mỹ Linh cho rằng, ông Lê Kim Phúc đích thân giới thiệu bà Đàm Hương Huệ cho Công ty Yên Phước để dành quyền khai thác, vận chuyển than với giá quá cao. Khi doanh nghiệp không chịu nổi, từ chối thì liên tiếp gặp cản trở từ phía chính quyền. Doanh nghiệp của bà muốn yên ổn làm ăn. Nhưng chính quyền huyện Đại Từ đã ép Công ty Yên Phước đến kiệt cùng và đứng trước nguy cơ phá sản. Vì vậy, công ty phải chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời tố giác các dấu hiệu vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm tại huyện Đại Từ.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, trước sự việc trên, Công ty Yên Phước có 2 lựa chọn. Khiếu nại về quyết định hành chính gửi đến nơi ban hành quyết định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khởi kiện quyết định hành chính ra toà án nhân dân. 

Trường hợp toà án kết luận quyết định hành chính của UBND là sai thì Công ty Yên Phước đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính đó gây ra. Tuy nhiên, nếu đơn khởi kiện có nội dung trái sai trái thì bên bị khởi kiện có quyền phản tố ngay tại tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Báo Giáo dục & Thời đại đã liên lạc với ông Lê Kim Phúc, Bí thư huyện Đại Từ để lấy ý kiến về sự việc trên. Ông Phúc cho biết sẽ cung cấp thông tin chính thức cho Báo Giáo dục & Thời đại, đồng thời cho rằng, mọi chuyện đúng, sai sẽ do cơ quan chức năng trả lời sau khi thanh, kiểm tra.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.