Sở GD&ĐT Thanh Hóa: Có “lợi ích nhóm” trong việc quản lý, sử dụng trăm tỉ đồng ?

GD&TĐ - Bà Phạm Thị Hằng- Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã xin tạm nghỉ việc để làm việc với cơ quan chức năng liên quan đến trách nhiệm khi làm Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa

Điều tra, xác minh của GD&TĐ cho thấy, trong giai đoạn bà Phạm Thị Hằng làm Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa (từ năm 2012 cho đến tháng 11/2020) đã có  hàng trăm tỉ đồng vốn ngân sách cho các dự án giáo dục tại Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Việc sử dụng minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, không để thất thoát, lãng phí, “lợi ích nhóm” nguồn vốn đầu tư khổng lồ cho giáo dục ở Thanh Hóa là vấn đề được bạn đọc đặc biệt quan tâm, gửi phản ánh đến Báo GD&TĐ.

Dự án lớn và trách nhiệm của lãnh đạo đứng đầu sở

Xác định rõ tầm quan trọng của việc đầu tư cho hoạt động giáo dục, những năm gần đây, UBND tỉnh Thanh Hóa dành nguồn ngân sách rất lớn (hàng trăm tỉ đồng) cho giáo dục.

Nhờ đó, năm 2019 ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa gây ấn tượng khi mà có tới 03 huy chương vàng, 01 huy chương bạc tại các kỳ thi Olympic Quốc tế và 01 huy chương đồng tại kỳ thi Olympic khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. 

Tại Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa, tỉnh Thanh Hóa có 65 học sinh đạt giải, trong đó có 7 giải nhất (xếp thứ 2 cả nước về số lượng học sinh đạt giải nhất)… Đó là thành tích không thể phủ nhận của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập được UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, mời thầu. 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa ( bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc sở; Các ông: Trần Văn Hòa, Lê Văn Hoa, Hoàng Văn Thi - Phó Giám đốc sở) phải chịu trách nhiệm trước  pháp luật, trước UBND tỉnh Thanh Hóa, trước người dân sở tại về việc quản lý hiệu quả, tiết kiệm, đúng pháp luật, không làm thất thoát vốn đầu tư trong quá trình quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho giáo dục.

Việc triển khai thực hiện dự án phải thông qua công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Hoạt động này phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu trung thực, có đủ năng lực thực hiện dự án, tiết kiệm được vốn đầu tư ngân sách thông qua đấu thầu. Vậy vấn đề này đã được thực hiện như thế nào tại Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa?

Tài liệu bạn đọc phản ánh đến GD&TĐ cho thấy, đầu tháng 4/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa tại QĐ số  1331/QĐ-UBND phê duyệt, đã cho thực hiện dự án Thí điểm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học tại các trường học thuộc ngành GD&ĐT Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư trên 59,3 tỉ đồng, vốn từ nguồn tăng cường cơ sở vật chất thực hiện đề án xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ tỉnh thông minh trong dự toán ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2019 và 2020.

Dự án được giao cho Sở GD&ĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư, tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Điều tra của GD&TĐ cho thấy, dự án này được chia làm 9 gói thầu. Trong đó gói thầu số 08 về việc xây lắp; cung cấp, lắp đặt thiết bị; cung cấp, cài đặt phần mềm quản lý điều hành, quản lý thư viện điện tử và đào tạo chuyển giao công nghệ được Sở GD&ĐT Thanh Hóa xây dựng giá dự toán là 55.902.600.000 đồng, giá gói thầu là 54.924.800.000 đồng.

Ngày 25/11/2019 sau khi đấu thầu “công khai, minh bạch”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký QĐ số 2096/QĐ-SGDĐT quyết định Cty cổ phần truyền thông số 1 trúng thầu 55.078.147.000 đồng. Giá trúng thầu này cao hơn giá gói thầu (nằm trong giá dự toán cho phép).

Trước khi ký quyết định lựa chọn nhà thầu trên, ngày 12/11/2019, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký văn bản cho biết chỉ có duy nhất Cty cổ phần truyền thông số 1 có hồ sơ đạt.

Xác minh cũng cho thấy, trong tháng 4/ 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có QĐ 1126/QĐ-UBND đồng ý cho ngành giáo dục Thanh Hóa thực hiện kế hoạch mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường THPT phấn đấu đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18,2 tỉ đồng, vốn sự nghiệp giáo dục, Sở GD&ĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư, mời thầu.

Qua tài liệu bạn đọc cung cấp, được biết gói thầu mua sắm (thuộc dự án trên) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu là 18.203.184.000 đồng. Kỳ lạ là, sau đấu thầu “công khai, minh bạch”, ngày 20/6/2019 bà Phạm Thị Hằng- Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký QĐ 713/QĐ - SGDĐT cho liên danh Cty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa - Cty cổ phần đầu tư Hoàng Đạo (số 51 Đại lộ Lê Lợi, TP. Thanh Hóa) trúng thầu với giá 18.129.968.000 đồng.

Như vậy, ở gói thầu hơn 18 tỉ đồng này, sau đấu thầu, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa chỉ tiết giảm được cho vốn đầu tư khoảng 74 triệu đồng.

Có  “nhóm lợi ích” ?

“Việc thực hiện dự án thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ tuyệt đối quy định của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các văn bản quy định pháp luật khác có liên quan.

Nếu hoạt động này diễn ra không minh bạch, chí công, vô tư thì sẽ phản tác dụng, vốn đầu tư ngân sách sẽ không được giảm là bao, nhóm lợi ích sẽ hưởng lợi”- Một chuyên gia pháp luật về đấu thầu nêu quan điểm.

Xác minh của GD&TĐ thì được biết, Cty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa, Cty cổ phần đầu tư Hoàng Đạo mới đây cũng được lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa (tại QĐ số 267/QĐ-SGDĐT, ngày 16/4/2020) ký QĐ trúng thầu gói thầu mua sắm (thuộc dự án mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa) với giá trị gói thầu 32.666.616.000 đồng.

Tháng 3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho phép Sở GD&ĐT Thanh Hóa thực hiện kế hoạch mua sắm thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp và thiết bị đồ dùng khu ở nội trú cho các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn năm 2020 với dự toán đầu tư trên 13,5 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương và vốn đối ứng giáo dục vùng núi, vùng DTTS, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều tra cho thấy gói thầu số 2 (gói thầu mua sắm, thuộc dự án trên) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu là 11.160.351.000 đồng. Ngày 8/4/2020, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ký QĐ số 251/QĐ-SGDĐT QĐ cho Cty TNHH thiết bị giáo dục Hoa Nam trúng thầu với giá 11.160.351.000  đồng (mua sắm trực tiếp). Như vậy, không có một đồng vốn đầu tư nào được giảm giá ở gói thầu hơn 11 tỉ đồng này.

 Tài liệu bạn đọc cung cấp cũng cho thấy, tại dự án mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đồ chơi dạy học cho các trường mầm non, trường THCS của các xã đăng ký đạt chuẩn quốc gia thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, dự toán hơn 8 tỉ đồng, Sở GD&ĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư cũng tương tự.

Tại gói thầu số 01 về việc mua sắm thiết bị đồ dùng học tập và đồ chơi cho học sinh 30 Trường Mầm non năm 2020 (thuộc dự án trên) được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mới thầu là  3.263.340.000  đồng. Cty TNHH thiết bị giáo dục Nam Hoa trúng thầu với giá 3.263.340.000 đồng. Không có một đồng nào vốn đầu tư được lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa tiết kiệm ở gói thầu hơn 3,2 tỉ đồng này (mua sắm trực tiếp, bằng đúng giá gói thầu).

Cũng thuộc dự án trên, ở gói thầu số 02 về việc mua sắm thiết bị đồ dùng học tập cho học sinh 31 Trường THCS năm 2020 được Sở GD&ĐT Thanh Hóa mời thầu 4.710.636.000  đồng.

Ngày 4/5/2020, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa ký QĐ số 314/QĐ-SGDĐT cho nhà thầu quen thuộc là Cty cổ phần Sách và thiết bị trường học Thanh Hóa trúng thầu với giá 4.710.636.000  đồng (mua sắm trực tiếp, bằng đúng giá gói thầu).

(Còn nữa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.