Lãnh đạo VIETRANS lập hợp đồng “ma” rút tiền nhà nước

GD&TĐ - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu – Công an TP Hà Nội đã vào cuộc làm rõ các sai phạm liên quan đến việc lãnh đạo VIETRANS ký khống nhiều hợp đồng dịch vụ chiếm đoạt tiền nhà nước.

Trụ sở của công ty VIETRANS.
Trụ sở của công ty VIETRANS.

Lập khống hàng loạt hợp đồng để chiếm đoạt tiền Nhà nước?

Đầu tháng 10/2020, Báo GD&TĐ nhận được phản ánh của ông Bùi Văn Nam đang công tác tại Công ty Cổ phần Giao nhận Kho vận Ngoại thương (gọi tắt là VIETRANS - doanh nghiệp có 99,4646% vốn Nhà nước hiện do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) quản lý) về hàng loạt sai phạm của ông Nguyễn Văn Khánh - Tổng Giám đốc VIETRANS trong công tác tài chính cũng như công tác tổ chức cán bộ.

Theo phản ánh của ông Nam, trong công tác tài chính ông Khánh đã lập hàng loạt hợp đồng dịch vụ khống với mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng đối với mỗi hợp đồng, nhằm mục đích giải ngân tiền của công ty để chiếm đoạt cá nhân.

Cụ thể, các hợp đồng được ông Khánh lập ra với hầu hết là hợp đồng dịch vụ xác định thời hạn, khoảng hơn 2 tháng đối với mỗi hợp đồng. Người lao động sau khi ký hợp đồng này sẽ được ông Khánh phân công làm việc tại Phòng Kinh doanh Xây dựng của VIETRANS;

Theo đó, chức vụ, cương vị mà người lao động đảm nhận chủ yếu là công nhân, thợ xây, thợ nề… Thời gian tối thiểu làm việc là 8 giờ/ngày - 40 giờ/tuần. Người lao động trong các hợp đồng này đến từ nhiều địa phương khác nhau.

Công văn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị SCIC nghiêm túc thực hiện nội dung đơn tố cáo.
Công văn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị SCIC nghiêm túc thực hiện nội dung đơn tố cáo.

Tại bản hợp đồng này, người lao động sẽ được hưởng mức lương trọn gói từ 7-9 triệu đồng, bao gồm tất cả các loại phí như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân… và các loại phí phát sinh khác.

Đáng lưu ý là khi được ký hợp đồng, người lao động còn được cấp phát những vật dụng cần thiết để làm việc như: Văn phòng phẩm, tài liệu… phù hợp với nhu cầu công việc. Ngoài ra, người lao động cũng được trang bị bảo hộ khi làm việc gồm: Được cấp phát văn phòng hàng năm (nếu công ty có nguồn) và các trang bị bảo hộ khác khi cần thiết… Hợp đồng dịch vụ này được lập thành hai bản: VIETRANS giữ 1 bản và người lao động giữ 1 bản.

Không chỉ lập khống hợp đồng, ông Khánh còn chỉ đạo lập khống các tờ khai đăng kí thuế thu nhập cá nhân, sơ yếu lý lịch, bản cam kết… của những người có tên trong hợp đồng!

Qúa trình xác minh, điều tra nội dung ông Nam phản ánh, PV Báo GD&TĐ đã gặp gỡ hàng loạt “lao động” tại nhiều địa phương có tên trong những bản hợp đồng “ma” do ông Khánh ký. Với những chứng cứ đó thì việc ông Khánh lợi dụng chức vụ quyền hạn để rút ruột tiền nhà nước là hoàn toàn có cơ sở.

Cần phải xử lý nghiêm

Trong một diễn biến khác, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn chỉ đạo sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của công dân về sai phạm của người đại diện phần vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần giao nhận kho vận ngoại thương (VIETRANS).

Chánh Thanh tra Bộ Công thương đã có văn bản trả lời người tố cáo.
Chánh Thanh tra Bộ Công thương đã có văn bản trả lời người tố cáo.

Nội dung công văn chỉ đạo của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp số 1881/UBQLV-PCKS do Vụ trưởng vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ Đặng Thu Thủy ký nêu rõ: SCIC phải nghiêm túc triển khai, xem xét, xử lý đơn tố cáo theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Công thương sau khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về sai phạm của lãnh đạo VIETRANS đã có công văn số 814/TTB-P5 do ông Lê Việt Long – chánh Thanh tra Bộ ký, gửi đến Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước xem xét, xử lý đồng thời báo cáo về Thanh tra Bộ. Căn cứ vào đó cơ quan thanh tra sẽ tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Báo GD&TĐ đã chuyển công văn và các hồ sơ tài liệu chứng cứ, các bản ghi âm, ghi hình mà PV đã xác minh với những người có tên trong hợp đồng đến Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (PC03) – Công an TP Hà Nội để đề nghị làm rõ.

Được biết, PC03 – Công an Hà Nội đang tiến hành xác minh, mời những người có liên quan lên làm việc để làm rõ các cá nhân có dấu hiệu rút ruột tiền nhà nước tư túi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ