Kỳ án buôn lậu gỗ trắc

GD&TĐ - Dù đang trong quá trình điều tra, truy tố nhưng vật chứng bị đem bán đấu giá đột ngột với giá rẻ bất ngờ. Nhân chứng được cho là quan trọng của vụ án bỗng tự tử một cách khó hiểu. Tòa sơ thẩm TP Đà Nẵng đã phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần thứ 4. ĐBQH tỉnh Quảng Trị dự phiên tòa và có công văn kiến nghị Trung ương... Tất cả làm nên một kỳ án.

Toàn cảnh phiên tòa gây nhiều tranh cãi, tháng 8/2018
Toàn cảnh phiên tòa gây nhiều tranh cãi, tháng 8/2018

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Ông Trương Huy Liệu (SN 1958), trú tại Lao Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng, hồi tưởng về những sự kiện chấn động đời mình. Ông kể, ngày 30/12/2011, khi lô gỗ trắc chở từ Quảng Trị vào Đà Nẵng đang được chuẩn bị xếp lên tàu để xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc) thì đột nhiên Tổng cục Hải quan (TCHQ) phát công văn hỏa tốc chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ) bắt giữ khám xét, sau đó khởi tố.

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, ngày 6/12/2012, chính cơ quan CSĐT - Bộ Công an lại có văn bản gửi TCHQ khẳng định rằng công ty không buôn lậu lô gỗ trắc này.

Vụ án đang được điều tra truy tố, chưa đình chỉ mà ngày 31/7/2013, Cục CSĐT - Bộ Công an ban hành “quyết định xử lý vật chứng”, bán đấu giá lô hàng nhưng lại không thông báo cho Công ty Ngọc Hưng và các bị cáo biết. Lý do phải bán đấu giá là do hàng hóa mau hỏng trong khi đó thì gỗ trắc không thuộc danh mục này theo quy định của Nhà nước. Mặt khác, số tiền bán đấu giá theo hồ sơ là 63 tỷ đồng nhưng theo lời khai của bị cáo Liệu, lô hàng này có giá hơn 300 tỷ đồng khi so sánh với giá bán tham khảo từ Trung tâm Đấu giá tỉnh Quảng Trị với gỗ cùng chủng loại vào cùng thời điểm.

Ngay trong văn bản về việc đề nghị cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của TCHQ cũng xác định lô hàng này ước tính hơn 100 tỷ đồng. Người chủ trương việc này là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục CSND theo đề xuất của Đại tá Lê Đình Nhường, nguyên Cục trưởng CSĐT (C.44, sau này là Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội vừa bị miễn nhiệm). Hai người này đã không tuân thủ quy định pháp luật, không theo quyết định của liên ngành tư pháp như chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, đã bán vật chứng khi vụ án chưa kết thúc.

Ông Trương Huy Liệu tại phiên tòa năm 2018
  • Ông Trương Huy Liệu tại phiên tòa năm 2018

Di thư tuyệt mệnh

Phiên tòa sơ thẩm đã vắng mặt một người đáng ra phải có, đó là anh Trần Đình Quang (SN 1986), trú tại TT Lao Bảo, Hướng Hóa (Quảng Trị), nhân viên Công ty Ngọc Hưng, anh cả của một gia đình gồm năm anh em. Nhưng anh đã chết một cách oan khiên và đầy nghi vấn.

Anh Quang là cháu họ của bà Trần Thị Dung (SN 1961), Giám đốc Công ty Ngọc Hưng, thường được giao công việc lên cửa khẩu Lao Bảo mở tờ khai hải quan nhập khẩu gỗ. Sau khi vụ án này xảy ra, ông Liệu bị bắt tạm giam thì anh Quang cũng liên tục được Cục CSĐT (Bộ Công an) mời ra Hà Nội phục vụ công tác điều tra, bắt đầu từ ngày 22/4/2013. Ngày 25/4/2013, anh Quang có đơn kêu cứu gửi VKSNDTC, Cục trưởng Cục CSĐT (Bộ Công an), đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị và ngày sau 26/4/2013 có đơn gửi Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh kêu cứu vì cho rằng mình bị điều tra viên ép cung.

Nhưng đến ngày 22/5/2013, một tai họa bất ngờ đã xảy ra. Mọi người phát hiện anh đã treo cổ tự vẫn, để lại 4 bức di thư cho gia đình và người yêu sắp cưới. Thư tuyệt mệnh có đoạn viết: “Gửi ba mẹ thân yêu của con! Con xin lỗi ba mẹ nghìn lần vì đã làm vậy. Con thật may mắn khi được sinh ra là con của ba mẹ. Những người cha mẹ vĩ đại nhất cuộc đời này. Cha mẹ nuôi con từ nhỏ đến giờ mà con chưa một ngày đền ơn đáp nghĩa cho ba mẹ, con thật bất hiếu. Nếu có kiếp sau, con xin được làm con của cha mẹ để phụng dưỡng ba mẹ… Còn bé hãy đi theo nghiệp giáo viên đừng bỏ dạy nhé để giúp đỡ thêm cho cuộc sống của cha mẹ và lo cho các em. Cố gắng để mắt nhiều đến thằng em…”.

Vì trong di thư của Trần Đình Quang để lại có nội dung: Ngày 20/5/2013 cơ quan điều tra gọi Quang đến làm việc để giải quyết về khiếu nại của Quang về việc bị ép cung và tại buổi làm việc này, Quang cũng bị ép cung như hai lần lấy lời khai vào ngày 22 và 23/4/2013. Tại phiên tòa, bị cáo Dung khai có nhìn thấy cán bộ điều tra đánh đập Quang.

Một điều bất thường là chính cơ quan điều tra, truy tố đã căn cứ vào biên bản hỏi cung (mà lại là bản sao) một nhân chứng chết một cách bí hiểm như Trần Đình Quang để buộc tội bà Trần Thị Dung chỉ đạo làm giả hồ sơ buôn lậu gỗ trắc. Trong khi chính nhân chứng này trước khi chết một cách bất ngờ đã để lại di thư và đơn kêu cứu, kêu oan.

Vĩ thanh

Ngày 23/8/2018 TAND TP Đà Nẵng đã tuyên cả hai vợ chồng ông Trương Huy Liệu đều phạm tội buôn lậu hơn 21 mét khối gỗ giáng hương trị giá 470 triệu đồng chở cùng lô gỗ trắc nói trên với lý do là không khai khi làm thủ tục XNK với hải quan. Ông Liệu bị tuyên phát tù 1 năm 16 ngày (đúng bằng thời hạn tạm giam) và được trả tự do ngay tại tòa, bà Trần Thị Dung bị tuyên phạt 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Do xét thấy lô gỗ trắc còn lại không phải là hàng lậu nên HĐXX cũng tuyên hoàn trả cho Công ty Ngọc Hưng số tiền bán đấu giá lô hàng này hơn 62,6 tỷ đồng; các công chức hải quan đều bị kết án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Đỗ Xuân Thành (Quảng Trị) 9 tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng (Đà Nẵng) 6 tháng tù treo. Tất cả các bị cáo đều kháng cáo bản án sơ thẩm và chờ đợi bản án phúc thẩm.

Các bị cáo và cả dư luận rất bức xúc về bản án này, tựu trung là vẫn không hề thỏa mãn. Họ chỉ đồng tình cao với kiến nghị cuối bản án của HĐXX. Đoạn này nêu rõ: “Kiến nghị Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, chỉ đạo tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật về việc ép cung, nhục hình với anh Trần Đình Quang. Kiến nghị Bộ Công an xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc làm thất lạc biên bản lời khai ngày 20/3/2013 của anh Trần Đình Quang. Kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc khu thu giữ lô hàng (lô gỗ) của Công ty Ngọc Hưng không lập biên bản thu giữ vật chứng vụ án theo quy định của pháp luật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.