Điều tra bổ sung vụ “dâm ô trẻ em” tại chung cư Galaxy 9 - quận 4, TPHCM: Nhiều ý kiến trái chiều

GD&TĐ - Cơ quan CSĐT Công an Q.4 TPHCM vừa có kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” liên quan đến bị can Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng). Xung quanh kết luận này, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Nguyễn Hữu Linh ôm hôn bé gái trong thang máy chung cư. Ảnh cắt từ clip
Ông Nguyễn Hữu Linh ôm hôn bé gái trong thang máy chung cư. Ảnh cắt từ clip

Theo đó, ngày 22/7, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM đã có Kết luận giám định bổ sung số 1215/KLGĐ-TT, trong đó nêu: Không đủ cơ sở kết luận bàn tay trái của Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước thân người của cháu bé hay không. Nguyên nhân do hình ảnh khuất khỏi tầm quan sát camera. Đối với các giám định còn lại do Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM thực hiện trước đó để Công an Q.4 làm căn cứ xác định hành vi đều chính xác, khách quan…

Cần có giải thích thuyết phục dư luận

Xung quanh kết luận của cơ quan chức năng, TS Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TPHCM nhận thấy, kết luận này đang khiến dư luận rất quan tâm và hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, không có chứng cứ phạm tội, chưa đủ cơ sở kết tội ông Linh và ông Linh không phạm tội là một tin tốt. Có nhóm ý kiến khác cho rằng, hành vi của ông Linh như vậy là quấy rối tình dục nếu không xử lý nghiêm, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

“Những người đang làm công tác bảo vệ an toàn cho trẻ em, có mong muốn lớn nhất là pháp luật phải nghiêm minh. Chúng tôi chia sẻ giúp cha mẹ biết cách bảo vệ con, các con biết cách tự bảo vệ mình, nhưng kẻ xấu phải bị trừng phạt thích đáng mới có tác dụng răn đe, giúp ngăn ngừa được nguy cơ trẻ bị xâm hại”, TS Thuý nêu quan điểm.

Dưới góc độ là nhà tham vấn, TS Phạm Thị Thúy cho rằng, các cơ quan chức năng nên làm rõ kết luận giám định đó của cơ quan điều tra để trả lời cho dư luận. Nếu là kết luận chính xác thì phải chứng minh một cách thuyết phục. Nếu không thuyết phục được cộng đồng thì sẽ tạo làn sóng rất xấu trong dư luận và sự coi thường pháp luật. Họ sẽ cho rằng, pháp luật không đủ nghiêm, bao che người từng có địa vị. Và mọi chuyện sẽ theo chiều hướng xấu tương tự việc phạt 200.000 đồng với hành vi quấy rối tình dục trong thang máy ở Hà Nội thời gian qua.

Đủ cơ sở khẳng định ông Linh phạm tội

Theo Luật sư Trần Hồng Phong - Đoàn Luật sư TPHCM, kết quả giám định về cử động tay trái của bị cáo Nguyễn Hữu Linh trong thang máy, thời khắc ông ta ôm và sàm sỡ bé gái, không phải là yếu tố quyết định đến việc tòa án kết luận ông ta có phạm tội hay không. Theo luật, hoàn toàn không có câu chữ nào nói rằng kẻ thực hiện hành vi phải đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm về sinh lý trên cơ thể nạn nhân thì mới xác định là phạm tội dâm ô. Điều luật chỉ nêu “có hành vi dâm ô không nhằm mục đích giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác”.

“Ở đây, ông Linh hoàn toàn không quen biết, lại khác về giới tính, mà có hành động cố ý cưỡng ép, hôn hít cháu bé, dù cháu đã giãy giụa không đồng ý. Hành động đó của ông Linh rõ ràng là có chủ ý, nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng về giới tính và thực tế đã xâm hại, đụng chạm đến cơ thể cháu bé. Như vậy, theo tôi hoàn toàn đã có đủ cơ sở để xác định đó là hành vi phạm tội theo luật.

Vả chăng nếu chúng ta chỉ căn cứ vào kết quả giám định bổ sung một cách máy móc, thì hóa ra hành vi ôm cháu bé của ông Linh một cách cố ý và tới 2 lần không có ý nghĩa chứng minh là dâm ô bằng cử động của tay trái hay sao? Hoặc hãy thử đặt lại câu hỏi sau: Quy định nào trong điều luật nói rằng phải đụng chạm cụ thể vào một bộ phận nào trên cơ thể nạn nhân thì mới xác định là dâm ô?”, Luật sư Phong nêu quan điểm.

Cũng theo Luật sư Phong, để đánh giá khách quan và toàn diện bản chất hành vi của ông Linh, cần đặt trong bối cảnh xuyên suốt, liên tục, kết hợp với yếu tố điều kiện vắng vẻ trong thang máy, nạn nhân là cháu nhỏ không có khả năng kháng cự và sự hiểu biết về giới tính, sẽ thấy rất rõ sự xấu xa, dâm đãng của ông Linh. Không thể nào chỉ căn cứ vào mấy giây “không rõ” để kết luận cho cả một quá trình.

Kết quả giám định chỉ nêu rằng “không đủ cơ sở xác định bàn tay trái ông Nguyễn Hữu Linh chạm vào cơ thể bé gái”, điều này hoàn toàn không có nghĩa là khẳng định không có đụng chạm. Trong quá trình nhận định và đánh giá hành vi của ông Linh, các cơ quan tiến hành tố tụng cần đặt mình vào vị trí bảo vệ người yếu thế, bảo vệ trẻ em và so sánh tương quan giữa hai bên, sẽ thấy rõ hơn bản chất của hành vi. Đó chính là hành vi “dâm ô”.

Còn Luật sư Phạm Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng, trong vụ án này, nếu tòa án thấy chưa đủ chứng cứ để chứng minh hành vi dâm ô của ông Linh thì căn cứ Điều 280 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân để điều tra bổ sung. Theo đó, cơ quan điều tra, truy tố phải chứng minh những dấu hiệu để cấu thành tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

“Chúng tôi cũng lưu ý rằng, hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng cần xem xét kỹ đối với hành vi này bởi tội này cấu thành hình thức, nghĩa là không căn cứ vào hậu quả và những tổn hại của nạn nhân từ hành vi dâm ô gây ra mà chỉ xem xét về hành vi vi phạm của người thực hiện tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự”, Luật sư Phạm Thị Thu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.