Phản hồi của bạn đọc trước hoang tin trên Facebook Đỗ Việt Khoa

Phản hồi của bạn đọc trước hoang tin trên Facebook Đỗ Việt Khoa
(GD&TĐ) - Trước thông tin trên Facebook Đỗ Việt Khoa về việc học sinh trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) và tỉnh Bắc Giang phải cam kết “không quay clip” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài ra trường này thu 520 ngàn đồng/học sinh để “hỗ trợ thi tốt nghiệp” và sau khi bài báo "hoang tin trên Facebook Đỗ Việt Khoa" được đăng tải trên Báo GD&TĐ, Ban biên tập đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc về sự việc này. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự bất bình trước "hoang tin" trên.
Nguyễn Việt Hải (Phú Thọ): Mất niềm tin
Em là học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở Phú Thọ. Chúng em đang chuẩn bị kỹ càng kiến thức để bước vào kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần và cũng chuẩn bị tâm lý cho một kỳ thi đại học sắp tới. Tuy nhiên, chúng em hết sức hoang mang khi facebook thầy Đỗ Việt Khoa đưa ra thông tin ở Bắc Giang bắt thí sinh ký cam kết không quay clip.
Sau đó, ngày 27/5, em đọc báo Giáo dục & Thời đại mới biết những thông tin mà thầy Khoa cung cấp trên mạng không đúng sự thật.
Với cách đưa thông tin hoàn toàn chủ quan, không kiểm chứng như trên khiến chúng em thật sự hoang mang. Thầy Khoa là người nổi tiếng chống tiêu cực, gian lận trong thi cử. Vì vậy thông tin thầy đưa ra dễ dàng được chúng em tin cậy. Như vậy lẽ ra, trước khi đưa tin thầy cần có kiểm chứng. 

Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội): Có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự

Trường THPT Dân lập Đồi Ngô
Trường THPT Dân lập Đồi Ngô
Việc ông Khoa đưa những thông tin không có thực, gây ảnh hưởng đến dư luận xấu của địa phương, hành vi này có dấu hiệu của Tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” theo Điều 226 (BLHS). Điều luật này quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;
c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;
d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
LS Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Có thể xử phạt hành vi hoang tin đến 20 triệu đồng
Theo tôi, về góc độ pháp lý, phát ngôn của thầy Khoa về trường THPT Đồi Ngô cũng như các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trên Facebook có thể có dấu hiệu vi phạm hành chính. Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm:
1. Lợi dụng Internet nhằm mục đích:
c) Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân;
Hành vi này nếu thỏa mãn các dấu hiệu của chủ thể, mặt khách quan của hành vi, thiệt hại gây ra cho xã hội, tổ chức, cá nhân thì cũng có thể bị Xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP.
Trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này chỉ đặt ra đối với chủ  thể thực hiện hành vi, phát ngôn, đăng thông tin trên Internet. Các cá nhân cung cấp sai, không đầy đủ, không chính xác thông tin cho Thầy Khoa không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không vi phạm. Ngoài ra, Điều 122 Bộ luật hình sự cũng quy định về Tội vu khống: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Tuy nhiên là tội phạm có cấu thành vật chất, do vậy đòi hỏi phải phát sinh hậu quả là gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và người phạm tội phải “biết rõ” thông tin là bịa đặt nhưng vẫn đăng tin. Đối chiếu với các thông tin trên báo chí và Facebook của Thầy Khoa thì hành vi khó thỏa mãn tội danh này.
Việc có xử phạt hành chính hay không, mức độ xử phạt thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ quan chức năng xác định: Động cơ của hành vi đưa thông tin lên trang Facebook cá nhân và hậu quả đối với xã hội, tổ chức và cá nhân gây ra bởi hành vi này (bao gồm hậu quả trực tiếp và gián tiếp).
BTV (tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ