Phải có cơ chế giám sát hậu chất vấn đại biểu Quốc hội

Phải có cơ chế giám sát hậu chất vấn đại biểu Quốc hội

(GD&TĐ)-Chiều 28/5, tại phiên thảo luận tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hôi, trước tiên phải đổi mới các khâu trong cả hệ thống.

Các đại biểu cho rằng:
Các đại biểu cho rằng: muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hôi, trước tiên phải đổi mới các khâu trong cả hệ thống.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, điều mà đại biểu Quốc hội cũng như cử tri quan tâm là hậu chất vấn. Do đó, việc đổi mới hoạt động Quốc hội cũng phải tạo cơ chế đảm bảo thông tin về việc thực hiện lời hứa sau khi trả lời chất vấn.

“Việc cung cấp thông tin không phải chỉ là giám sát Chính phủ và thành viên Chính phủ mà còn là kênh thông tin tuyên truyền để người dân, cử tri hiểu và đồng thuận với điều hành của Chính phủ”, đại biểu nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An), cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của mặt trận các tỉnh trong tiếp xúc cử tri, các tổng hợp báo cáo kiến nghị của cử tri cần đồng bộ, tránh sự lệch pha. Cùng với đó là trách nhiệm tham gia của chính quyền các cấp, các ngành về tiếp thu kiến nghị và xử lý vấn đề được kiến nghị tại địa bàn.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc tiếp dân, xử lý đơn thư kiến nghị của công dân phải làm thường xuyên, nếu không sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng đề xuất tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, bảo đảm để đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Gắn nội dung tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; bảo đảm để đại biểu Quốc hội trực tiếp gặp gỡ với cử tri; hạn chế thủ tục hành chính; Tăng cường tiếp xúc trực tiếp; phân định trách nhiệm giải quyết kiến nghị của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức; thông báo công khai, kịp thời kết quả tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Có kế hoạch theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị và thông báo kết quả giải quyết đến cử tri, bảo đảm để mọi kiến nghị của cử tri dù được giải quyết hay chưa được giải quyết đều được trả lời công khai, đúng thời hạn luật định.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần phải nâng cao các điều kiện đảm bảo hoạt động của Quốc hội, đại biểu và đoàn đại biểu. Có ý kiến đề xuất đại biểu chuyên trách nên có ít nhất một thư ký giúp việc

Đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh, cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ trì, thẩm tra các dự án luật. Bởi lẽ, thời gian qua, công tác soạn thảo và thẩm tra còn hạn chế, nhiều dự án luật chậm trễ, chuẩn bị chưa thực sự tốt nên khi đưa ra Quốc hội, chất lượng chưa cao.

Đại biểu cho biết, ngay tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 lần này, báo cáo giải trình tiếp thu sửa đổi dự án luật Luật Công đoàn gửi đến đại biểu chậm, không đảm bảo thời gian nghiên cứu. Hay như dự án Luật GDDH, đến mùng 8/5 mới gửi đại biểu, trong khi ngày 21/5 là khai mạc kỳ họp nên khó nhóm họp để nghiên cứu, đề xuất ý kiến.

Liên quan đến các báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến về các dự án luật, đại biểu Phạm Văn Tấn cho rằng, khi ủy ban của Quốc hội gửi báo cáo đến các đoàn đại biểu, đại biểu cần gửi kèm thống kê các ý kiến để các đại biểu biết ý kiến nào được tiếp thu sửa đổi, ý kiến nào chưa, hay đã được tiếp thu nhưng không giải trình.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến cho rằng, các Ủy ban của Quốc hội phải tích cực, chủ động, thường xuyên giám sát chuyên đề. Các ủy ban phải thành “chành công xưởng thực sự của Quốc hội, chế tác ra những sản phẩm mà Quốc hội chỉ cần láp ráp”.

Về giám sát lập pháp, đại biểu nhấn mạnh, ban soạn thảo cần đảm bảo thời gian cung cấp tài liệu để các Ủy ban thẩm tra. “Có những dự án luật quá hạn cả tháng mà cơ quan soạn thảo chưa trình ra. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của việc chậm trễ này”, đại biểu nêu ý kiến.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết, hầu hết các dự án luật đều do cơ quan của Chính phủ trình Quốc hội. do đó, để nâng cao chất lượng, trước hết phải điều chỉnh ở Chính phủ.

“Cần tránh tâm lý cứ đưa vào chương trình các dự án luật, còn tiến độ và chất lượng tính sau. Quốc hội phải cương quyết trong vấn đề này, và cần bổ sung trách nhiệm của Chính phủ khi không thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về xây dựng dự án luật, pháp lệnh”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy lấy ví dụ, việc thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là yêu cầu bức thiết của thực tế hiện nay, vì 70% các vụ khiếu kiện thuộc lĩnh vực này. Nhưng vì nhiều lý do, dự án luật này lại kỳ họp sau.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, Quốc hội cần quyết tâm sớm đưa luật sửa đổi này vào thực tiễn, và phải xác định, việc lùi việc thông qua lần này là lần cuối cùng.

Đại biểu này cho biết, một số đề án thiết tha đề nghị đưa vào chương trình nhưng sau đó lại xin rút ra. Hay sau khi chương trình được thông qua, việc thành lập các ban soạn thảo ở các tổ chậm, cơ cấu ban soạn thảo cũng chưa thật sự hợp lý nên ảnh hưởng đến chất lượng của dự án luật, đề án trình Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP Hồ Chí Minh), trên thực tế, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định khi tham gia xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Quốc hội phải “nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi  điều chỉnh của văn bản; những quan điểm, chính sách cơ bản, nội dung chính của văn bản; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc soạn thảo văn bản; báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản; thời gian dự kiến đề nghị Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua” (khoản 1, Điều 23).

Tại khoản 2, Điều 24 Luật quy định “trước khi gửi đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức đại biểu Quốc hội phải gửi đề nghị, kiến nghị của mình đến Chính phủ để Chính phủ có ý kiến”.

Như vậy có thể thấy dự án luật do cá nhân đại biểu trình thì cũng phải đầy đủ hồ sơ như các luật khác. Điều này có thể gây khó khăn cho các đại biểu Quốc hội khi thực thi quyền sáng kiến pháp luật của mình.

Từ phản ánh của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sáng kiến luật của đại biểu  khi đưa lên, các cơ quan của Quốc hội phải làm rõ sáng kiến luật đó. Nếu Ủy ban nào nhận thấy có nội dung liên quan đến lĩnh vực của mình thì tham gia xây dựng.

Theo các đại biểu, nếu đơn giản cách làm và phát huy được tính chủ động của các cơ quan liên quan thì đại biểu Quốc hội sẽ phát huy được năng lực sáng kiến pháp luật và đó cũng chính là việc góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Từ cách xây dựng luật hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ có thể đề xuất làm luật nhưng Quốc hội cần quyết định “đầu bài” và tư tưởng cho các dự án luật. Quy định như vậy sẽ tạo nên tính chủ động cho Quốc hội trong việc thực hiện một trong những chức năng chính là xây dựng luật pháp.

Về nội dung đánh giá tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các đại biểu đều cho rằng cần phải thực hiện yêu cầu này để hoàn thiện quy định luật pháp. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay mà theo các đại biểu là chưa có một quy trình, quy chuẩn nào để thực hiện công việc đánh giá tín nhiệm. Do đó các đại biểu kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng thực hiện việc đánh giá tín nhiệm chức danh do Quốc hội bầu mới chỉ là đổi mới “đầu ra” mà chưa đổi mới “đầu vào”. Theo đại biểu, khi Quốc hội phê chuẩn các chức danh cũng phải có số dư, các ứng viên cũng phải có chương trình hành động để Quốc hội lựa chọn và khi đánh giá tín nhiệm thì cũng có cơ sở.

Góp ý cho Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đoàn Hà Nội quan tâm nhiều đến việc tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa các kỳ họp chính.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung hoan nghênh việc tổ chức các hội nghị trực tuyến giữa 2 kỳ họp. Theo đại biểu Trung, có thể tăng các cuộc họp này lên tần suất 1 quý/lần, thậm chí càng nhiều càng tốt vì hiện nay, có rất nhiều vấn đề bức xúc được cử tri quan tâm, nếu kết hợp được những vấn đề này với các vấn đề của UBTVQH và tiến hành chất vấn thì rất tốt.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch đề nghị thêm, nên hợp thức hóa kết quả của các cuộc họp trực tuyến và coi các cuộc họp trực tuyến có giá trị pháp lý như các cuộc họp tập trung.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị cân nhắc việc này. Theo đại biểu Hà, thực tế tổ chức các hội nghị trực tuyến cho thấy, ở đoàn Hà Nội, ngoài 2 đại biểu chuyên trách thì thường chỉ có thêm 1-2 đại biểu kiêm nhiệm tham gia. Đại biểu Hà đề nghị, đề án cần làm rõ tính pháp lý của hội nghị trực tuyến và cách ứng xử với các khách mời đến dự.

Ủng hộ các cuộc họp trực tuyến, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn đến thời gian dành cho cuộc họp, bởi nếu cuộc họp trực tuyến có đông đại biểu tham gia thì không thể đủ thời gian để các đại biểu góp ý. Để khắc phục hạn chế này, đại biểu Khánh đề nghị, nên khuyến khích các đại biểu sử dụng công nghệ thông tin để đóng góp ý kiến cho Quốc hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là các ý kiến đã được góp ý phải được tiếp thu và giải trình đầy đủ.

Sáng mai 29/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường để thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp

Xuân Hương (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ